Aa

Hoàn thiện hệ thống pháp luật để nâng giá trị của đất

Thứ Ba, 17/05/2022 - 06:15

Để nâng cao giá trị của đất, khơi thông nguồn lực đất đai cũng như phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật cần hoàn thiện và rõ ràng trong vấn đề quy định về đấu giá quyền sử dụng đất.

Đấu giá quyền sử dụng đất là một nội dung quan trọng của pháp luật về đất đai tuy nhiên hoạt động quản lý Nhà nước về đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, tính chuyên nghiệp trong bán đấu giá tài sản quyền sử dụng đất chưa cao, tình trạng giới đầu cơ đất đai liên kết với nhau để thông đồng, móc ngoặc rất lớn. Những thực trạng này đã và đang làm ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của hoạt động bán đấu giá tài sản.

Từ thực tiễn sai phạm bị xử lý trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất ngày càng gia tăng thời gian gần đây, một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm xuất phát từ hệ thống pháp luật chưa đầy đủ. Do đó việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất rất cần thiết.

Bàn luận về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

PV: Thưa luật sư, pháp luật đã quy định như thế nào về đấu giá quyền sử dụng đất? Các trường hợp nào bắt buộc phải đấu giá quyền sử dụng đất?

Luật sư Đặng Văn Cường: Đấu giá quyền sử dụng đất trong hoạt động giao đất, cho thuê đất là phương thức phân phối đất đai đặc biệt của Nhà nước. Khác với giao đất, cho thuê đất theo cách thức thông thường, trong trường hợp này các chủ thể có nhu cầu sử dụng đất phải tham gia đấu giá công khai với những người khác và người nào trả giá cao nhất là người được nhận quyền sử dụng đất. Có nhiều mục đích được đặt ra khi các bên lựa chọn phương thức chuyển quyền sử dụng đất thông qua đấu giá, nhưng mục đích thường được hướng tới là nhằm đưa tài sản tiếp cận với người có nhu cầu thực sự, nhằm phát huy cao giá trị của tài sản hàng hóa đặc biệt đó là quyền sử dụng đất mà “người bán” mong muốn đạt được. Việc đưa quyền sử dụng đất vào đấu giá là một bước tiến trong hoạt động giao, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thông qua đó, góp phần làm giảm đầu cơ đất đai, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia đấu giá, huy động tối đa nguồn vốn cho ngân sách. 

Điều 117 Luật Đất đai 2013 quy định rõ 7 nguyên tắc của việc đấu giá quyền sử dụng đất, bao gồm: Công khai, khách quan, liên tục, bình đẳng, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu giá tài sản.

Căn cứ Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013, có 8 trường hợp được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, gồm:

- Đấu giá quyền sử dụng đất khi đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê mua hoặc cho thuê.

- Đấu giá quyền sử dụng đất khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để cho thuê hoặc chuyển nhượng.

- Đấu giá quyền sử dụng đất khi sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

- Đấu giá quyền sử dụng đất khi sử dụng đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất phi nông nghiệp.

- Đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất cho thuê thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản.

- Đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại.

- Đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất mà cá nhân, hộ gia đình được giao để ở tại nông thôn, đô thị.

- Đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà được giao đất hay cho thuê đất.

Đất công
Đấu giá quyền sử dụng đất là giải pháp quan trọng khơi thông nguồn lực đất đai. (Ảnh minh hoạ)

Lưu ý, các trường hợp Nhà nước tiến hành giao đất, cho thuê đất mà không đấu giá quyền sử dụng đất tại Khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai 2013: đất được đưa ra đấu giá nhưng không có người tham gia hoặc chỉ có một người đăng kí tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất hai lần nhưng không thành.

Pháp luật quy định đất được giao không thu tiền sử dụng hoặc đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không cần đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nếu sử dụng đất trong các trường hợp sau thì không cần đấu giá quyền sử dụng đất:

- Cá nhân, hộ gia đình đã và đang sử dụng đất nông nghiệp và có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao.

- Tổ chức ngoại giao nước ngoài sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc.

- Đơn vị quân đội thuê đất của Nhà nước (có thu tiền tiền đất hàng năm) để sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp,diêm nghiệp, nuôi trồng thủy sản kết hợp với nhiệm vụ an ninh quốc phòng.

- Đất được sử dụng với mục đích khai thác khoáng sản.

- Đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở xã hội.

- Cán bộ, viên chức, công chức được giao đất vì phải chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền.

- Giao đất cho cá nhân, hộ gia đình không có đất ở có hộ khẩu thường trú tại xã, thị trấn, vùng khó khăn.

