Aa

Cần chuyên môn hóa trong phát triển nhà ở công nhân

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 19/02/2023 - 06:08

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, phát triển nhà ở công nhân dù là vấn đề rất cấp bách, cần sự tham gia của nhiều bên để cùng tìm giải pháp, song việc phát triển nhà ở, suy cho cùng vẫn cần sự chuyên nghiệp, bài bản.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét, lồng ghép phần xây dựng nhà ở tại Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” vào Đề án “Xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp” do Bộ Xây dựng chủ trì. Sự lồng ghép này trước hết là để đồng bộ trách nhiệm của Tổng Liên đoàn, Bộ Xây dựng, các bộ liên quan và các địa phương trong việc triển khai mục tiêu phát triển nhà ở công nhân mà Chính phủ đặt ra, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời chia sẻ và tháo gỡ các vướng mắc, tất cả hướng đến đảm bảo quyền lợi cho công nhân và người lao động thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, trước những ách tắc trong việc triển khai đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn cũng đề xuất bổ sung tổ chức này là đối tượng được giao đất và làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân trong lần sửa đổi Luật Đất đai và Luật Nhà ở tới đây. 

Reatimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài kinh tế Việt Nam về tính khả thi của đề xuất này. 

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài kinh tế Việt Nam. Ảnh: NVCC

PV: Để tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” trong nhiều năm qua khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không thuộc đối tượng được giao đất và làm chủ đầu tư hạng mục nhà ở - dẫn đến không thể thực hiện cho thuê, đơn vị này đã đề xuất bổ sung điều này vào Luật Đất đai và Luật Nhà ở trong lần sửa đổi sắp tới. Ông nghĩ sao về điều này? 

LS. Nguyễn Tiến Lập: Tôi rất hoan nghênh việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm đến vấn đề nhà ở công nhân. Bởi xét về lợi ích của người lao động nói chung và nhóm đối tượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng, việc thiếu thốn nhà ở hay chỗ ở thích hợp, đạt chuẩn đang trở nên rất thời sự và cấp bách. 

Tuy nhiên, tôi cũng ngạc nhiên bởi xét về vị trí và chức năng thì theo quy định của Luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động là tổ chức chính trị - xã hội, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chính là tham gia xây dựng chính sách và đại diện để bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động, các thành viên công đoàn. Trong khi đó, nếu làm chủ đầu tư dự án nhà ở, dù là để phục vụ cho công nhân là đang tham gia vào hoạt động kinh tế. Điều này có nghĩa, Liên đoàn Lao động sẽ đương nhiên hành động như một doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản. Như vậy, dù mục tiêu hành động là tốt, nhân văn nhưng vẫn trái tôn chỉ, mục đích của Tổng Liên đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất bổ sung tổ chức này là đối tượng được giao đất và làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân. (Ảnh minh hoạ. Nguồn Vietnamnet)

PV: Vậy quan điểm của ông là cần giao đúng người đúng việc?

Ls. Nguyễn Tiến Lập: Đúng vậy. Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề rộng hơn, lâu dài và có tính bền vững để giao đúng người, đúng việc.

Đối với người mua, tức là công nhân, tầng lớp lao động, những vấn đề mà họ quan tâm nhất khi lựa chọn một căn nhà là giá cả, chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo, cho dù là mua để ở hay chỉ thuê ở. Như vậy, dù là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội thì mỗi công trình nhà ở cũng phải đồng bộ, được xây dựng trong một tổ hợp dự án bất động sản hay tiểu đô thị phức hợp. 

Và để tạo nên những công trình như vậy, đáp ứng nhu cầu toàn diện, đa dạng của mua nhà, nhà đầu tư cần phải chứng minh được năng lực, bao gồm năng lực về quản trị, công nghệ, quan hệ, kinh nghiệm thị trường. Đặc biệt quan trọng là khả năng huy động các nguồn tài chính độc lập bổ sung, bởi nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ hay ngân hàng chỉ là loại vốn mồi ban đầu. Tuy nhiên, tôi e rằng ngay cả khi không xét đến chức năng và thẩm quyền thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như Liên đoàn Lao động các cấp cũng không đáp ứng được các năng lực nói trên.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, để đưa ra được quyết định chính xác trước đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan Nhà nước cần đặt ra và trả lời câu hỏi: Liên đoàn Lao động có nhất thiết phải tham gia trực tiếp như người làm chủ dự án đầu tư hay không, hay chỉ cần tiến hành các hoạt động vận động chính sách để thúc đẩy và tạo điều kiện, thậm chí là giám sát khâu triển khai, thực hiện, bởi nó sẽ phù hợp với tôn chỉ của tổ chức cũng như quy định của pháp luật?

