Aa

Hà Nội: Hạ tầng dở dang, Cụm công nghiệp Kim Bài đã được phân lô rao bán giá chênh hàng tỷ đồng

Thứ Hai, 28/04/2025 - 06:30

Dù đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng kỹ thuật, nhưng nhiều môi giới đã rầm rộ giới thiệu, mời khách hàng mua đất công nghiệp, shophouse tại các dự án thuộc Cụm công nghiệp Kim Bài (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) thông qua Hợp đồng góp vốn và nộp tiền chênh hàng tỷ đồng/lô.

Lời tòa soạn

Bất động sản công nghiệp đã và đang duy trì vị thế "điểm sáng" trên thị trường bất động sản, trong bối cảnh thị trường nói chung rơi vào trầm lắng trong suốt giai đoạn vừa qua. Tính đến năm 2024, tỷ lệ lấp đầy cao tại các khu, cụm công nghiệp đã trở thành chỉ số đáng chú ý, đạt 81 - 83% tại khu vực miền Bắc và lên tới 92% ở miền Nam. Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu mạnh mẽ về không gian công nghiệp, mà còn đảm bảo dòng tiền ổn định cho các chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN).

Giá thuê đất KCN cũng duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng 35% tại miền Bắc và 67% tại miền Nam trong giai đoạn từ 2020 đến giữa năm 2024. Đặc biệt, tại các KCN phía Nam, giá thuê đã tăng trung bình 10 - 18% chỉ trong năm 2024, chứng tỏ nhu cầu thị trường không hề suy giảm, ngay cả khi các phân khúc, loại hình còn lại của thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.

Trên địa bàn Hà Nội, hàng loạt khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khá cao đã và đang tạo ra những giá trị nhất định cho sự phát triển chung. Đối với những dự án cụm công nghiệp đang triển khai cũng hứa hẹn tiềm năng phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, tại các cụm công nghiệp đang trong quá trình triển khai giai đoạn đầu hiện nay tồn tại một thực tế về việc huy động vốn thông qua một số cá nhân môi giới, hoặc sàn giao dịch bằng các hợp đồng liên danh liên kết khi dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, cho thuê…

"Công thức" chung được các đơn vị này thực hiện là thông qua hoạt động tư vấn của đội ngũ nhân viên môi giới đông đảo đưa ra những lời mời chào, giới thiệu và chính sách booking, đặt chỗ dự án bằng những hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư… để huy động số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng cho tới cả tỷ đồng cho một bất động sản chưa đủ điều kiện mở bán.

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế thị trường, pháp lý dự án cũng như ghi nhận ý kiến chuyên gia, Reatimes đăng tải bài viết nhằm phản ánh tình trạng môi giới rao bán bát nháo tại Cụm công nghiệp Kim Bài, đồng thời đưa ra những phân tích, cảnh báo về các rủi ro trong đầu tư bất động sản công nghiệp.

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!

Dự án dở dang, môi giới đã rao bán tiền chênh hàng tỷ đồng

Theo thống kê trong giai đoạn 2019 - 2020, UBND TP. Hà Nội đã thành lập 5 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Oai gồm: Bình Minh - Cao Viên; Thanh Thùy giai đoạn 2; Thanh Văn - Tân Ước; Kim Bài; Hồng Dương với tổng diện tích đất sử dụng hơn 80ha.

Theo khảo sát của PV Reatimes, hiện tại 5 cụm công nghiệp này đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng kỹ thuật, tuy nhiên trên một số website và nền tảng mạng xã hội đã rầm rộ quảng bá, giới thiệu sản phẩm và nhận booking (đặt chỗ) tại cụm công nghiệp với hình thức hợp đồng góp vốn, đặt chỗ…

Đơn cử tại Cụm công nghiệp Kim Bài, qua nghiên cứu pháp lý dự án được biết, dự án được thành lập theo Quyết định số 2803/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 26/6/2020, địa điểm xây dựng tại huyện Thanh Oai với quy mô 46,1ha. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.094 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư là 15%, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân hợp pháp khác và vốn vay là 85%.

