Aa

Gốc đa, Gồ Voi và cầu Việt Trì

Thứ Tư, 23/06/2021 - 07:00

Bất ngờ chúng thấy giữa rừng hoang có một ngôi mộ hoang giữa một khoảng đất trống. Ngôi mộ cổ xây bằng gạch đã mòn mục nhưng vẫn oai vệ uy nghi.

Gốc đa

Buổi tối mùa hè nóng bức, bọn trẻ kéo nhau ra gốc đa làng trên con đê biển. Cả lũ lớn bé cùng ngả ngớn trên thảm cỏ miên hương xanh mướt. Mùi hoa cỏ nồng nàn ngào ngạt.

Trong những đêm như thế, các anh lớn thường kể chuyện. Biết bao là chuyện. Thời chiến toàn chuyện chém giết, bắt gián điệp. Chuyện nào cũng hồi hộp hấp dẫn.

Nhiều chuyện được kể đi kể lại đến nỗi ai cũng thuộc lòng. Rồi cứ thế người nghe thêu dệt thêm lại kể cho người khác nghe.

Bao nhiêu năm đã qua bao, nhiều chuyện hồi hộp hấp dẫn ngày nhỏ, không hiểu sao Cò Bé đều quên cả. Duy có một chuyện chỉ nghe thoáng qua một lần rồi cứ vu vơ nhớ mãi.

Chuyện là: Mồng ba tháng bảy vừa qua có một đôi đâm vào gốc đa chết. Có người cho rằng đôi ấy chết vì tình. Cũng có người cho rằng đôi ấy chết vì tiền.

 Gồ Voi

Gồ Voi là một núi cát sừng sững kéo dài phía sau làng. Nhìn xa nó giống hệt một con cá ông voi khổng lồ nằm sấp, xanh thẫm. Gồ Voi toàn cát trắng nhưng là một rừng hoang rậm rạp, âm u, toàn cây lạ. Truyền lại là đều do ma trồng.

Người ta cho máy ủi về san phẳng Gồ Voi để lấy đất trồng trọt. Khi máy ủi xúc cát, đầu lâu xương người, xương cá, xương động vật, tầng tầng lớp lớp chồng chất, trắng ởn. Rợn người. Thợ lái máy ủi hồn vía lên mây. Phải thay mấy kíp thợ mới san được một góc nhỏ. Kế hoạch san phẳng Gồ Voi bỏ dở.

Góc san ủi ấy trồng dâu nuôi tằm. Chỉ vài năm, dâu bén đất mới xanh ngắt. Thấy lũ chim tụ tập ồn ào ở nương dâu, lũ trẻ rình mò và phát hiện ra trái dâu chín có vị ngọt. Những trái dâu căng mọng, đỏ sẫm, có vị chua chua dôn dốt rất ưa miệng. Lũ trẻ thèm ngọt, gặp trái dâu còn gì bằng.

Vào mùa dâu chín, lũ trẻ kéo nhau đến Gồ Voi hái quả. Một lần sau khi ăn dâu chín đã căng bụng, chúng tò mò rủ nhau chui vào rừng hoang. Cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt, cành lá đung đưa, chim chuột rúc rích, rắn rết sột soạt. Bọn trẻ dúm vào nhau sợ hãi nhưng vẫn liều lĩnh bò thật sâu vào rừng.

Bất ngờ chúng thấy giữa rừng hoang có một ngôi mộ hoang giữa một khoảng đất trống. Ngôi mộ cổ xây bằng gạch đã mòn mục nhưng vẫn oai vệ uy nghi. Ngôi mộ nằm chính giữa khoảng trống rộng tròn như một cái sân lớn, tịnh không một cây cỏ nào mọc.

Xung quanh mộ, cát trắng long lanh trũng xuống, được nện chặt như thể ngày đêm vẫn có hàng ngàn bước chân người nhảy múa lượn vòng quanh ngôi mộ cổ. Chúng ngước lên một vòm xanh tua tủa lá cành vươn ra, chờn vờn uốn lượn như thể ngàn vạn cánh tay ma múa may che chở ngôi mộ. Đâu đó rền rĩ tiếng chuột rúc, cú kêu, mèo gào, vượn hú.

Bỗng từ đỉnh mộ chui ra một con cáo đen quái đản. Nó nanh nọc dướn cổ ngó nghiêng bốn phía rồi nhìn chằm chằm lũ trẻ, nhe hàm răng nhọn hoắt, trắng ởn, khừ khừ rợn óc. Bọn trẻ dựng tóc gáy, rụng rời chân tay, hồn xiêu phách lạc. Chúng chết lặng. Có đứa vãi đái ra quần.

Đúng lúc ấy không hiểu sao Cò Bé bất giác buột miệng: Về thôi chúng mày ơi. Tiếng nó lạc giọng nhưng lại phá tan không gian rợn ngợp u uất ngột ngạt ma mị...

Cả lũ bừng tỉnh, hoảng hốt nối đuôi nhau bò ngược trở lại, cuống cuồng chạy thục mạng để thoát thân.

Việt Trì

Bố Cò Mắm làm thợ khuân vác ở cảng Hải Phòng. Trước khi vào năm học mới, cậu được bố đưa ra cảng chơi mấy ngày. Khi về, vừa có quần áo mới chưng diện, cậu lại có biết bao chuyện lạ để khoe với chúng bạn. Đứa nào nghe cũng há hốc mồm.

Chiều nay cả lũ tụ bạ ở gốc cây thị già. Đúng lúc Cò Mắm đang huyên thuyên chuyện những con tàu to ơi là to, che khuất cả làng, thì Cò Bạch xuất hiện. Bỗng nhiên Cò Mắm đứng phắt dậy hướng về phía Cò Bạch gào lên:

Bố mày chết trên cầu Việt Trì

Ba mươi tết đánh điện về nhà

Toàn công trường đi đưa đám ma

Tò tí te con bò kéo xe.

Cả lũ đứng bật dậy, kinh hoàng ngất ngây con gà tây. Ai chả biết bố Cò Bạch là thợ cầu đường.

Ối giời. Sau một giây choáng váng, Cò Bạch định thần, điên tiết đuổi đánh Cò Mắm. Lũ trẻ hò hét chạy theo. Vừa chạy chúng vừa khoái chí gào toáng lên: Bố mày chết trên cầu Việt Tri.

Chỉ sau một đêm, cả làng ai cũng ngân nga: Bố mày chết trên cầu Việt Trì.

Cứ thế bài ca lan truyền khắp nơi khắp chốn, từ làng này sang làng khác, ròng rã bất tận.

Ở đâu cũng rền rĩ: Bố mày chết trên cầu Việt Trì./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top