PV: Qua phân tích của luật sư, có thể thấy đấu giá quyền sử dụng đất có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý đất đai và đã được pháp luật quy định khá đầy đủ về các trường hợp thực hiện đấu giá, trình tự, thẩm quyền đấu giá. Tuy nhiên đến nay vẫn còn rất nhiều sai phạm về đấu giá quyền sử dụng đất. Vậy thưa luật sư, những vi phạm, tồn tại nào đang nổi cộm liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay?

Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều hạn chế, tồn tại như:

Việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản để đấu giá còn chưa hợp lý, chênh lệch lớn so với giá thị trường, thậm chí kết quả định giá của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng một thời điểm còn chênh lệch nhau nhiều, đặc biệt là giá đất.

Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng” nên không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Năng lực hoạt động của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản còn hạn chế; còn có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, “cạnh tranh” không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Tình  trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản; hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá tuy có giảm nhưng vẫn còn phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương.

Tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%) nhưng chưa có đầu mối chung để xử lý như mô hình của một số nước phát triển (ở Hàn Quốc, việc xử lý tài sản công được giao cho công ty trực thuộc Bộ Tài chính. Ở một số nước, việc xử lý tài sản công do một cơ quan nhà nước hoặc đấu giá viên tư pháp do Tòa án chỉ định thực hiện). Do đó, dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chưa đến 50 cuộc, chiếm rất ít (0,06%) so với số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc.

Luật sư Cường
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý, nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra). Chẳng hạn như vụ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa mới đây, sau 2 lần UBND tỉnh hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng. Còn tại cuộc đấu giá tài sản của Vinashin ở Quảng Ninh, hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, tài sản của Nhà nước không bị thất thoát; tình trạng “cò”, đe dọa trong các vụ đấu giá đất ở Hà Nam đã được cơ quan công an hỗ trợ và đảm bảo an ninh; vụ đấu giá đất tại thị trấn Đắk Mâm, Krông Nô, Đắc Nông, vụ bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần Dệt Long An và các vụ đấu giá đất tại Nghệ An, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng có hành vi thông đồng, dìm giá, băng nhóm đe dọa người tham gia đấu giá.

PV: Thực tiễn cho thấy, có những vụ thao túng kết quả đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay cũng rất nhiều, nguyên nhân của tình trạng này diễn ra là do đâu, thưa luật sư?

Luật sư Đặng Văn Cường: Thứ nhất, pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều hạn chế.

Các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất được quy định trong rất nhiều văn bản từ Luật, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch giữa các bộ, ngành, Quyết định của UBND tỉnh,… Mỗi văn bản lại điều chỉnh một vài khía cạnh hoặc cùng một lúc nhiều văn bản điều chỉnh một khía cạnh nhưng lại có điểm không thống nhất. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.

Đối với quy định xác định giá khởi điểm: Việc xác định giá khởi điểm đúng với giá trị tài sản sẽ có vai trò quyết định việc đăng ký tham gia đấu giá, trả giá nhằm xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản hiện hành cho thấy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người phê duyệt giá đất khởi điểm do Sở Tài chính và Sở Tài nguyên & Môi trường xác định dựa trên bảng giá đất. Ban hành Bảng giá đất còn chưa sát giá thị trường. Việc phê duyệt giá đất khởi điểm được quyết định bởi một cá nhân nên có thể có sự không minh bạch về mức giá khởi điểm này. Những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Đối với quy định về thông báo đấu giá: Pháp luật có hướng dẫn cụ thể về việc đăng Thông báo đấu giá tài sản trên báo in, báo hình nào. Các tổ chức đấu giá khi áp dụng quy định về đăng tải Thông báo đấu giá tài sản trên là rất khác nhau và khó có thể kiểm soát việc đăng thông báo của tổ chức đấu giá như thế nào là phù hợp. Điều này dẫn đến tình trạng tổ chức đấu giá triển khai việc đăng tải Thông báo đấu giá tài sản trên nhiều báo khác nhau, vì thế mà thông tin rất khó đến được với khách hàng. Với số lượng báo in ngày càng nhiều, tổ chức đấu giá vẫn có thể dễ dàng “qua mặt” người tham gia đấu giá trong việc đăng thông báo công khai việc đấu giá tài sản như: (i) đăng rải rác trên nhiều báo, đăng trên các báo in mà người có nhu cầu tham gia hầu như không đọc; (ii) Đăng thông báo trên báo mua bán với chi chít các thông tin, trong đó thông tin về đấu giá được in rất nhỏ; (iii) đăng báo hình vào những khung giờ quá sớm hoặc quá muộn khiến ít người theo dõi được,… Thực tế hoạt động của các tổ chức đấu giá này đã làm cho việc tiếp cận thông tin đấu giá qua báo in hoặc báo hình chưa mang lại hiệu quả đáng kể, làm giảm đáng kể sự tiếp cận của khách hàng có nhu cầu mua tài sản đấu giá đối với thông tin đấu giá tài sản, tiếp tay cho việc thông đồng, cấu kết để bán được tài sản một cách không minh bạch.

