Hơn 400 dự án "đắp chiếu"
Báo cáo của Chính phủ, căn cứ kết quả làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp chỉ ra, trên toàn TP. Hà Nội hiện có 404 dự án nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ. Trong đó, thành phố mới xử lý được 158 dự án, còn 246 dự án đang tiếp tục xử lý.
Còn theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, tốc độ phát triển các dự án bất động sản tại thành phố rất chậm, gần như không có dự án mới được phê duyệt. Sản phẩm nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước. Thậm chí, nhiều dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước cũng chậm triển khai, phải điều chỉnh tiến độ; nhiều dự án có thời gian triển khai thực hiện lên đến 10-20 năm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trình tự, thủ tục triển khai các dự án hiện nay còn phức tạp, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước quy trình theo quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu liên thông, một số quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai dự án.
Hơn nữa, công tác cải cách hành chính còn nhiều bất cập; việc giải quyết hồ sơ còn chậm, thời gian thường dài hơn so với thời hạn pháp luật quy định; nhiều thủ tục không xác định được thời hạn. Việc thẩm định dự án, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế xây dựng trên cơ sở quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt cũng còn phức tạp.
"Việc chậm tiến độ dự án trở thành tình trạng phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến phương án kinh doanh của chủ đầu tư và những khách hàng đã nộp tiền", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, tình trạng nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc pháp lý đã dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, đẩy giá bất động sản.
Chuyên gia này phân tích, sau gần 3 năm khi thị trường thiếu dự án, giá chung cư và nhà đất Hà Nội đã tăng 40 - 50%. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng nếu nút thắt pháp lý của các dự án không được tháo gỡ. Điều này đồng nghĩa với cơ hội sở hữu nhà ở của những người dân có thu nhập thấp càng trở nên khó khăn khi giá nhà không hạ nhiệt; từ đó dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu.
"Nếu tình trạng mất cân đối trong cơ cấu nguồn cung tiếp tục tiếp diễn nhưng không có sự can thiệp kịp thời, việc phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội bị đình trệ, thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững, mà còn gây ra những bất ổn về mặt xã hội do nhu cầu an cư của người dân không được đáp ứng.
Để các dự án chậm tiến độ "hồi sinh", cần triển khai nhiều phương án tháo gỡ kịp thời những nút thắt về pháp lý", TS. Nguyễn Văn Đính khẳng định.
Nhiều dự án đã tìm thấy "lối thoát"
Trước bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều biến động, Chính phủ cùng các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường. Một trong những bước đi quan trọng là việc thành lập Tổ công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản. Nhiều văn bản kiến nghị đã được xử lý kịp thời, giúp giải quyết các "nút thắt" tồn đọng suốt hàng chục năm qua.
Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã có cuộc họp khẩn để nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện, những nội dung tồn tại, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư chậm triển khai trên địa bàn.
Cụ thể, một số dự án được xem xét là dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai; dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ, quận Ba Đình; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất...
Cùng với đó, UBND TP. Hà Nội cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư xây dựng kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, thực hiện có hiệu quả công tác chống lãng phí; đồng thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Trong đó, Thành phố ra công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổng rà soát toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài thuộc nhiều lĩnh vực để tìm giải pháp hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, việc dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng cũng đã có dấu hiệu lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian. Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu sở, ban, ngành, địa phương phải có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm đưa những tài nguyên, tiềm năng của thành phố trở thành động lực và nguồn lực thúc đẩy phát triển Thủ đô, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội, cho nhân dân; không để xảy ra tình trạng chậm trễ, kéo dài, dù là dự án đầu tư công hay ngoài ngân sách./.