Thị trường vàng chốt phiên cuối tuần ngày 2/7 gần như đi ngang, tăng vỏn vẹn 0,22% sau khi trải qua tháng hoạt động tồi tệ nhất trong hơn 4 năm qua. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 trên sàn Comex giao dịch lần cuối ở mức 1.782,2 USD/ounce.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư tuần này hướng về báo cáo việc làm tháng 6/2021 của Bộ Lao động Mỹ vừa được công bố cuối ngày 2/7. Theo đó, tình hình việc làm của Mỹ đã "tăng tốc" trong tháng 6 vừa qua và đặt ra những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã bớt căng thẳng.
Cụ thể, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tạo thêm 850.000 việc làm mới trong tháng 6, so với mức tăng tương ứng 583.000 việc làm vào tháng 5. Dữ liệu này tuy tốt hơn dự báo trước đó của các chuyên gia phân tích nhưng vẫn thấp hơn con số ít nhất 1 triệu việc làm mỗi tháng mà các nhà kinh tế dự báo từ đầu năm. Lợi suất kho bạc Mỹ và đồng đô la đồng loạt giảm sau báo cáo, hỗ trợ giá vàng phục hồi.
Gần đây, các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng đã gợi ý rằng Fed nên bắt đầu giảm bớt việc mua tài sản ngay trong năm nay. Tuy nhiên, theo Phillip Streible, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, dữ liệu việc làm nói trên khó có thể kích hoạt việc Fed vội vàng giảm bớt kích thích hoặc bắt đầu tăng lãi suất. Ông nói thêm rằng vàng cũng đã tìm thấy một số động lực vì nhiều nhà phân tích đã mong đợi một con số gây bất ngờ hơn.
Một yếu tố khác cũng đang thúc đẩy nhu cầu đối với vàng là sự lan rộng của biến thể Delta trên toàn cầu đã cản trở kế hoạch mở cửa trở lại của một số nước châu Á và châu Âu. Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết những lo ngại này có thể thuyết phục một số nhà đầu tư rằng Fed sẽ thận trọng về việc tăng lãi suất, hỗ trợ vàng trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, "vàng đang đối mặt với ngưỡng kháng cự kỹ thuật ở mức khoảng 1.790 USD và có khả năng sẽ giảm giá cho đến khi chúng ta thấy một số dữ liệu kinh tế yếu hơn mong đợi."
Kết quả khảo sát giá vàng của Kitco cho thấy, trong số 13 nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát thì có đến 69,2% dự đoán giá vàng tuần từ ngày 5/7 đến 9/7 sẽ tăng và 30,8% còn lại giữ ý kiến trung lập, không có nhà phân tích nào dự báo giảm giá trong tuần tới.
Trong khi đó, tại Phố Main, 49,6% nhà đầu tư dự đoán giá vàng sẽ đi lên, 25,8% dự đoán giá sẽ thấp hơn và 24,6% còn lại cho rằng thị trường sẽ đi ngang.
Giám đốc điều hành Bannockburn Global Forex, Marc Chandler, dự đoán phạm vi giá 1.800 - 1.815 USD sẽ là trở ngại đầu tiên đối với vàng vào tuần tới. "Tôi mong vàng sẽ điều chỉnh cao hơn sau khi tìm thấy mức hỗ trợ gần 1.750 USD."
Theo Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco, cách tốt để biết xu hướng vàng sẽ tăng hay giảm trong tuần tới là theo dõi phạm vi 1.750 - 1.800 USD. "Giá đang bị "mắc kẹt" trong phạm vi giao dịch từ 1.750 - 1.800 USD. Việc giá 'bứt phá' ra khỏi phạm vi đó có thể là hướng di chuyển cho xu hướng tăng tiếp theo."
Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures, cho biết sự bứt phá trên 1.820 USD vào tuần tới sẽ mở ra cánh cửa cho một đợt bứt phá khác của vàng. "Nếu giá đóng cửa trên mức đó, vàng có thể tăng cao hơn nhiều và thậm chí tạo lập một mức cao mới."
Ở thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/7, giá vàng các thương hiệu SJC và phi SJC đồng loạt bật tăng, kéo dài phiên tăng giá thứ hai liên tiếp.
Cụ thể, giá vàng SJC đóng cửa tuần này phổ biến ở mức 56,4 - 56,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 56,9 - 57,20 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 100.000 - 300.000 đồng/lượng so với ngày 1/7. Trước đó, chiều hôm 2/7, giá vàng trong nước cũng đã đồng loạt tăng mạnh, vượt mốc 57 triệu đồng.
Với mức giá 1.787,45 USD/ounce cuối tuần này, vàng thế giới quy đổi tương đương 49,75 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí), thấp hơn khoảng 7,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước. Khoảng cách này đã thu hẹp so với mức 7,7 triệu đồng/lượng hôm giữa tuần./.