Tại quyết định trên, dự án Cụm công nghiệp Kim Bài được giao cho Công ty CP Tập đoàn Telin (Tập đoàn Telin), địa chỉ tại đường Nguyễn Sơn, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án được định hướng phát triển công nghiệp xanh, sạch, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, dự án không bố trí đơn vị ở, lưu trú, trung tâm dịch vụ thương mại trong phạm vi ranh giới cụm công nghiệp…

Cũng tại Quyết định 2803 nêu trên, UBND TP. Hà Nội nghiêm cấm việc thực hiện chuyển nhượng dự án và huy động vốn trái quy định dưới mọi hình thức để triển khai dự án; thực hiện đúng tiến độ được phê duyệt, trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý III/2020 đến quý III/2022.

Tuy nhiên sau thời gian "vỡ" tiến độ, phải đến tháng 9/2024, dự án Cụm công nghiệp Kim Bài mới hoàn thiện được pháp lý và chính thức khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Đáng nói, dù đang trong quá trình triển khai hạ tầng kỹ thuật tại dự án, nhưng trên một số website mua bán bất động sản đã xuất hiện hàng loạt thông tin quảng bá, mời chào nhằm huy động vốn của khách hàng, bán các lô đất dịch vụ (shophouse), cho thuê đất công nghiệp thông qua Hợp đồng góp vốn, có lô số, diện tích và đơn giá cụ thể.

Theo một môi giới tên H., hiện tại dự án đang trong giai đoạn san lấp, triển khai hạ tầng kỹ thuật. Các lô đất tại dự án có diện tích khoảng hơn 2.000m2/lô được xây dựng với mật độ khoảng 70%, sau này khi xây dựng khách hàng sẽ xây theo quy chuẩn của chủ đầu tư. Tại dự án này được hạn chế chiều cao là 15m, khách hàng có thể xây lên đến 2, 3 tầng.

Hà Nội: Hạ tầng dở dang, Cụm công nghiệp Kim Bài đã được phân lô rao bán giá chênh hàng tỷ đồng- Ảnh 1.

Thông tin rao bán đất công nghiệp, shophouse tại Cụm công nghiệp Kim Bài trên một website mua bán bất động sản. (Ảnh chụp màn hình)

Trong quá trình tư vấn, nhiều môi giới thừa nhận, tại thời điểm này (tháng 4/2025), dự án Cụm công nghiệp Kim Bài chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chưa đủ điều kiện ký Hợp đồng cho thuê theo quy định của pháp luật, do đó để "lách luật", người có nhu cầu mua đất công nghiệp, đất dịch vụ (shophouse) trong dự án phải ký Hợp đồng góp vốn và chịu giá chênh. 

"Hiện tại chủ đầu tư đã có sổ đỏ tổng của cả dự án, việc ký được Hợp đồng cho thuê đúng theo quy định pháp luật phải chờ sau khi chủ đầu tư hoàn thiện và bàn giao hạ tầng kỹ thuật, dự tính vào quý I/2026", một môi giới tư vấn.

Theo lời của môi giới, đất công nghiệp trong dự án Cụm công nghiệp Kim Bài đang được bán với giá 8,4 - 8,5 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Tuy nhiên, giá ghi trong Hợp đồng góp vốn ký trực tiếp với chủ đầu tư là 5,9 - 6,5 triệu đồng/m2, tùy từng lô. Số tiền chênh còn lại sẽ trả cho chủ cũ (người ký Hợp đồng góp vốn mua lô đất công nghiệp này với chủ đầu tư trước), phần này không được xuất hóa đơn mà chỉ xuất hóa đơn trên giá ký Hợp đồng góp vốn. Theo đó, giá chênh trả cho lô đất công nghiệp 2.000m2 trong dự án này có thể khoảng trên 4 tỷ đồng/lô.

