Aa

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Thương hiệu của Việt Nam vẫn là câu chuyện đi tìm, nhưng tìm chưa thấy

Hồng Vũ (thực hiện)
Hồng Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 16/10/2018 - 06:01

Theo GS. TSKH. Nguyễn Mại, đối với những doanh nghiệp lớn như Vingroup thì họ rất cần xây dựng các thương hiệu cho sản phẩm. Nhưng rõ ràng hiện nay, thương hiệu của Việt Nam vẫn là câu chuyện đi tìm, nhưng tìm chưa thấy, chưa ai biết thương hiệu Việt Nam có thứ gì? Phải làm sao để các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có thương hiệu đẳng cấp, xuất hiện các ý tưởng lớn.

Để hiểu rõ hơn về câu chuyện này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

PV: Thưa GS. Nguyễn Mại, ông nhìn nhận thế nào về câu doanh nghiệp khởi nghiệp tai Việt Nam phải kêu gọi vốn nước ngoài mà không phải trong nước? Và liệu rằng câu chuyện này có dẫn đến tình trạng là doanh nghiệp Việt của chúng ta sẽ không đủ năng lực để phát triển mà phải phụ thuộc nhà đầu tư nước ngoài, làm mất bản sắc Việt, thậm chí phụ thuộc vốn dẫn đến phá sản nhiều hơn?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Khởi nghiệp bắt đầu từ Israel, nước họ rất nhỏ, mức thiệt hại trong khởi nghiệp cũng cao hơn rất nhiều nhưng sau khi lên sàn chứng khoán Mỹ, giá trị của doanh nghiệp tăng lên hàng trăm lần từ vài triệu lên đến hàng trăm triệu đô la. Theo đó, tôi cho rằng, thời đại ngày nay không nên quan niệm doanh nghiệp đó làm ở đâu, hút vốn từ chỗ nào, vấn đề cuối cùng phải là đem lại lợi ích cho ai.

Do đó, chúng ta phải vui mừng vì doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã phát triển. Nhiều người lên tiếng rằng, doanh nghiệp trẻ của Việt Nam có hoài bão, có ước mơ lớn nhưng không có nền tảng kiến thức nên "chết" nhiều. Nhưng thực tế ở trên thế giới, nhiều nước có tỷ lệ thất bại về khởi nghiệp lên tới 80%, điều đó rất bình thường. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, những doanh nghiệp mà "chết đi rồi sống lại” thì sẽ sống rất lâu. Doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại lần đầu tiên, lần thứ hai thì tới lần thứ ba họ sẽ thành công, cho nên tỷ lệ thành công của những doanh nghiệp về sau càng nhiều hơn.

PV: Theo ông, trong thời kỳ hội nhập cách mạng 4.0, Việt Nam cần có những nhìn nhận thế nào để người lập nghiệp trẻ có cơ hội thành công?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Trong khởi nghiệp luôn có một nguyên tắc là phá sản. Ở Việt Nam hiện nay tồn tại một vấn đề là phá sản quá chậm cho nên "chết" không "chôn" được. Theo đó, chủ doanh nghiệp cũng không thể thành lập được doanh nghiệp mới. Nếu Nhà nước cho doanh nghiệp đó “chết” đi thì họ sẽ có cơ hội thành lập doanh nghiệp mới căn cứ trên những bài học, những kinh nghiệm trước đó.

Mới đây, có doanh nhân rất trẻ những đã là lãnh đạo của doanh nghiệp lớn, số tiền nộp thuế tới 40 -50 tỷ đồng, nghĩa là doanh nghiệp họ đã thu được 400 - 500 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiềm năng doanh nghiệp trẻ của Việt Nam còn rất lớn, như sức trẻ, phù hợp với công nghệ cao. Do đó, cần một hành lang pháp lý cho giới lập nghiệp trẻ.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào khởi nghiệp, tôi cho rằng đây là một trong những hướng đi phát triển tốt trong tương lai của doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam. Trước đây làm gì có ai biết Vingroup, Sun Group, Tân Hiệp Phát, những công nghệ thông minh hướng đến xây dựng một thung lũng Silicon… Do đó, trong thời gian tới, vẫn cần một môi trường sinh thái cho các loại doanh nghiệp khác nhau.

Chúng ta cứ tưởng tượng rằng, không thể nào để người lớn, trẻ em, đàn ông, phụ nữ đều mặc chung một chiếc áo. Điều đó có nghĩa là cần một có bộ luật chung áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp nhưng vẫn cần những bộ luật riêng, chính sách riêng cho các loại doanh nghiệp khách nhau. Ví dụ, như doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ có 200 – 300 nhân công, mỗi năm giá trị nộp thuế khoảng 5 – 10 tỷ đồng. Rõ ràng, họ thực sự cần những chính sách ưu đãi để có thể huy động được vốn cũng như các chính sách phát triển khác.

GS. Nguyễn Mại

GS. Nguyễn Mại.

Tôi rất phản đối câu chuyện “tận thu” từ các doanh nghiệp siêu nhỏ, điều này đang cản trở bước phát triển của họ. Doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay chiếm phần lớn nếu họ không có cơ hội vươn mình thì rõ ràng Nhà nước khó có thể phát triển kinh tế. Tại sao Nhà nước không chịu chấp nhận thiệt thòi vài năm để doanh nghiệp lớn, và khi lớn rồi thì chắc chắn nguồn thu sẽ tăng lên. Nếu 400 nghìn doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ cần tăng 10%/năm thì chắc chắn sẽ thay đổi mạnh mẽ cục diện của dân tộc.