Pháp luật đấu giá quyền sử dụng đất thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước dẫn tới tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông đồng, trục lợi.

Thứ hai, bên cạnh pháp luật còn nhiều hạn chế thì công tác tổ chức thi hành bán đấu giá tài sản cũng chưa nghiêm túc, chưa đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.

Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất vẫn đang bộc lộ nhiều lúng túng, bất cập: Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ ở địa phương còn bộc lộ nhiều yếu kém. Việc hướng dẫn địa phương thực hiện pháp luật đấu giá hay hướng dẫn các tổ chức đấu giá khắc phục khó khăn có lúc chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân dẫn đến các vụ án sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là do có sự tiếp tay của cán bộ quản lý ở các đơn vị có thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, hô biến “đất vàng” của Nhà nước thành tài sản tư với mức giá “ưu đãi”. Quyền lực nhà nước trao cho một số cá nhân, cán bộ đôi khi chính là con dao 2 lưỡi, đó vừa là quyền hạn, vừa là trách nhiệm, nếu như không có đủ trí tuệ, bản lĩnh thì sẽ rất dễ bị cám dỗ chi phối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nhà nước, tập thể và cá nhân.

Ngoài ra, một số tổ thức đấu giá không nghiêm túc thực hiện đúng các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất. Chẳng hạn như: thực hiện việc niêm yết, công khai thông báo đấu giá còn sơ sài, không đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định (thời gian, địa điểm đấu giá, nơi đăng ký tham gia đấu giá,…); không thực hiện thông báo rộng rãi nhằm mục đích khép kín thông tin;… Không ít trường hợp đấu giá chỉ mang tính hình thức.

Thứ ba, ý thức pháp luật của một bộ phận những người có trách nhiệm thi hành pháp luật và những người tham gia đấu giá còn chưa cao. Nhận thức của các chủ thể có liên quan về pháp luật đấu giá tài sản chưa đầy đủ, toàn diện đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển của hoạt động đấu giá tài sản.

Thực tế có nhiều “lỗ hổng” tồn tại trong các phiên đấu giá đất tại một số địa phương, tạo điều kiện cho các đối tượng thâu tóm, dìm giá đất nhằm trục lợi. Có những người sử dụng “tiểu xảo” để cản trở và kéo dài phiên đấu giá, gây khó khăn cho tổ chức đấu giá. Trong phiên đấu giá cũng có không ít những khách hàng không thực sự muốn mua hàng mà chỉ xuất hiện như những “quân xanh” trong phiên đấu giá.

PV: Một nội dung mà rất nhiều người quan tâm là vai trò của cơ quan thẩm định giá trong đấu giá quyền sử dụng đất. Xin luật sư phân tích thêm về vấn đề này?

Luật sư Đặng Văn Cường: Cơ quan thẩm định giá trong đấu giá quyền sử dụng đất có vai trò hết sức quan trọng.

Thứ nhất, việc thẩm định giá của cơ quan thẩm định giá nhằm thẩm định giá đúng giá trị thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

Đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê là phương thức phân phối đất đai đặc biệt của Nhà nước, trong đó các chủ thể có nhu cầu sử dụng đất phải tham gia đấu giá công khai với nhau và người trả giá cao nhất là người được nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất nhằm hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong công tác đấu giá, thẩm định giá tài sản là hoạt động rất cần thiết để làm cơ sở xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất.

Hiện nay các công ty thẩm định giá ngày càng xuất hiện nhiều cả về số lượng và chất lượng do đó trong từng trường hợp cụ thể họ có khả năng đáp ứng được hết các yêu cầu về thẩm định giá nói chung và thẩm định để đấu giá tài sản nói riêng. Thẩm định giá quyền sử dụng đất là số tiền ước tính về giá trị của quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài sản trên đất so với các giao dịch đang được mua bán trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá và cho một mục đích đã được xác định rõ trong những điều kiện của một thị trường nhất định với những phương pháp phù hợp. Thẩm định giá quyền sử dụng đất đúng giá trị làm minh bạch thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường tài sản trong nước. Qua đó góp phần giải bài toàn về việc xác định giá đất phù hợp với giá trên thị trường. Từ đó, cơ quan thẩm định giá góp phần xây dựng mặt bằng giá cả hợp lý. 

Thứ hai, cơ quan thẩm định giá trong đấu giá quyền sử dụng đất góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia đấu giá.

