Aa

Giải pháp nào ngăn chặn tiêu cực đấu giá mua rẻ đất đai, tài sản của Nhà nước?

Chủ Nhật, 14/08/2022 - 06:06

Hình thức đấu giá truyền thống bộc lộ nhiều bất cập hạn chế, đòi hỏi phải thay thế bằng hình thức mới - đấu giá online.

Hiện tượng tiêu cực trong đấu giá 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các thông tin về đấu giá, phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, nhiều cá nhân, các doanh nghiệp có nhu cầu thực lại rất khó tiếp cận với nguồn thông tin chính thống để tham gia các cuộc đấu giá. Điều này dẫn đến việc không ít các cuộc đấu giá với giá trị tài sản lớn nhưng rất ít doanh nghiệp tham gia, hoặc các cá nhân, doanh nghiệp thực sự có năng lực không có cơ hội tham gia vào các cuộc đấu giá đất này.

Điển hình như vụ đấu giá 375 lô đất tại mặt bằng 3241 (phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa) đầy tai tiếng cách khoảng 3 năm về trước tại Thanh Hóa. Qua kiểm tra, những vi phạm liên quan trong quá trình đấu giá mặt bằng này được cơ quan chức năng chỉ rõ như: Đơn vị tổ chức đấu giá không cập nhật thông tin đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử TP. Thanh Hóa và Trang thông tin điện tử đấu giá chuyên ngành kịp thời, không niêm yết thông báo điều chỉnh phương án đấu giá công khai...

Ngoài ra, mặt bằng này nằm ở vị trí đắc địa, yếu tố thương mại cao, nhưng chỉ có vài khách hàng nộp hồ sơ năng lực cho tổ chức bán đấu giá, trong đó 2 khách hàng đủ điều kiện năng lực tham gia phiên đấu giá khiến dư luận hoài nghi có "vấn đề" trong quá trình tổ chức thực hiện... và phải tới lần đấu giá thứ 3 mới được thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Cũng liên quan tới tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản, mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Xuân Trường (SN 1989) và Nguyễn Thị Dung (SN 1986), nhân viên của Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên (có trụ sở ở Thanh Hóa) để làm rõ hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản" xảy ra tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương. 

Mặc dù chưa có thông tin chính thức về kết luận điều tra liên quan tới hành vi cụ thể của cá nhân trong hoạt động đấu giá tài sản, nhưng những vụ việc nêu trên phần nào cho thấy dấu hiệu tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá đất cần sớm có giải pháp chấn chỉnh.

Mặt bằng 3241 từng gây nhiều tai tiếng nhiều năm về trước (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Những vụ việc, hiện tượng có dấu hiệu tiêu cực trong đấu giá đã làm méo mó bản chất minh bạch, công bằng của hoạt động đấu giá, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi, uy tín của tổ chức, cá nhân khác khi tham gia hoạt động này.

Nói về tình trạng tiêu cực trong đấu giá, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu rõ tình trạng quân xanh quân đỏ, thông đồng dìm giá, bắt tay nhau để mua rẻ tài sản của Nhà nước, nhất là đất đai đang diễn ra tại nhiều phiên đấu giá.

Ngoài ra, còn có cả thủ đoạn sử dụng xã hội đen để đe dọa những người tham gia đấu giá, khiến cho họ sợ hãi bỏ cuộc, rút hồ sơ và cuộc đấu giá chỉ còn một nhà thầu, "một mình một chợ".

Luật sư Trần Đức Phương (Ảnh: Vneconomy)

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, tình trạng tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá đất không phải là chuyện mới nhưng thực tế rất khó phát hiện do hình thức hoạt động tinh vi.

"Các quy định liên quan tới đấu giá hiện nay chủ yếu là nội dung hướng dẫn thực hiện, chưa đi sâu vào việc phòng, chống tiêu cực trong hoạt động đấu giá. Việc chống tiêu cực trong hoạt động đấu giá phần nhiều mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định, chế định cụ thể trong việc xử lý vi phạm. Do vậy, nếu người ta có ý định tiêu cực sẽ làm cho hoạt động đấu giá bị thâu tóm và trở thành hình thức”, Luật sư Phượng cho hay.

Vị Luật sư kiến nghị: “Các quy định pháp luật hiện nay liên quan tới hoạt động đấu giá, đấu thầu đòi hỏi phải hoàn thiện khung pháp lý mới theo hướng chặt chẽ hơn, chi tiết từng hoạt động trong việc tổ chức đấu giá. Bên cạnh đó, phải có các quy định phòng, chống và xử lý các hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện quy trình tổ chức đấu giá.

