Aa

Giấy bóng kính, túi clear...

Thứ Năm, 08/04/2021 - 13:00

Phong trào hạn chế sử dụng/xả thải đồ nilon, đồ nhựa… nên tiên phong từ hệ thống nhà trường các cấp trên cả nước.

Ở các trường học, nhất là trường đại học, các học trò, sinh viên, kể cả thầy cô, dùng những giấy bóng kính, những túi đựng tài liệu (clear) rất tốn, tức là với số lượng rất nhiều.

Những tập tài liệu photo, những bài tiểu luận hoàn thành ở nhà… nếu khi phải nộp cho thầy cô, các trò hay rủ nhau đóng giấy bóng kính ngoài bìa. Mục đích là để cho tập tài liệu hay bài luận của mình lên màu, bắt mắt, gây chú ý. Có sinh viên còn cầu kỳ hơn, trong thì bìa giấy hoa văn chìm, sực nước hóa chất tạo mùi, thơm điếc mũi, lắm khi thầy cầm tay mùi sực lên bỗng hắt hơi; ngoài lại lớp giấy bóng kính đè lên. Bảo trông có đẹp không, kể ra thì cũng nhóng nhánh, gây ấn tượng chút, chứ không hẳn không có gì. Chả biết bên trong nội dung ra sao, với những sinh viên thích diêm dúa này cứ muốn tập bài phải bắt mắt cái đã.

Có bạn sinh viên/học viên cao học, nghiên cứu sinh này nọ, còn cẩn thận hơn. Không chỉ bìa giấy thơm, mầu, hoa văn chìm, mà sau khi xong tất cả mấy tập tiểu luận, luận văn và các minh chứng kèm theo ấy, họ lại dồn vào một cái clear to bự, để đựng cho gọn; nếu nhiều quá, phải dùng 2 cái clear mới đựng hết.

Rác thải nilon - Thảm họa môi trường.

Tôi, người viết bài này làm nghề giáo ở trường đại học, nên cũng rất quen với cách sinh viên nộp tập bài có đóng bìa giấy bóng kính và clear la liệt, trường kỳ, hết kỳ này sang kỳ khác, hết năm nọ đến năm kia.

Cứ tính sơ sơ, một trường đại học có đến 4 - 5 nghìn sinh viên (những trường lớn còn hơn thế), cộng với khoảng vài ba trăm các thầy cô, ấy là chưa kể đến đội ngũ các cán bộ văn phòng của các phòng ban khoa khác nhau… thì số lượng sử dụng, gửi đi và nhận về không biết cơ man nào mấy thứ nilon, đồ nhựa đó.

Cách đây khá nhiều năm, tôi đã có lời trước các sinh viên, hoặc học viên cao học khi đứng lớp rằng từ nay không nên, không nhất thiết phải đóng sử dụng giấy bóng kính và clear khi nộp bài luận nữa. Làm như thế, chúng ta được 2 việc cùng lúc: Đỡ tốn tiền, và nhất là đỡ góp phần vào việc xả các đồ nilon ra môi trường. Tôi cũng yêu cầu các em hãy xây dựng việc này thành thói quen, nhất là nên lan tỏa việc này rộng rãi cho các bạn sinh viên khác. Tôi bảo: “Thầy không coi trọng những thứ bên ngoài màu mè không cần thiết. Chúng ta hãy làm việc tốt từ những việc rất nhỏ này. Cái quan trọng là bài vở của các em có chất lượng”…

Thế mà có vẻ hiệu quả đấy ạ. Với các thầy cô khác không biết, nhưng với tôi, các lớp mà tôi đứng lớp, khi nộp bài vở cho tôi, chúng đã chừa cái thói dùng mấy thứ nilon đó.

Nhưng đấy là những lớp mà tôi trực tiếp dạy. Còn những nơi khác thì không hẳn thế. Thí dụ, đôi khi phải chấm tiểu luận, chấm luận văn cho các học viên ở một số trường khác chẳng hạn. Ôi trời, lại y nguyên như thế. Vẫn bìa giấy mầu thơm phức phủ ngoài giấy bóng kính long lanh. Vẫn cứ clear mỗi người hai ba túi đựng. Cũng đành nhận thôi chứ biết làm sao. Tuy nhiên tôi cũng nói thòng vào một câu rằng thì hãy bớt đi bìa bóng kính và clear, rộng ra là túi nilon, như thế tốt hơn.

túi nilon

Xin kể một chuyện riêng. Tôi là người hơi bị khó ngủ. Khi đang chập chờn, hễ có tiếng động khẽ thôi là tỉnh lại như sáo, không tài nào ngủ lại được nữa. Trong các loại tiếng động, sợ nhất là thứ tiếng loạt soạt của túi nilon. Đã có lần tôi phát cáu khi bà xã tôi sửa soạn rất khuya hành lý cho chuyến đi chơi xa vào sớm hôm sau. 

Cái tiếng loạt soạt của túi nilon khi gói gói buộc buộc nghe như tiếng thủy tinh vỡ vậy. Trong đêm khuya, những thứ tiếng đó càng được kích âm lên nghe như sự khủng bố… Có lúc, tôi cố lý giải tại sao mình không ưa cái tiếng nilon loạt soạt trong đêm đó. Thì ra trong thẳm sâu, tôi vốn rất ghét những túi nilon, những đồ nhựa tràn lan, chồng chất trên khắp hành tinh như một thảm họa hiện nay.

Phải giải bài toán thế nào đây khi con người vẫn phải sử dụng nó mà vẫn phải bảo vệ môi trường? Chắc chắn là phải có nhận thức và kỷ luật cao, phải hạn chế cao nhất việc sử dụng nilon, đồ nhựa một lần, phải tìm cách tái chế vào những việc có ích… như ta đang thấy. Nhưng có một cách nữa mà các quốc gia tiến bộ áp đặt là hãy đánh thuế cao những nhà sản xuất nilon, đồ nhựa… Tại sao không?

Phong trào hạn chế sử dụng/xả thải đồ nilon, đồ nhựa… nên tiên phong từ hệ thống nhà trường các cấp trên cả nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top