Trong tuần này, giá vàng quốc tế tiếp tục có diễn biến tích cực khi đã 2 lần chạm tới mức 1.890USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 1.881USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã tăng lên mức 56,55 triệu đồng/lượng, nhưng lực mua vẫn chưa có dấu hiệu gia tăng.
Giá vàng quốc tế tiếp tục tăng mạnh trong tuần này do các nhà đầu tư đã tiếp tục gia tăng mua vàng để phòng ngừa rủi ro lạm phát khi CPI tháng 4 của Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Đáng chú ý, sau khi liên tục bán ròng trong nhiều tháng, các quỹ đầu tư ETFs đã quay trở lại gom vàng, đặc biệt là SPDR- quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới, đã mua khoảng 26 tấn vàng từ đầu tháng 5 đến nay.
Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), dù trong 5 tháng đầu năm nay, một số quỹ ETFs đã bán vàng, nhưng tổng số vàng mua vào của các quỹ này đạt mức cao kỷ lục 33,7 tỷ USD, cao hơn nhiều con số kỷ lục của năm 2016 là 24 tỷ USD. Tính đến thời điểm này, các quỹ này đang nắm giữ 3.592 tấn vàng.
Nhiều chuyên gia dự báo, số lượng vàng mua vào của các quỹ ETFs sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong năm nay khi lạm phát tại nhiều quốc gia đã và đang có xu hướng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, dù lạm phát tăng mạnh, nhưng FED vẫn một mực khẳng định đó chỉ là tín hiệu tạm thời và chưa vội siết chặt chính sách tiền tệ, trong khi một số NHTW đã bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Điều này có nghĩa lãi suất thực của Mỹ sẽ tiếp tục âm sâu hơn trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh, và chênh lệch lãi suất của Mỹ so với các quốc gia khác sẽ ngày càng lớn, khiến USD bất lợi trong ngắn hạn, qua đó vàng sẽ hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, Trung Quốc chiếm khoảng 80% giao dịch điện tử toàn cầu, đã mạnh tay “cấm cửa” tiền ảo, khiến các đồng tiền này liên tục “phá đáy”, đẩy mạnh dòng vốn đầu tư sang các kênh đầu tư an toàn, như vàng… “Sau khi các loại tiền ảo bị bán tháo, vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư tổ chức. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho giá vàng trong ngắn hạn”, ông Edward Moya, Chuyên gia phân tích cao cấp của Oanda nhấn mạnh và nhận định giá vàng sẽ sớm vượt 1.900USD/oz.
Các chuyên gia của Credit Suisse cũng có quan điểm tích cực về xu hướng giá vàng ngắn hạn khi cho rằng sau khi vượt 1.845 USD/oz (MA200), giá vàng đã có xu hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, giá vàng có thể sẽ điều chỉnh, củng cố trước khi vươn lên tới mức đỉnh cao ngắn hạn tại 1.959- 1.966 USD/oz. Trong khi đó, 1.845 USD/oz sẽ là mức hỗ trợ quan trọng đầu tiên đối với giá vàng tuần tới, kế tiếp là 1.808 USD/oz.
Như vậy, với lực mua mạnh mẽ như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ sớm phá đỉnh 1.900USD/oz trong ngắn hạn, và không ngoại trừ khả năng điều này sẽ diễn ra trong tuần tới.
Trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng, trong đó đáng chú ý là GDP quý 1/2021 sửa đổi dự kiến vẫn ở mức 6,4%; đơn đặt hàng hóa bền lâu tháng 4 dự kiến tăng 0,7%; chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 dự kiến tăng 0,6%... Nếu GDP, đơn đặt hàng… tăng mạnh hơn dự kiến sẽ hỗ trợ tích cực cho USD và gây bất lợi cho giá vàng, và ngược lại thì giá vàng sẽ được hỗ trợ tích cực.