Đối với các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện tổ chức hoạt động đấu giá, cần quy định ứng dụng công nghệ thông tin (công bố, tiếp cận nhận hồ sơ, đăng ký tham gia, gửi thông tin cho người tham gia, hình thức tổ chức trực tuyến, ghi hình buổi tổ chức...) để tạo nên sự khách quan, minh bạch và phòng chống các tiêu cực có thể xảy ra”.

Cần thay đổi hình thức đấu giá

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hàng loạt cuộc đấu giá tài sản, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất. Theo thống kê của Sở Tư pháp Thanh Hóa, tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh thực hiện 865 cuộc đấu giá, trong đó có 676 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất và 189 cuộc đấu giá tài sản khác, thu về hơn 16 nghìn tỷ đồng cho ngân sách (tăng thu hơn 4 nghìn tỷ đồng so với giá khởi điểm). Riêng Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã ký được 203 hợp đồng đấu giá, trong đó đấu giá thành công 158 cuộc đấu giá...

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa có 37 tổ chức đấu giá tài sản, thế nhưng nhưng hầu hết các cuộc đấu giá này đều thực hiện theo kiểu tập trung, trả giá trực tiếp. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gian lận, tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong quá trình tổ chức thực hiện. Hình thức đấu giá truyền thống này cũng được cho là không phù hợp với xu thế thời đại, nhất là trong bối cảnh cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh...

Trước thực tế này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn chỉ đạo, trong đó nêu rõ: “Khuyến khích UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa chủ động lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất bằng phần mềm đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản”.

Trao đổi với phóng viên Reatimes, ông Mai Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa nhận định, việc đấu giá đất trực tuyến sẽ là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0 bởi tính ưu việt của hình thức này: “Việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến sẽ tạo ra tính công khai, minh bạch cho các cuộc đấu giá, hạn chế được các hiện tượng tiêu cực (thông đồng, dìm giá, quân xanh, quân đỏ…).

Quy trình tổ chức thực hiện đấu giá đều thực hiện trực tuyến nên có tính bảo mật cao. Các chi phí tổ chức đấu giá trực tuyến cũng ở mức chấp nhận được, do đó các doanh nghiệp đấu giá có thể tiếp cận dễ dàng phần mềm này. Đặc biệt, việc đấu giá trực tuyến đã được ghi nhận trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ năm 2020, là hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương triển khai và áp dụng rộng rãi”.

Trụ sở Sở Tư pháp Thanh hóa. (Ảnh: Truyền hình Thanh Hóa)

Mặc dù đấu giá trực tuyến được đánh giá cao về tính ưu việt và đã được ghi nhận trong luật nhưng cho đến thời điểm hiện nay hình thức này vẫn chưa thực sự phổ biến.

Lý giải về nguyên nhân, ông Mai Văn Đông cho rằng: “Vấn đề chính nằm ở người, tổ chức có tài sản đấu giá. Nếu họ không yêu cầu bán đấu giá trực tuyến thì đơn vị tổ chức bán đấu giá cũng khó triển khai thực hiện.

Mặt khác, trong thời gian qua, mặc dù lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản khuyến khích phương án đấu giá trực tuyến, tuy nhiên các địa phương trong tỉnh, các tổ chức đấu giá vẫn chưa áp dụng rộng rãi hình thức này bởi tính ràng buộc trong thực hiện chưa cao. Trong phương án đấu giá được duyệt cũng rất ít đề cập tới vấn đề đấu giá trực tuyến. Trường hợp muốn đấu giá trực tuyến thì phải sửa lại phương án đấu giá. Thậm chí, có người e ngại mức độ an toàn, tính bảo mật của phương án này. Trong khi đó, người tham gia đấu giá còn bỡ ngỡ với hình thức này nên cũng khó triển khai, áp dụng đại trà…”.

Ông Đông cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hiện tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã bắt đầu áp dụng phần mềm trực tuyến trong đấu giá tài sản. Từ đầu năm tới nay, Trung tâm này đã thuê phần mềm và triển khai thành công khoảng 10 cuộc bán đấu giá theo hình thức online.

Đấu giá online không khó, quan trọng là quyết tâm thực hiện

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - CEO Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt (đơn vị xây dựng phần mềm triển khai hình thức đấu giá trực tuyến) cho rằng, để áp dụng rộng rãi hình thức trực tuyến trong bán đấu giá tài sản phụ thuộc vào tư duy người đứng đầu.