Đó là chưa tính đến nhiều hậu quả phức tạp khác mà e rằng sẽ phát sinh và không lường trước được khi Liên đoàn Lao động từ Trung ương tới địa phương lại đóng vai trò là chủ đầu tư các dự án kinh tế. 

PV: Ở đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động là đối tượng được giao đất để thực hiện dự án đầu tư, theo ông, điều này có công bằng với các tổ chức, đơn vị ngang hàng khác?

Ls. Nguyễn Tiến Lập: Đất đai luôn luôn là nguồn tài nguyên quý hiếm của quốc gia do Nhà nước sở hữu và quản lý. Vậy, chưa bàn đến câu chuyện công bằng về quyền tiếp cận mà hãy quan tâm tới tính hợp lý của việc sử dụng đất. Đó chính là nguyên tắc: Đất đai phải được giao cho ai có năng lực và cam kết cao về trách nhiệm trong sử dụng, cùng với bảo đảm tính hiệu quả của dự án đầu tư trên đất đó.

"Tôi cho rằng không nên tạo ra các đặc quyền cho bất cứ bên nào mà cần phải thông qua các thủ tục và quy trình pháp lý công khai, minh bạch. Nhà nước phải giao đất cho tổ chức nào có năng lực và điều kiện tốt nhất theo nguyên tắc cạnh tranh để thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân".

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài kinh tế Việt Nam.

 

Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không nên tiếp cận vấn đề theo tư duy bao cấp và kế hoạch hoá trước kia, đó là ưu tiên dành các dự án kinh tế cho các tổ chức, đơn vị Nhà nước hay chỉ nhấn mạnh yếu tố chính trị mà bỏ qua tính hiệu quả về kinh tế và quản trị của các công trình, dự án. Tôi nói vậy, bởi chúng ta đã chứng kiến một ví dụ rất thời sự đang gây bức xúc dư luận. Đó là sự xuống cấp thảm hại của công trình thể thao sân vận động quốc gia Mỹ Đình. 

PV: Ở góc độ pháp lý, nếu các đề xuất trên của Tổng Liên đoàn Lao động được chấp nhận, liệu có ảnh hưởng gì đến hệ thống pháp luật hiện hành?

Ls. Nguyễn Tiến Lập: Trên thực tế, nhiều khi vì các lý do khác nhau mà Chính phủ có thể cho phép các ngoại lệ trong thực thi chính sách. Tuy nhiên, nếu đi quá xa thì hệ luỵ sẽ rất lớn. Đó là sự phá vỡ tính minh bạch, chuyên nghiệp, tính hệ thống của cả hệ thống pháp luật và thị trường./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ với Reatimes, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, mục đích đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động là rất nhân văn khi mong muốn được triển khai các dự án nhà ở công nhân, phục vụ chỗ ở cho tầng lớp lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Tuy nhiên, các dự án nhà ở đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước chỉ có thể cho thuê và sau đó vẫn là tài sản của Nhà nước chứ không thể bán được. Đây chính là điểm khác biệt giữa đầu tư từ ngân sách và đầu tư từ nguồn vốn ngoài xã hội - đầu tư tư nhân. Vì vậy, nếu giao đất cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì các dự án xây trên đất đó chỉ được phép cho thuê, không được phép bán cho người dân. Trong khi, nhu cầu của công nhân là cả mua ở chứ không phải chỉ mỗi thuê ở. 

Với đề xuất làm chủ đầu tư các dự án, không xét về trình độ, chuyên môn của Tổng Liên đoàn Lao động trong việc làm chủ đầu tư bởi họ có thể mời các chuyên gia, học thêm các khoá nghiệp vụ nhưng rõ ràng, đề xuất này đang không đúng với quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu thông qua sẽ làm thay đổi cả hệ thống pháp luật. 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top