Aa

Hà Nội đằng đẵng những dự án “treo bền vững”

Chủ Nhật, 28/07/2019 - 05:30

Nhan nhản những dự án treo từ năm này qua năm khác đã trở nên chuyện không lạ tại Hà Nội. Chính quyền thì bình tĩnh, người dân đã quá quen và vì thế, các dự án tiếp tục… treo bền vững.

“Ôm đất” vài chục năm

Nằm trên khu đất được coi là đẹp thuộc phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), Dự án Xây dựng khu nhà ở và văn phòng làm việc khu vực hồ An Dương của Công ty TNHH Xây dựng IDC được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định từ ngày 28/9/1999, nhưng đến nay mới bàn giao được một nửa diện tích, khiến dự án này bị “treo bền vững” trong suốt 20 năm qua.  

Đây là một trong những dự án xã hội hóa đầu tiên của Thủ đô, nhưng vì nhiều lý do, Dự án bị treo khiến Công ty TNHH Xây dựng IDC đang rơi vào hoàn cảnh nợ nần.

Là một dự án có vị trí thuộc tầm đắc địa tại quận Tây Hồ, nhưng do chưa đạt được đồng thuận giữa các bên trong vấn đề trị thủy, Dự án Trấn Sông Hồng (Song Hong City) đã phải dừng lại 22 năm kể từ ngày được nhà đầu tư Singapore đề xuất.

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, cho tới thời điểm hiện tại, có 383 dự án chậm triển khai, để hoang hoá cần có phương án thu hồi hoặc giải quyết.

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, cho tới thời điểm hiện tại, có 383 dự án chậm triển khai, để hoang hoá cần có phương án thu hồi hoặc giải quyết.

Thông tin từ phía lãnh đạo TP. Hà Nội, Dự án Sông Hồng City nằm trong ranh giới Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng đang nghiên cứu lập, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Dự án cần phải thống nhất đồng bộ với nghiên cứu Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và các quy hoạch do các sở, ngành của Thành phố đang thực hiện để cụ thể hóa theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 1995 với quy mô khoảng 6.575 m2 tại hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ, Dự án Trấn Sông Hồng từng được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành một điểm nhấn của Thủ đô bằng tổ hợp khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn.

Chung số phận với những dự án trên, quyết định thu hồi đất thuộc quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm cho Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long đã được phê duyệt từ năm 1997, nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Đáng nói là, trong nhiều cuộc họp với lãnh đạo quận, lãnh đạo Thành phố, các hộ dân sống gần các dự án này đều bày tỏ nỗi bức xúc và đề nghị cơ quan chức năng sớm đưa ra câu trả lời dứt khoát về việc các dự án này có được tiếp tục thực hiện hay không?

“Nếu không thực hiện nữa, thành phố cần sớm giải quyết để chúng tôi được cấp phép xây dựng cải tạo, sửa chữa nhà ở ổn định cuộc sống”, cử tri quận Tây Hồ cho hay.

Hà Nội lên tiếng

Tại Hà Nội, thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường cho thấy, cho tới thời điểm hiện tại, có 383 dự án chậm triển khai, để hoang hoá cần có phương án thu hồi hoặc giải quyết.

Đơn cử, đối với dự án  Khu nhà ở và văn phòng làm việc khu vực hồ An Dương của công ty TNHH Xây dựng IDC, UBND TP. Hà Nội vừa cho biết, thành phố đã giao quận Tây Hồ, các sở liên quan tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư có thể hoàn thiện các thủ tục về đất đai và dự án.

Hay với Dự án Sông Hồng City, là dự án liên doanh với nước ngoài, hiện vướng mắc về quy hoạch, thoát lũ sông Hồng, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổng hợp phần trách nhiệm được phân công của các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao về việc tháo gỡ vướng mắc của dự án này.

Giải thích thêm về dựa án này, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, Dự án Sông Hồng City nằm trong ranh giới nghiên cứu Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng đang nghiên cứu lập, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Dự án cần phải đồng bộ với nghiên cứu Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và các quy hoạch do Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai theo nhiệm vụ được UBND Thành phố giao để cụ thể hóa theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Đầu năm 2019, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội  Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản yêu cầu các sở và UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình thực hiện phần nhiệm vụ đã được giao liên quan đến dự án Trấn Sông Hồng, sau đó, gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.  

Riêng đối với phần còn lại của Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, TP. Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện trong tháng 8/2019. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Trung tâm phát triển quỹ đất quận Tây Hồ đang thực hiện các bước cuối cùng để trả lại mặt bằng cho dự án này.

Hà Nội đã đưa ra những quyết định đầu tiên để giải cứu những dự án chậm triển khai, nhưng cũng chỉ là “muối bỏ biển” so với hơn 383 dự án treo trên địa bàn Thành phố. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội khẳng định, “sẽ giám sát việc tham mưu, tháo gỡ” và sẽ đưa nội dung này vào phần chất vấn tại kỳ họp HĐND Thành phố cuối năm nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top