Hơn 50% doanh nghiệp gặp khó vì "không có hợp đồng xây dựng mới"
Báo cáo kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, ngành xây dựng có 18,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2024; 39,4% nhận định giữ ổn định. Trong khi đó, 41,8% doanh nghiệp còn lại đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý I/2025 khó khăn hơn.
Việc đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành xây dựng nói riêng dựa trên các chỉ số cân bằng. Trong đó, chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các chỉ số cân bằng thành phần đánh giá theo các yếu tố quan trọng phản ánh tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, báo cáo cho thấy, chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý I/2025 so với quý IV/2024 là -23,0% (18,8% doanh nghiệp nhận định hoạt động thuận lợi hơn và 41,8% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn). Dự báo, quý II/2025 sẽ khả quan hơn với chỉ số cân bằng là 2,3% (30,8% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn và 28,5% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn).

Chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất kinh doanh quý I/2025 so với quý IV/2024. (Ảnh chụp màn hình)
Ngoài ra, chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới trong quý I/2025 so với quý IV/2024 là -21,2% (17,8% doanh nghiệp nhận định tăng; 39,0% nhận định giảm). Quý II/2025, các doanh nghiệp dự báo hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý I/2025 với 78,0% doanh nghiệp nhận định tăng và không đổi (32,0% doanh nghiệp nhận định tăng; 46,0% doanh nghiệp nhận định không thay đổi); 22,0% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Chỉ số cân bằng tổng chi phí cho hoạt động xây dựng quý I/2025 so với quý IV/2024 là 2,4% (33,7% doanh nghiệp nhận định tăng và 31,3% nhận định giảm); chỉ số cân bằng chi phí nguyên vật liệu trực tiếp quý I/2025 so với quý IV/2024 là 10,8% (38,3% doanh nghiệp nhận định tăng và 27,5% doanh nghiệp nhận định giảm). Đáng chú ý, chỉ số cân bằng sử dụng lao động của ngành xây dựng trong quý I/2025 so với quý IV/2024 là -14,5% (14,7% doanh nghiệp nhận định tăng và 29,2% nhận định giảm).

Các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nagfnh xây dựng quý I/2025. (Ảnh chụp màn hình)
Cũng theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), kết quả khảo sát đánh giá của các doanh nghiệp đối với các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra. Đặc biệt, 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng là "không có hợp đồng xây dựng mới" với 50,7% số doanh nghiệp lựa chọn và "giá nguyên vật liệu tăng cao" với 47,1% doanh nghiệp lựa chọn.
Đồng thời, có 26,1% doanh nghiệp nhận định do năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế; 25,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn; 21,4% doanh nghiệp thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; 18,8% gặp khó khăn do thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; 18,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chậm.
Cùng với đó, có 15,1% doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng; 14,7% doanh nghiệp ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi; 14,5% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp và 11,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do không biết đến các thông tin đấu thầu.
Đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng
Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đã kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần có hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), có 48,2% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng; 43,5% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 43,0% doanh nghiệp đề nghị thông tin đấu thầu công khai, minh bạch; 35,7% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; 27,6% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; 27,2% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết.

Kiến nghị của doanh nghiệp ngành xây dựng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. (Ảnh chụp màn hình)
Bên cạnh các nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương một số vấn đề.
Thứ nhất, giá nguyên vật liệu xây dựng trong quý I/2025 được ghi nhận có diễn biến phức tạp, tăng so với thời điểm cuối năm 2024 và tiếp tục được dự đoán sẽ tăng trong quý II/2025. Vì vậy, doanh nghiệp xây dựng mong muốn Chính phủ, bộ, ngành và các cấp có thẩm quyền có những biện pháp để bình ổn giá nguyên vật liệu.
Thứ hai, tình trạng thiếu hợp đồng xây dựng mới khiến nhiều nhà thầu xây dựng sẵn sàng giảm giá gói thầu để trúng thầu, mặc dù dự toán gói thầu được các chủ đầu tư căn cứ trên đơn giá, định mức bám sát thị trường. Với việc giảm giá gói thầu như vậy dẫn tới chất lượng công trình bị giảm, nhà thầu bỏ dở công trình, … ảnh hưởng tới tiến độ công trình. Do đó, cần có giải pháp để hạn chế hiện tượng phá giá để trúng thầu, tạo môi trường đấu thầu lành mạnh, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng.
Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã được cải thiện rất đáng kể. Song, doanh nghiệp xây dựng vẫn mong muốn việc cải cách phải thực hiện đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương nhất là trong bối cảnh đất nước đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế./.