Ngày 15/9, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hiệp hội bất động sản TP.HCM và Viện Đào tạo tư vấn và phát triển kinh tế cùng tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng: Cải thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và phát triển bất động sản hiện nay”.
Bất cập cần sửa đổi, bổ sung
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng kể từ khi có hiệu lực, Luật Xây dựng đã giúp công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động xây dựng được chặt chẽ hơn. Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực thì Luật Xây dựng vẫn còn những hạn chế bất cập như tính đồng bộ của pháp luật với các Luật chuyên ngành khác.
Để phù hợp với tình hình mới, đòi hỏi phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, cụ thể: Một số định hướng trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Một số quy định tại các Điều 57, Điều 58, Điều 82, Điều 83 về nội dung, phạm vi, thẩm quyền thực hiện của cơ quan quản lý Nhà nước, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn về công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế chưa phù hợp với nguyên tắc: Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm soát nội dung thuộc chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, kiểm soát sự phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp tính định mức, đơn giá của các dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn phải tự chịu trách nhiệm về các nội dung cụ thể của dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng.
Nội dung, thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng tại Điều 83 và cấp giấy phép xây dựng tại Điều 91, Điều 95 còn có một số điểm trùng lặp như đánh giá về an toàn công trình, an toàn môi trường, phòng, chống cháy nổ, năng lực của tổ chức, cá nhân thiết kế; điều kiện cấp giấy phép xây dựng chưa phù hợp với một số loại công trình; thời gian cấp giấy phép xây dựng còn dài.
Việc thành lập, vận hành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (Ban Quản lý chuyên ngành, khu vực) quy định tại Điều 62 bắt buộc đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách của Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty Nhà nước trong một số trường hợp khó thực hiện như một số Bộ, cơ quan ngang Bộ có rất ít dự án, dự án quy mô nhỏ. Do đó, việc duy trì Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực khó thực hiện do không đủ kinh phí lấy từ chi phí quản lý dự án theo quy định; các Tập đoàn, Tổng Cty thực hiện đầu tư xây dựng theo nhiều hình thức: Đầu tư tại các Cty con, Cty thành viên, hợp tác liên doanh..., việc bắt buộc quản lý dự án thông qua Ban chuyên ngành, khu vực làm giảm tính chủ động của các đơn vị này...
Gộp quy trình thẩm định với cấp phép xây dựng
Mở đầu buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Cty Tư vấn xây dựng Tân cho rằng, Ban soạn thảo cần đưa vấn đề lãng phí vào trong Luật Xây dựng sửa đổi.
“Bởi lãng phí xảy ra ở thời gian, do quá trình làm thủ tục để đầu tư xây dựng dự án quá lâu. Đơn cử như thời gian xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất lên đến 23 tháng vẫn chưa xong, chưa kể các thủ tục khác. Tất cả lãng phí đánh vào giá thành và người dân phải chịu lãng phí này.
Bên cạnh đó là lãng phí giá thành xây dựng, hầu hết các công trình xây dựng đều lãng phí từ 10 - 20%. Cụ thể như thiết kế phí không thể tỷ lệ thuận với giá thành xây dựng mà phải tỷ lệ nghịch. Bởi giá thành xây dựng càng cao, càng đắt tiền thì thiết kế phí càng cao, điều đó vô tình chúng ta giúp thiết kế vẽ vời nhiều thì lại được thiết kế phí cao. Do đó, Luật Xây dựng sửa đổi phải làm thế nào để thiết kế phí không lãng phí.
Trong các bước thẩm định hồ sơ dự án thì Nhà nước chỉ cần thẩm định thiết kế cơ sở, còn thẩm tra thiết kế kỹ thuật là chuyện của nhà thầu, của chủ đầu tư nên Nhà nước không cần quan tâm. Chúng ta nên phân thành 2 loại: Nếu chủ đầu tư là tư nhân, vốn tư nhân thì miễn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, còn vốn ngân sách thì phải làm chặt chẽ để chống lãng phí”, ông Đực nhấn mạnh
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lại cho rằng: Quy trình cấp giấy phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Nhưng, theo pháp luật xây dựng hiện nay thì lại tách thành 03 quy trình: Quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, Quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và Quy trình cấp giấy phép xây dựng.
Ông Châu nói: “Thiết kế cơ sở là cơ sở để xây dựng báo cáo khả thi của dự án đầu tư xây dựng. Luật Xây dựng quy định Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở là cần thiết để đảm bảo sự phù hợp về quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế theo quy định của pháp luật. Nhưng bước thiết kế kỹ thuật sau thiết kế cơ sở là nhiệm vụ rất quan trọng của chủ đầu tư và nên phân định trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư.
Chủ đầu tư có thể thuê tổ chức tư vấn độc lập để thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật nếu thấy cần thiết. Luật Xây dựng quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật của dự án là không cần thiết và đã can thiệp vào quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp chủ đầu tư.
Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 78; Khoản 3 Điều 82; Khoản 4 Điều 91 Luật Xây dựng 2014 theo hướng tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng với công tác thẩm định thiết kế cơ sở. Phân cấp và giao quyền cho cơ quan chuyên môn về xây dựng (Sở Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt, công trình theo tuyến hoặc công trình có liên quan đến hai tỉnh, hoặc công trình có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng.
Trường hợp Cơ quan chuyên môn về xây dựng (Sở Xây dựng) có yêu cầu thì Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở công trình xây dựng (nhằm hỗ trợ một số Sở Xây dựng chưa đảm bảo năng lực thẩm định thiết kế xây dựng công trình cấp I, hoặc công trình có kỹ thuật phức tạp...)”.
Tại TP.HCM đã thí điểm tích hợp 3 quy trình giữa thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ và cấp phép xây dựng với thời gian giảm từ 122 ngày 42 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân xây dựng công trình.