Xác định giải ngân vốn ĐTC góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên công tác phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 và quản lý, sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước phân cấp cho các chủ đầu tư đã có sự đổi mới, vốn giao tập trung ngay từ đầu năm, hạn chế được tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan gắn với thẩm quyền cụ thể trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư dự án theo các quy định của pháp luật về ĐTC.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang Lương Văn Đoàn cho biết: Năm 2023 và đầu năm 2024, các chủ đầu tư đã tập trung thanh toán các công trình quyết toán và công trình có khối lượng thực hiện; chủ động triển khai, hoàn tất các thủ tục liên quan đến dự án khởi công mới; đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; khẩn trương quyết toán đối với các dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
Để bảo đảm nguồn vốn ĐTC giải ngân theo kế hoạch, công tác chỉ đạo của tỉnh được thực hiện ngay từ đầu năm bằng việc ban hành các chỉ thị, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động, các văn bản chỉ đạo cụ thể. Với nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, ước lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm 2023 đến hết 31.1.2024 so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đạt 5.757 tỷ đồng/6.266 tỷ đồng, đạt 91,9%; ước lũy kế thanh toán vốn so với kế hoạch địa phương triển khai đầu năm đạt 5.757 tỷ đồng/6.405 tỷ đồng, đạt 89,8%. Tính đến 10.1.2024, tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn giao đạt 77,7%.
Vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC được xác định, một số dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài do các hoạt động gắn với chuyên gia nước ngoài phải triển khai thực hiện nhiều thủ tục đầu tư, một số hiệp định phải xin gia hạn; cơ chế, chính sách về giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư còn vướng mắc, chưa có sự đồng thuận của người dân nên ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án, nhất là các dự án lớn. Công tác xác định phân loại đất kéo dài, khó khăn trong thu hồi và sử dụng đất của dự án; việc xác định giá đất bảo đảm phù hợp với giá thị trường còn khó khăn, chưa có quy định cụ thể, dẫn tới khó khăn trong việc huy động nguồn thu từ tiền sử dụng đất cho ĐTC và trong xác định giá để đền bù.
Quyết tâm giải ngân vốn ĐTC ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến công tác quản lý vốn ĐTC, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, rút ngắn thời gian, yêu cầu về tiến độ để công tác quản lý kế hoạch ĐTC kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan về kết quả giải ngân; xác định nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng gắn với phân công cho tổ chức, cá nhân ngay từ đầu năm.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư các công trình/dự án, nhất là các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Thường xuyên nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư, nhất là công tác đền bù, GPMB, đấu thầu.
Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn ĐTC, tỉnh chủ động rà soát và lập kế hoạch tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư. Đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vốn vào cuối năm. Xây dựng kế hoạch thực hiện và giải ngân chi tiết theo các mốc thời gian hàng tháng cho từng nhóm dự án.
Tổ chức đấu thầu, lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án ĐTC. Chủ động rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác đền bù, GPMB. Rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công... để đẩy nhanh tiến độ dự án. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; có giải pháp xử lý, thay thế nhà thầu yếu về năng lực.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ĐTC cũng như triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án do đơn vị, địa phương mình quản lý; thường xuyên kiểm tra tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu; kiên quyết chống các biểu hiện trì trệ, tiêu cực trong ĐTC; coi công tác quản lý ĐTC là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại hàng năm của người đứng đầu, cá nhân liên quan.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ dự án và giải ngân vốn ĐTC. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, gây nhũng nhiễu; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý ĐTC.
Ngay từ đầu năm 2024 với những giải pháp đồng bộ từ việc ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, GPMB đối với phần diện tích có đủ điều kiện đến việc tăng cường kiểm tra kế hoạch ĐTC bảo đảm đúng mục đích, chất lượng và hiệu quả, nhất là việc chấp hành các quy định trong việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, đấu thầu, bồi thường GPMB, tái định cư các dự án... tin rằng trong năm 2024 kế hoạch giải ngân vốn ĐTC sẽ hoàn thành mục tiêu, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân.