
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi - một đơn vị trực thuộc Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Tổng công ty Licogi) - làm chủ đầu tư. Năm 2004, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi khoảng 35ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Licogi tổ chức khảo sát, lập kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai công trình.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt dự kiến có đủ các sản phẩm như biệt thự, nhà vườn, nhà ở cao tầng..., sở hữu vị trí chiến lược hàng đầu tại quận Hoàng Mai (cũ), giáp ranh với nhiều khu đô thị đã được quy hoạch bài bản, hiện đại. Dự án này cũng nằm gần các công viên và khu dân cư hiện hữu sầm uất.

Tuy nhiên, trải qua hơn 20 năm, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống hoang tàn, nhếch nhác. Nhiều vị trí trong dự án chưa được giải phóng mặt bằng, hàng chục hộ dân thuộc khu vực quy hoạch dự án chưa đồng thuận về việc thu hồi đất.

Trạm trộn bê tông tồn tại nhiều năm trong khu đất dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Trong khi đó, theo kế hoạch ban đầu, dự án lẽ ra phải hoàn thành vào năm 2011 và được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008, bao gồm các hạng mục như: bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, thi công phần thô nhà vườn và cụm chung cư phục vụ tái định cư. Giai đoạn 2 là tiến hành xây dựng các tòa nhà cao tầng và cụm biệt thự.

Hiện tại toàn bộ diện tích đã giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án này vẫn đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Do bị bỏ hoang lâu năm, thiếu sự quản lý, một số vị trí bên trong dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt thành điểm tập kết rác, nhếch nhác, mất mỹ quan.

Dòng nước chảy qua khu vực dự án cũng ô nhiễm, đầy rác thải.

Việc giải phóng mặt bằng đối với khu vực nghĩa trang nằm trong tổng thể quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt gặp nhiều khó khăn.

Nhiều hộ dân thuộc diện thu hồi chưa đồng thuận với phương án giải phóng mặt bằng, vẫn sống trong những ngôi nhà xây dựng tạm bợ tại dự án.

Không ít ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, dột nát, nhưng không có điều kiện để cải tạo do vướng quy hoạch và không được phép xây dựng.

Đối lập với cuộc sống tạm bợ của các hộ dân trong diện bị thu hồi đất nêu trên, một dự án bất động sản giáp ranh với dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt đang có giá bán dao động 220 - 400 triệu đồng/m2.

Trước đó, tại cuộc họp về điều chỉnh dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội từng nêu rõ, tiến độ GPMB quá chậm, nguyên nhân chính là nhà đầu tư - Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi chưa chủ động trong triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, TP. Hà Nội sau đó vẫn để nhà đầu tư này tiếp tục thực hiện dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, trong điều kiện chủ đầu tư phải quyết liệt GPMB và sớm đầu tư xây dựng dự án.

Theo Báo cáo Tổng giám đốc về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 và kế hoạch năm 2025 của Tổng công ty Licogi, đến hết năm 2024, công tác GPMB tại dự án mới đạt 85% với số tiền đã chi trả là 514.523 triệu đồng. Mặt khác, trong năm 2024, chủ trương đầu tư của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt đã hết hạn theo quyết định phê duyệt số 6429/QĐ-UBND ngày 15/09/2017 của UBND TP. Hà Nội.

Hiện tại, Tổng công ty đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý trình các sở, ban ngành, UBND TP. Hà Nội gia hạn chủ trương đầu tư trong năm 2025; phấn đấu năm 2025 có phương án phê duyệt tiền sử dụng đất, phương án giao đất giai đoạn 1; và tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2.

Theo nghiên cứu tài liệu, tính tới 31/3/2025, chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn dự án Khu đô thị Thịnh Liệt đã lên tới 1.363,3 tỷ đồng, chiếm 30,1% tổng tài sản và là dự án dở dang dài hạn lớn nhất mà công ty đang ghi nhận. Về hoạt động kinh doanh trong quý I/2025, Tổng công ty Licogi ghi nhận doanh thu đạt 426 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 21,81 tỷ đồng, tăng so với khoản lỗ 19,6 tỷ đồng cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 3/2025, Tổng công ty Licogi lỗ lũy kế 574 tỷ đồng, bằng 64% vốn điều lệ (vốn điều lệ 900 tỷ đồng) và tổng dư nợ vay lên tới 2.173 tỷ đồng, cao gấp hơn 4,6 lần vốn chủ sở hữu.