"Đấu giá trực tuyến hay theo kiểu truyền thống phụ thuộc chủ yếu vào tư duy của người đứng đầu. Nếu lãnh đạo không ngại thay đổi tư duy trong lĩnh vực này thì họ sẽ áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến một cách bài bản, chuyên nghiệp và ngược lại... Ở nước ngoài họ đã áp dụng cách đây rất lâu, trong khi ở Việt Nam thì mới triển khai được vài năm trở lại đây. Đơn vị cung cấp bản quyền sẵn sàng hỗ trợ phần mềm để các đơn vị đấu giá triển khai, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, không phải ai cũng có tư duy đổi mới trong việc thực hiện", bà Hạnh chia sẻ với phóng viên Reatimes.

Nói về hiện tượng tiêu cực trong đấu giá, trong đó có hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất của Việt Nam còn bất cập, hạn chế. Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản còn chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo tính linh hoạt để xử lý các tình huống phát sinh trong đấu giá loại tài sản đặc biệt như đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có quy định mang tính nguyên tắc về việc áp dụng đấu giá bằng hình thức trực tuyến đối với các tài sản công có giá trị cao như thông lệ đấu giá tài sản công của các nước trên thế giới…

Nói về giải pháp để hạn chế tiêu cực trong hoạt động đấu giá, Bộ trưởng Bộ TN&MT  cho rằng, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức bán đấu giá với cơ quan công an để đảm bảo an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất; áp dụng linh hoạt hình thức đấu giá, mở rộng hình thức đấu giá trực tuyến…

Trả lời phóng viên về tính bảo mật của phần mềm đấu giá trực tuyến, bà Hạnh cho rằng, đây là vấn đề không đáng lo ngại: “Phần mềm đấu giá trực tuyến khi được cấp phép sử dụng phải trải qua quá trình xét duyệt chặt chẽ của Hội đồng thẩm định. Do vậy, lo ngại về tính bảo mật của phần mềm đấu giá trực tuyến là không có cơ sở.

Trường hợp đơn vị muốn đấu giá bằng hình thức trực tuyến nhưng không đủ năng lực tự xây dựng, vận hành thì pháp luật cho phép đi thuê. Chi phí thuê phần mềm cũng rất rẻ. Phần mềm đấu giá trực tuyến của Lạc Việt hiện nay đã bán được khoảng 3 nghìn tỷ đồng tại nhiều địa phương. Các đơn vị sử dụng phần mềm này đều không vướng mắc gì trong quá trình thực hiện đấu giá".

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản (đề nghị không nêu tên) cho rằng, để hình thức đấu giá trực tuyến áp dụng rộng rãi, cần phải thực hiện tổng thể nhiều giải pháp.

Thứ nhất, khi đã có hành lang pháp lý về đấu giá trực tuyến, các địa phương cần thống nhất áp dụng rộng rãi hình thức này theo hướng vừa khuyến khích, vừa xem đó là nhiệm vụ thực hiện. Cụ thể, trong chỉ đạo, điều hành, cấp tỉnh cần giao nhiệm vụ, yêu cầu các địa phương tổ chức bán đấu giá thực hiện đấu giá trực tuyến. Ví dụ, huyện A thực hiện 1 năm khoảng 50 cuộc đấu giá đất thì quy định phải thực hiện được 10 cuộc đấu giá trực tuyến hoặc chỉ đạo rõ từng vụ việc phải đấu giá trực tuyến nếu thấy cần thiết, để tạo tính công khai, minh bạch.

Ngược lại, nếu các địa phương chỉ dừng lại ở việc hô hào, khuyến khích thực hiện đấu giá trực tuyến mà không áp dụng chế tài để ràng buộc trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ, thì rất khó để áp dụng trên thực tế.

Thứ hai, khi đấu giá trực tuyến được xem là nhiệm vụ cần thực hiện, thì địa phương (cấp tỉnh, huyện) phải gương mẫu đi đầu bằng cách triển khai thực hiện bằng việc làm cụ thể để các tổ chức, công ty đấu giá tham gia, học hỏi. Mặt khác, khi các Sở, ban, ngành trình phương án đấu giá tài sản thì phải đưa hình thức đấu giá trực tuyến vào, để thống nhất trong việc chỉ đạo, thực hiện.

Thứ ba, để áp dụng có hiệu quả phương án đấu giá trực tuyến, cần có chương trình tập huấn bài bản cho cá nhân, tổ chức có tài sản, đơn vị tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá hiểu thế nào là đấu giá trực tuyến. Từ đó làm căn cứ để nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác trong quá trình triển khai thực hiện./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top