Hôm 21/5, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 75/NQ - CP về việc xử lý vướng mắc liên quan đến việc triển khai một số dự án hạ tầng đầu tư quy mô lớn của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) làm đại diện phần vốn Nhà nước.
Theo đó, đối với việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng các dự án nhóm A, Chính phủ cho phép trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.
Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 Luật Đầu tư và nguyên tắc giải quyết những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận Hồ sơ dự án và tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nói trên.
Liên quan đến việc phê duyệt dự án và quyết định đầu tư, đối với dự án có giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu và không quá mức vốn của dự án nhóm B quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị quyết 75 cho phép Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án theo điều kiện và thủ tục quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp
Đối với dự án có giá trị lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc vượt mức vốn dự án nhóm B theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, phê duyệt với chức năng là Cơ quan đại diện chủ sở hữu, làm cơ sở để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án theo điều kiện và thủ tục quy định tại Luật này và điểm g khoản 3 Điều 5 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Liên quan đến việc xác định cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định đầu tư và phân định trách nhiệm giữa CMSC và các bộ đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, Nghị quyết số 75 xác định các bộ là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương để hình thành tài sản công và giao cho doanh nghiệp quản lý, nhưng chưa tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 và khoản 10 Điều 4, khoản 2 Điều 35, khoản 3 Điều 60, khoản 4 Điều 61 Luật Đầu tư công và Điều 97 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp, CMSC sẽ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các bộ, tập đoàn, tổng công ty thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các nguyên tắc xác định cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) để xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư của các doanh nghiệp do CMSC làm đại diện chủ sở hữu và chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn, phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Đầu tư công.
Hiện nay, một lượng lớn các dự án đang được Bộ, ngành quản lý và chuyển giao về SMCS, nhất là các dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam bị vướng mắc liên quan đến việc đơn vị nào sẽ đóng vai trò cơ quan chủ quản khi tiến hành phê duyệt điều chỉnh dự án, gia hạn hiệp định vay vốn. Thậm chí, đối với Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư do không thể xác định cơ quan chủ quản giữa Bộ GTVT và CMSC đã khiến công trình trọng điểm này không kịp gia hạn các hiệp định vay vốn, gây thiếu vốn trên diện rộng.