PV: Theo lộ trình phát triển, đến một mức độ nào đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn cổ phần hóa để hút thêm vốn, mở rộng lĩnh vực sản xuất. Theo ông, một khi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa thì giá trị thương hiệu Việt sẽ thay đổi như thế nào?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Trong tất cả các ngành kinh tế, không nói riêng về một ngành nào thì thương hiệu doanh nghiệp luôn rất quan trọng và càng nổi tiếng thì giá trị thương hiệu càng lớn. Câu chuyện cổ phần hóa mà chúng ta nhìn thấy rõ nhất trong thời gian vừa qua là Sabeco. Một doanh nghiệp đã có thương hiệu lớn như vậy lựa chọn cổ phần hóa đều có rất nhiều lý do nhưng có chung một mục tiêu để phát triển. Măt khác, cũng có doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hiệu quả sản xuất, kinh doanh vẫn thấp, thậm chí bị thâu tóm thì giá trị thương hiệu sẽ mất dần. Do đó, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Đối với những doanh nghiệp lớn như Vingroup thì họ rất cần xây dựng các thương hiệu cho sản phẩm. Nhưng rõ ràng hiện nay, thương hiệu của Việt Nam vẫn là câu chuyện đi tìm, nhưng tìm chưa thấy, chưa ai biết thương hiệu Việt Nam có thứ gì? Theo đó, các doanh nghiệp lớn lại cần hỗ trợ về định hình doanh nghiệp, hỗ trợ công nghệ để tạo ra các sản phẩm thương hiệu. Phải làm sao để các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có thương hiệu đẳng cấp, xuất hiện các ý tưởng lớn.

Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, kinh nghiệm của Viettel, FPT, TH True Milk trong đầu tư nước ngoài là bài học để các tập đoàn kinh tế khác nghiên cứu để vươn ra thị trường thế giới. Thành công của Vingroup, Sungroup trong đầu tư vào nhiều ngành, lĩnh vực đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường nội địa đã khẳng định năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, sự chuyển đối của Vingroup sang công nghiệp công nghệ cao rất cần được Chính phủ hổ trợ để nhanh chóng gặt hái được những thành quả lớn.

PV: Thưa ông, đó là câu chuyện chung của doanh nghiệp, còn riêng về doanh nhân Việt hiện vẫn có quan điểm cho rằng đa số tỷ phú Việt Nam giàu lên là nhờ đất đai sau đó mới đầu tư sang lĩnh vực khác? Ông có cho rằng đây là nhận định khá khắt khe về giới doanh nhân Việt Nam?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Tôi cho rằng, không nên coi bất động sản là một ngành nghề gì đó kém hơn nông nghiệp, công nghiệp hay chế biến sản xuất. Những người biết tận dụng thời cơ để làm giàu thực sự là những người rất đáng ngưỡng mộ. Bất động sản trước đây, hiện nay và sau này vẫn là một ngành có đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế. Bất động sản cũng đóng góp GDP, cũng tạo việc làm, tạo cơ sở hạ tầng cho đô thị không chỉ về giao thông, trường học mà còn là khách sạn, văn phòng, nhà ở…

Mọi người không nên coi bất động sản là một “cái gì vớ vẩn”. Ai cũng vậy, khi làm kinh doanh ngành hàng nào cũng đều có quá trình tích lũy rồi mới mở rộng. Trước năm 2011, nào có ai biết Phạm Nhật Vượng là ai? Đến năm 2014 – 2015 thấy ông ấy đã trở thành tỷ phú, đến nay giá trị của cải trong tay ông Vượng còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, ông Vượng và nhiều doanh nhân khác đã nhận thức ra là cần phải chuyển hướng sang nhiều lĩnh vực khác. Nếu không có tích lũy như vậy thì liệu doanh nghiệp có được sự thành công như hiện nay?

Do đó, không nên định kiến về bất động sản bởi hiện nay, bất động sản cũng hướng đến sản phẩm xanh, thông minh… Cả nước hiện có trên 600.000 doanh nghiệp tư nhân, trong đó có vài chục nghìn doanh nghiệp lớn, bao nhiêu phần trăm trong số đó làm giàu từ đất đai(?), Ai đã chứng minh được con số đó mà lại nhận định phiến diện như vậy?

PV: Vậy theo ông, nên đánh giá công bằng thế nào cho ngành bất động sản, doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Hơn 20 năm trước, khi Việt Nam chưa có doanh nghiệp tư nhân lớn kinh doanh địa ốc, Chính phủ đã phải dựa vào ý tưởng của người Đài Loan và người Indonesia để xây dựng hai khu đô thị Ciputra và Phú Mỹ Hưng ở hai thành phố lớn với nhiều ưu đãi về thuế và giá tiền thuê đất. Nhà đầu tư chỉ đưa vào mỗi khu đô thị khoảng vài trăm triệu USD, nhưng thu được lợi nhuận gấp nhiều lần. Vào thời gian đó không thể làm khác được vì tiềm lực trong nước còn chưa đủ sức kiến trúc và xây dựng khu đô thị lớn. Do đó, để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện là tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, thông qua đó doanh nghiệp Việt Nam học hỏi được nhiều điều mới mẻ.

Hiện nay, khi nước ta đã có hàng vạn công ty kinh doanh địa ốc, trong đó có những tập đoàn mạnh như Vingroup, Sun Group, Đại Quang Minh, Novaland... đã xây dựng những khu đô thị hiện đại, đồng bộ, tiện ích thì thị trường địa ốc chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện; chỉ trong trường hợp cần thiết có thể giao cho một vài nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại, trình độ chuyên môn cao, hoặc bằng cách hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với nước ngoài để nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

Trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã đầu tư hàng chục dự án xây dựng đường cao tốc, khu dân cư, siêu thị, khu nghĩ dưỡng, du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp... đã góp phần quan trọng thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển với các địa phương khác. Đó cũng là một mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển các vùng kinh tế và các địa phương mà những chủ tập đoàn kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top