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, môi trường kinh tế tinh vi và phức tạp đòi hỏi một nguồn thông tin đảm bảo, có độ tin cậy cao và được cập nhật liên tục. Vì vậy, công tác thẩm định giá ngày càng trở nên cần thiết hơn. Để định giá quyền sử dụng đất chính xác, chuyên sâu, các đơn vị Nhà nước thường tham khảo ý kiến từ các công ty thẩm định giá chuyên sâu để có được cơ sở khách quan nhất xác định giá khởi điểm của khu đất đó. Thẩm định giá tài sản là tài liệu các bên tham khảo nhằm xác định giá trị quyền sử dụng đất đưa ra đấu giá. Trong trường hợp các bên thống nhất về giá thì mức giá này được xác định đủ cơ sở pháp lý để đấu giá.

bđs

bđs

 

Tuy nhiên, thực tế việc thẩm định giá hiện nay là chưa phát huy được vai trò trên mà lại đưa đến những bất cập cho đấu giá quyền sử dụng đất.

Hiện nay khung giá đất, phương pháp định giá đất quy định trong Luật Đất đai 2013 vẫn mang nặng tính số học, chưa thể hiện được đầy đủ đặc tính kinh tế của đất đai, chưa phù hợp với thực tế của thị trường đất đai. Ngoài ra thì với mỗi phương pháp định giá khác nhau lại cho ra một mức giá khác nhau do đó việc bị lợi dụng để trục lợi làm thất thoát lãng phí sản đất đai là rất có thể diễn ra ở nhiều nơi. Hiện nay việc định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất ngoài căn cứ trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá trị đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp thì còn phải căn cứ trên kết quả tư vấn xác định giá đất của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất cụ thể được thuê. Trong khi đó chứng thư thẩm định này hầu hết sẽ quyết định đến tiến trình đấu giá đất. Hiện nay Điều 115, 116 Luật đất đai 2013, Nghị định 44/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP có quy định về hoạt động tư vấn giá đất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất. Song Luật chưa quy định về tổ chức thẩm định giá đất độc lập. Hiện tại theo Luật đất đai 2013 thì Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất. Việc nghiên cứu tách thẩm quyền quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và thẩm quyền quyết định về giá đất đang được nhiều chuyên gia đề cập đến. Bởi nếu không tách bạch được thì dễ dẫn tới khó kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền gắn với tư lợi. Kinh nghiệm ở nhiều nước là thẩm quyền quyết định về đất đai và giá đất nên trao cho hai cơ quan nhà nước độc lập với nhau. Do đó việc nghiên cứu thành lập tổ chức thẩm định giá đất độc lập là cần thiết. Nhưng phải có cơ chế để quản lý cơ quan này, đảm bảo tính độc lập, khách quan, trung thực, minh bạch khi làm nhiệm vụ.

PV: Như vậy, có thể thấy hiện nay vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất đang có rất nhiều bất cập, hạn chế, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, thiệt hại ngân sách, gây mất ổn định thị trường bất động sản. Vậy giải pháp nào cho những tồn tại nêu trên, thưa luật sư?

Luật sư Đặng Văn Cường: Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.

- Xây dựng chính sách pháp luật đấu giá tài sản phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện tại, có một khung pháp lý thống nhất, ổn định về đất đai; khắc phục được các vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự thống nhất giữa các luật có liên quan.

- Cần quy định trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất chặt chẽ để tránh tình trạng cá nhân, tổ chức thông đồng trong quá trình tổ chức đấu giá, gây thất thu cho ngân sách.

- Ngoài việc quy định về xử lý đối với các hành vi vi phạm xảy ra liên quan đến việc mở, điều hành, tham gia phiên đấu giá tài sản; cần quy định về các hành vi vi phạm cả trong quá trình trước và sau phiên đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, cần sớm sửa đổi các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng nâng cao mức xử phạt, đảm bảo đủ sức răn đe.

- Sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có “quân xanh, quân đỏ”.

- Để tạo được minh bạch giữa các chủ thể tham gia đấu giá, góp phần giảm tiêu cực, thì việc công khai thông tin trong hoạt động đấu giá là điều cần thiết. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tiếp cận thông tin, giúp tất cả người dân được cập nhật thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời cụ thể hoá những quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo sự tương thích, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức đấu giá, cơ cơ chế kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện đấu giá; nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên tham gia đấu giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

Thứ hai, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá, hoạt động mang tính xã hội đen (đe dọa, khống chế, hành hung người tham gia đấu giá…);

- Nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên định hướng xây dựng chính sách phát triển nguồn đấu giá viên, ưu tiên phát triển đội ngũ đấu giá viên chuyên sâu trong từng loại tài sản, có chất lượng bảo đảm nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, toạ đàm, hội thảo về đấu giá tài sản. Tăng cường chuyên môn, dạo đức hành nghề của đội ngũ đấu giá viên.   

- Xin cảm ơn những chia sẻ của luật sư!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top