Aa

Gỡ khó cho doanh nghiệp xây dựng: Tận dụng quyền đàm phán lại

Thứ Tư, 11/08/2021 - 06:30

Tận dụng ưu thế của pháp luật, doanh nghiệp xây dựng có thể dùng phương pháp đàm phán lại với đối tác để điều chỉnh giá hợp đồng như một cách giúp giảm thiểu tổn thất, chia sẻ rủi ro.

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có báo cáo và khẩn thiết kiến nghị Chính phủ một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Đối mặt với dịch bệnh Covid-19, bài toán lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại là vấn đề tài chính. Việc Nhà nước cung cấp các gói hỗ trợ sẽ chỉ là giải pháp ngắn hạn, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng cho mình phương án dài hạn để hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn và duy trì cho đến sau dịch bệnh.

Luật sư Hồ Kim Minh Châu – Luật sư điều hành Công ty Luật Châu Hồ và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Luật sư Hồ Kim Minh Châu - Luật sư điều hành Công ty Luật Châu Hồ và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Tận dụng “quyền” đàm phán lại

Theo quy định của pháp luật, trong một số trường hợp, khi phát sinh hoàn cảnh thay đổi cơ bản hoặc sự kiện bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận đàm phán lại hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng. Đây là một trong những điểm mới của pháp luật Việt Nam so với giai đoạn trước đây, cho phép doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để tiếp tục thực hiện hợp đồng, hạn chế thiệt hại khi gặp phải tình cảnh khó khăn không thể lường trước được.

Xét về hình thức, đàm phán lại khác với đàm phán giao kết hợp đồng khi vị thế của hai bên không còn ngang bằng. Một trong số những trường hợp phát sinh đàm phán, thoả thuận lại đó là khi một trong các bên có lợi ích bị ảnh hưởng, cần thoả thuận lại để có thể tiếp tục hợp đồng. Từ đây quá trình đàm phán đòi hỏi các bên phải có sự mềm dẻo và nhượng bộ hơn thay vì cứng nhắc để đạt được kết quả thắng - thua.

Xét về nội dung, các điều khoản trong hợp đồng đa phần đều được xây dựng dựa trên thoả thuận của các bên trên cơ sở đảm bảo khung điều chỉnh chung của pháp luật; vấn đề điều chỉnh giá, chia sẻ kinh phí cũng không ngoại lệ. 

Các doanh nghiệp nhà thầu đang gặp phải khó khăn kép khi bị “chập đòn” vừa chịu tác động của COVID-19 và giá vật liệu xây dựng tăng cao
Các doanh nghiệp nhà thầu đang gặp phải khó khăn kép khi bị “chập đòn” vừa chịu tác động của Covid-19 và giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Trong lĩnh vực xây dựng, điều chỉnh giá hợp đồng được điều chỉnh cụ thể bởi quy định của Luật và các văn bản dưới Luật. Trong hầu hết các hợp đồng xây dựng, điều khoản điều chỉnh giá đều được các bên thoả thuận do đặc thù công việc phát sinh, thay đổi liên tục. Tuỳ theo loại hợp đồng mà các bên sẽ soạn thảo điều kiện điều chỉnh giá đơn giản hay phức tạp, tổng quan hay chi tiết.

Đối với hợp đồng khoán trọn gói hay hợp đồng theo đơn giá cố định, điều khoản về điều chỉnh giá thường không quan trọng lắm; nhưng đối với loại hợp đồng theo giá điều chỉnh hoặc loại hợp đồng kết hợp vừa là đơn giá cố định, vừa là đơn giá điều chỉnh thì điều khoản về điều chỉnh giá cần được cân nhắc soạn thảo chi tiết, tránh các tình huống phát sinh tranh chấp sau này. 

Chia sẻ rủi ro 

Trong trường hợp không thoả thuận điều khoản này ở hợp đồng giao kết ban đầu, các bên vẫn có thể thương lượng bổ sung sau đó. Tuy nhiên, vấn đề này phụ thuộc phần lớn vào thiện chí và sự tử tế của chủ đầu tư bởi họ sẽ là người phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ so với giá trị ban đầu nếu các bên đàm phán thành công. 

Lấy ví dụ hợp đồng xây dựng ghi giá trị hợp đồng là khoán trọn gói nhưng có một thời gian giá thép trên thế giới biến động tăng từ 20 - 30%, nếu chủ đầu tư không đồng ý trợ giá thì chắc chắn nhà thầu sẽ phải chấm dứt hợp đồng và chịu phạt tối đa 8 - 10% còn hơn bị phá sản. Thời điểm này, chủ đầu tư cũng không thể gọi thầu với giá thấp hơn vì vậy cả hai đồng ý ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá như một biện pháp chia sẻ rủi ro do trở ngại khách quan (giá thép tăng) chi phối. 

Mặc dù vậy, vấn đề đàm phán lại không phải bao giờ cũng thành công dựa vào ý chí các bên. Trong nhiều trường hợp, các bên cần có sự can thiệp của bên thứ 3 để việc thoả thuận lại nhanh chóng, tiết kiệm thời gian hơn. Tuỳ vào từng lĩnh vực, các bên cần xem xét lựa chọn phương án giải quyết phù hợp. Chẳng hạn đối với ngành xây dựng hiện nay doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn hoà giải để giải quyết mâu thuẫn.

Trong một số trường hợp, sau khi đàm phán không thành công thay vì yêu cầu toà án hay trọng tài can thiệp sửa đổi các điều khoản, các bên quyết định đưa vấn đề “Chia sẻ rủi ro” trở thành yếu tố phát sinh tranh chấp và yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết theo quy trình tố tụng.

Trong thực tiễn, tranh chấp dạng này không ít đòi hỏi hội đồng xét xử hay hội đồng trọng tài phải có sự cần nhắc phù hợp với quyền và lợi ích các bên./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top