Giữa tháng 5/2023, chị Hà Hồng Ánh quyết định thuê thêm một căn nhà 2 tầng trong ngõ, đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) để mở rộng chuỗi siêu thị. Địa điểm mới này cách điểm cũ chưa đầy 800m, nhỏ hơn 20% về diện tích nhưng giá thuê chỉ bằng 1/3.
Cơ hội vẫn le lói
Chia sẻ với Vnbusiness, chị Ánh thừa nhận đang gặp khá nhiều khó khăn khi tiêu dùng đang sụt giảm, song chị vẫn quyết định mở thêm một điểm bán mới, vì chủ nhà buộc phải giảm giá sau khi đã bỏ trống gần năm. Hai điểm bán sẽ hoạt động theo nguyên tắc "bình thông nhau".
Theo đó, siêu thị cũ có vị trí ngoài đường lớn, hướng tới mục tiêu chính là giữ lượng khách quen và quảng bá thương hiệu. Còn điểm bán mới, nhỏ hơn nhưng nằm giữa khu dân dư, dễ tiếp cận khách hàng, sẽ tạo thêm doanh thu để bù đắp chi phí tổng, tăng doanh thu.
"Yếu tố cơ bản để duy trì một cửa hàng là doanh thu/m2. Các cửa hàng nhỏ đang làm tốt yếu tố này bởi lợi thế dễ dàng thâm nhập vào các khu dân cư, từ đó tăng độ phủ sóng. Xu hướng của số đông người tiêu dùng là chọn những siêu thị nhỏ gần nhà thay vì đến các đại siêu thị ở xa", chị Ánh phân tích.
Cũng theo chị Ánh, siêu thị, cửa hàng mini có thể nhỏ hơn về diện tích nhưng mật độ hàng hóa cao, đa dạng, từ hàng hóa tiêu dùng, nhu yếu phẩm đến thực phẩm tươi sống, thậm chí cả dược phẩm. Các chương trình khuyến mãi lớn (các nhãn hàng tài trợ) cũng liên tục được tung ra.
Cũng đang tận dụng làn sóng khách "tháo chạy" khỏi mặt bằng bằng bán lẻ khu trung tâm, ông Vũ Đình Tú, giám đốc kinh doanh của một chuỗi siêu thị chuyên về đồ dùng trẻ em, cho biết doanh nghiệp này đã mở thêm 6 điểm bán mới tại TP.HCM kể từ đầu năm 2023.
"Trong bối cảnh khó khăn, nhiều thương hiệu bán lẻ không còn bất chấp tiền bạc để đua mở rộng chuỗi cửa hàng, thay vào đó là tập trung cho chất lượng, khả năng sinh lời. Chúng tôi cũng nằm trong xu hướng này, dù thừa khả năng mở rộng thêm, nhưng chúng tôi chỉ chọn những vị trí đẹp, giá cả hợp lý", ông Tú chia sẻ.
Đáng chú ý, hồi tháng 3/2023, doanh nghiệp của ông Tú đã chủ động trả lại một mặt bằng có giá thuê 250 triệu đồng, khu vực ngã tư ở khu Tên Lửa (quận Bình Tân), để chuyển sang một mặt bằng khác chỉ cách đó 200m, giá thuê chưa đầy 90 triệu đồng/tháng. "Ở vị trí cũ, khách vẫn đông, nhưng giá thuê quá cao khiến thu không đủ bù chi, nên chúng tôi quyết định chuyển", ông Tú nói thêm.
Chia sẻ hoặc... "chết"
Có thể thấy, trong giai đoạn sàng lọc, "nguy" của người này lại là "cơ" của người khác. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn có thể nhìn thấy cơ hội khi làn sóng tháo chạy khỏi mặt bằng trung tâm nổ ra. Tuy nhiên, về dài hạn, sức ép được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Dễ nhận thấy, ngay cả những ông lớn ngành bán lẻ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Như ở Thế Giới Di Động, doanh thu 4 tháng đầu năm 2023 giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh có doanh thu giảm 30%. Chuỗi cửa hàng thực phẩm Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu tăng 4% so với cùng kỳ năm trước nhưng đơn vị này đã đóng bớt 20 cửa hàng.
Hay một trong những sự kiện đình đám mới nhất là việc NovaGroup quyết định bán toàn bộ chuỗi nhà hàng, cà phê cho một doanh nghiệp của Singapore.
Sau khi đổi chủ, nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp quản và khai thác chuỗi thương hiệu cà phê, nhà hàng, club… do Nova F&B phát triển hoặc được nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam từ các thương hiệu trong khu vực. Đáng chú ý, trong số này có thương hiệu khá nổi tiếng như PhinDeli, cà phê Cô Ba, Saigon Casa… từng xuất hiện ở những mặt bằng đắc địa khu vực trung tâm TP.HCM.
Việc tháo chạy của các doanh nghiệp bán lẻ từ lớn đến nhỏ chính là lời cảnh báo cho thị trường mặt bằng cho thuê khu vực trung tâm. Theo chuyên gia, để tránh "chết chùm", các chủ mặt bằng cần linh hoạt hơn trong những chính sách cho thuê.
Trong giai đoạn hậu giãn cách, làn sóng chia sẻ chi phí mặt bằng lên cao khiến nhiều hàng quán trụ lại được và mở rộng kinh doanh. Đến nay, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên "sức khỏe" nền kinh tế biến động, sức mua của người tiêu dùng giảm sút, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, đang rất cần các chính sách ưu đãi mang tính chia sẻ của bên cho thuê.
Bên cạnh sự chia sẻ của chủ mặt bằng, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng cần "ngấm" vào thực tế nhanh hơn, gồm cả tiền tệ và tài khóa.
Thực tế chỉ ra nhiều chính sách vẫn còn "nghẽn" như: gần 1 triệu tỷ đồng vẫn nằm yên trong kho bạc mà không đi vào được nền kinh tế; chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% vẫn đang chờ... Cần khơi thông sớm để giảm các loại chi phí cho doanh nghiệp. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, giúp doanh nghiệp có lợi nhuận đồng nghĩa với người lao động có thu nhập thì mới có thể kích cầu tiêu dùng trong nước./.