Aa

GS.TSKH Nguyễn Mại: “Chúng ta đang tiếp cận rất cô lập vấn đề bán nhà cho người nước ngoài”

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 20/07/2023 - 06:12

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu quan điểm tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản Việt Nam” diễn ra giữa tháng 7 vừa qua.

Nhiều bất cập trong chính sách bán nhà cho người nước ngoài

Chia sẻ tại hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 500 triệu USD xây khách sạn, Việt Nam có thể cấp quyền sử dụng đất tới 50 năm kèm cả quyền chuyển nhượng. Trong khi, họ mua căn nhà chỉ mấy trăm nghìn USD thì lại bàn lên bàn xuống về việc có cho quyền sử dụng đất hay không?

Theo ông Nguyễn Mại, đây là cách tiếp cận rất cô lập vấn đề bán nhà cho người nước ngoài tại Việt Nam.

“Môi trường đầu tư thuận lợi không phải là môi trường chỉ có các chính sách ưu đãi. Theo đó, phải là môi trường tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, chuyên gia có thể sinh sống và làm việc”, GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhìn nhận, chính sách về nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Việc sở hữu nhà ở trên đất ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã được quy định tại Luật Nhà ở 2014, nhưng do Luật Đất đai 2013 không được sửa đổi nên tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ mua được căn hộ chung cư là chính, chưa mua được nhà ở riêng lẻ (cao cấp).

Đến bây giờ, dự thảo Luật Đất đai mới nhất cũng chỉ cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tiếp cận nhà ở tại Việt Nam, còn người nước ngoài tại Việt Nam thì vẫn không được sở hữu quyền sử dụng đất, mặc dù dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép họ được sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư với một số điều kiện về tổng số lượng và tại các khu vực không có liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Như vậy, đối chiếu theo quy định tại hai dự thảo luật thì tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo Luật Nhà ở nhưng không có quyền sử dụng đất ở theo Luật Đất đai.

“Bất động sản nhà ở là một khối thống nhất, không thể tách rời giữa quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở. Nếu Nhà nước muốn tách rời đất ở và nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thì khi họ mua nhà ở mà không phải trả tiền sử dụng đất sẽ lợi cho họ và thiệt thòi cho Nhà nước ta. Điều này cũng sẽ làm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có tâm lý không tin cậy vào pháp luật của Việt Nam”, GS Võ cho biết.

bđs
Theo các chuyên gia, chính sách bán nhà cho người nước ngoài đang còn nhiều bất cập. (Ảnh: Tùng Dương)

Cũng theo vị chuyên gia, việc quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam không chỉ giúp thị trường bất động sản Việt Nam sôi động, phát triển mà còn có vai trò thu hút lao động trình độ cao từ các nước tới làm việc. Điều này sẽ giúp bổ sung một lượng lớn các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn, trình độ tại nước ta.

Bộ Xây dựng nói gì?

Trước quan điểm của các chuyên gia về vấn đề bán nhà cho người nước ngoài, đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), TS. Hoàng Hải, Cục trưởng Cục nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Luật Nhà ở và Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh khác nhau. 

Biết rằng, người mua nhà luôn mong muốn sở hữu nhà đi kèm với sở hữu đất nhưng phạm vi sở hữu, sử dụng nhà lại được quy định trong Luật Đất đai, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở. Do đó, Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài được quyền mua nhà nhưng Luật Đất đai quy định người nước ngoài chỉ có quyền sử dụng đất, không có quyền sở hữu nên vấn đề này đang tiếp tục được bàn thảo.

BĐS
TS. Hoàng Hải, Cục trưởng Cục nhà ở và Thị trường bất động sản. (Ảnh: Tùng Dương)

“Tuy nhiên, tinh thần xây dựng luật là cũng mong muốn để người nước ngoài thuận lợi hơn trong mua nhà ở tại Việt Nam”, đại diện Bộ Xây dựng nêu quan điểm.

Theo ông Hải, hiện nay đã có hơn 3.000 người nước ngoài có nhà ở tại Việt Nam và tiềm năng có khoảng 4 triệu người nước ngoài có nhu cầu mua, sở hữu nhà tại Việt Nam, gồm người nước ngoài, người Việt ở nước ngoài muốn về ở Việt Nam. Vì vậy, rất mong muốn giai đoạn tới có thể tháo gỡ vấn đề này.

“Bản thân các cơ quan quản lý cũng mong muốn những đối tượng có trình độ cao, các chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài gốc Việt về Việt Nam sinh sống, làm việc, giống như muốn đón đại bàng về làm tổ nhưng hiện chưa thiết kế được tổ”, đại diện Bộ Xây dựng nói.

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 19/6/2023 tại Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam cần đồng bộ với các luật khác, đồng thời đặt ra vấn đề sở hữu nhà có gắn liền với quyền sử dụng đất hay không?

Theo Điều 21 dự thảo, cá nhân, người nước ngoài được mua, thuê, nhận, tặng, thừa kế và sở hữu 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, do đó có đại biểu băn khoăn số lượng như vậy quá lớn, có thể dẫn đến việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có điều kiện kinh tế đầu cơ, tích tụ nhà ở tại Việt Nam, lũng đoạn thị trường về giá trong khi người Việt Nam thực sự có nhu cầu, khó tiếp cận nhà ở.

Làm rõ những băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở là được thực hiện theo Nghị quyết 19 của Quốc hội và luật hóa từ Luật Nhà ở 2014. Chính sách này đảm bảo tổ chức, cá nhân nước ngoài được yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Thống kê từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không lớn. Dự Luật sửa đổi lần này đã quy định chặt chẽ loại nhà, khu vực được mua, số lượng được sở hữu.

Quy định này không làm ảnh hưởng đến chính sách nhà ở khác của Nhà nước, như nhà ở xã hội, tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp tại đô thị.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng không cần thiết quy định người nước ngoài phải có quốc tịch Việt Nam mới được mua, sở hữu nhà ở. Từ 2014 đến nay, khoảng hơn 3.500 tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam, phần lớn ở Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Người nước ngoài mua nhà chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia.

Căn hộ người nước ngoài mua sở hữu thời gian qua chủ yếu là chung cư tại các dự án nhà ở thương mại, theo Bộ Xây dựng, không ảnh hưởng tới nhu cầu mua nhà của người dân trong nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top