Ngày 6/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp tập thể UBND TP tháng 3/2018. Tại hội nghị, tập thể UBND TP đã xem xét, biểu quyết thông qua nghị quyết về 9 nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP. Trong đó, có các nội dung về quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn; phê duyệt Quyết định ban hành Quy định quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn...
Không được chuyển nhượng trong 5 năm đầu
Theo dự thảo Quy định về quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội, đối tượng được mua, thuê là những người có nhu cầu nhà ở, nhưng không có điều kiện để mua nhà ở thương mại. Hà Nội sẽ thành lập hội đồng xét duyệt thuê, mua, xét từng hồ sơ theo thang điểm thứ tự từ cao xuống thấp, đồng thời, có 10 tiêu chí ưu tiên do UBND TP quy định.
Thời hạn giải quyết cho thuê, mua nhà ở xã hội không quá 30 ngày kể từ khi hồ sơ hợp lệ; tuy nhiên, trường hợp phải xét hồ sơ chấm điểm ưu tiên thì thời hạn giải quyết tối đa không quá 60 ngày (đối với nhà thuộc sở hữu Nhà nước), không quá 45 ngày (đối với nhà không thuộc sở hữu Nhà nước).
Trường hợp người thuê, thuê mua nhà không có nhu cầu hoặc hết điều kiện thuê thì hộ gia đình phải trả lại nhà cho cơ quan quản lý để tiếp tục cho đối tượng có nhu cầu thuê.
Trường hợp nhà ở xã hội đủ điều kiện chuyển nhượng thì người chuyển nhượng phải nộp tiền sử dụng đất theo diện tích phân bổ vào ngân sách thành phố trước khi chuyển nhượng.
Người mua, người thuê không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu 5 năm (kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê).
Người sử dụng chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
Kể từ thời điểm người mua, thuê nhà ở xã hội được phép bán cho các đối tượng có nhu cầu, thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó.
Trong thời hạn chưa đủ 5 năm (kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua), nếu có nhu cầu bán thì hộ đó chỉ được bán lại cho Nhà nước (nhà do Nhà nước đầu tư) và chủ dự án xây dựng (nhà do tư nhân đầu tư).
Đặc biệt, dự thảo quy định cũng nêu rõ, nếu sau 3 tháng kể từ khi bàn giao căn hộ mà người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đến ở thì coi như không có nhu cầu ở và cơ quan quản lý sẽ chấm dứt hợp đồng, thu hồi căn hộ.
Thu hồi sau 3 tháng nếu không có người ở
Tại phiên họp, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị thành phố cần phải có quy định cụ thể về việc thu hồi nhà ở xã hội nếu vi phạm.
Cụ thể, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội đề xuất sau khi mua nhà, nếu người mua không về ở sau 3 tháng được bàn giao nhà, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu hồi. Riêng các trường hợp ngoại lệ có lý do chính đáng phải được quy định cụ thể.
Đề cập tới các điểm ưu tiên dành cho đối tượng mua và thuê nhà ở xã hội, ông Toản cũng lưu ý cần phải có sự phản biện của Mặt trận Tổ quốc để đảm bảo chặt chẽ và sát thực tế.
Chủ trì buổi họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, các quy định hiện nay về quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố còn lỏng lẻo, đối tượng chưa được xác định rõ.
Do đó, cần phải có quy định chặt chẽ hơn. Phải xác định rõ tiêu chuẩn các đối tượng được mua nhà ở xã hội phải là những người không có điều kiện mua nhà ở thuộc phân khúc nhà ở thương mại có giá trị cao.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý quy định này chỉ được áp dụng với một đối tượng trong gia đình, tránh trường hợp cả vợ cả chồng ở hai cơ quan khác nhau đều nộp hồ sơ xin mua nhà ở xã hội. Trước hết người thuê, mua nhà ở xã hội phải là đối tượng không có điều kiện mua nhà ở phân khúc thương mại.
Tại buổi họp, người đứng đầu UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, sắp tới, TP. Hà Nội sẽ xây dựng cổng thông tin điện tử về nhà xã hội. Người dân có thể đăng ký công khai, đăng ký theo khu vực, tự đối chiếu tiêu chuẩn và phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký đó. Việc giám sát, thanh tra sẽ được giao cho các đơn vị chức năng liên quan. Trường hợp sai nếu phát hiện sẽ tiến hành thu hồi ngay. |