Tương tự, đối với đất dịch vụ (shophouse), giá bán 24 - 28 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Việc mua bán này cũng theo hình thức "hai giá". Đơn cử, lô đất dịch vụ 180m2 nằm ở trục chính vào Cụm công nghiệp Kim Bài đang có giá bán 28 triệu đồng/m2. Theo đó, người mua sẽ ký Hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư (giá gốc) là 10 triệu đồng/m2, nhưng chỉ phải đóng 50% giá trị hợp đồng này. Số tiền 18 triệu đồng còn lại, tương ứng với hơn 3,2 tỷ đồng sẽ là giá chênh, người mua phải thanh toán cho một người khác và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh giao dịch này.

Trong quá trình tư vấn, để lấy niềm tin của khách hàng, môi giới còn đưa ra một mẫu Hợp đồng góp vốn, trong đó bên A đại diện là Công ty CP Tập đoàn Telin có trụ sở tại tầng 12, tòa nhà 45 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội và địa chỉ giao dịch tại tầng 23, tòa nhà Amber Riverside, ngõ 622 Minh Khai, Hà Nội do người đại diện là bà Nguyễn Thị Biên, Phó Tổng Giám đốc ký theo văn bản ủy quyền của ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Telin.

Trong điều khoản hợp đồng ghi rõ tiến độ góp vốn được chia thành 2 đợt với tỷ lệ 75% và 25%. Đợt 1 bên B sẽ đóng 75% giá trị và thời hạn góp vốn là cùng ngày ký hợp đồng. 25% còn lại được đóng khi bên A (Telin) hoàn thành cơ bản việc san lấp mặt bằng hoặc chậm nhất ngày 31/5/2025. Số tiền góp vốn cũng được chuyển thẳng vào tài khoản của Công ty CP Tập đoàn Telin.

Hà Nội: Hạ tầng dở dang, Cụm công nghiệp Kim Bài đã được phân lô rao bán giá chênh hàng tỷ đồng- Ảnh 2.

Thông tin rao bán shophouse tại Cụm công nghiệp Kim Bài. (Ảnh chụp màn hình)

Cũng liên quan tới hoạt động rao bán bát nháo của môi giới, từ trước thời điểm dự án Cụm công nghiệp Kim Bài được cấp phép xây dựng và khởi công (ngày 20/9/2024), trên các website đã rầm rộ quảng bá, rao bán, nhận đặt chỗ suất ngoại giao, đất nhà xưởng, thương mại dịch vụ, shophouse trong Cụm công nghiệp Kim Bài và một số cụm công nghiệp lân cận.

Trước tình trạng trên, ngày 25/6/2024, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Thanh Oai tổ chức buổi làm việc tại Cụm công nghiệp Kim Bài và một số cụm công nghiệp để làm rõ thông tin các cơ quan báo chí phản ánh.

Theo đó, liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, báo cáo của Công ty CP Tập đoàn Telin cho biết công ty chưa tiến hành xây dựng trên diện tích thực hiện dự án, chưa tiến hành kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp, chưa ký hợp đồng thuê đất với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, chỉ tiến hành quảng bá hình ảnh, giới thiệu về dự án trên trang điện tử của công ty.

Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định, các dịch vụ hỗ trợ chỉ đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp; tuyệt đối không bố trí đơn vị ở, lưu trú, trung tâm thương mại trong phạm vi cụm công nghiệp.

Sau khi Sở Công Thương Hà Nội và các cơ quan chức năng vào cuộc, hoạt động quảng bá, giới thiệu về dự án của các môi giới đã có phần được cải thiện; hoạt động tư vấn bán hàng, nhận đặt chỗ… đã không còn sôi động như thời điểm trước đó.

Hà Nội: Hạ tầng dở dang, Cụm công nghiệp Kim Bài đã được phân lô rao bán giá chênh hàng tỷ đồng- Ảnh 3.
Hà Nội: Hạ tầng dở dang, Cụm công nghiệp Kim Bài đã được phân lô rao bán giá chênh hàng tỷ đồng- Ảnh 4.

Dự án Cụm công nghiệp Kim Bài đang triển khai hạ tầng kỹ thuật. (Ảnh: Duy Thế)

Theo khảo sát của PV Reatimes tại dự án Cụm công nghiệp Kim Bài vào tháng 4/2025, hạ tầng kỹ thuật của dự án đang được triển khai ngổn ngang. Nhiều khu vực trong dự án, máy móc đang san lấp mặt bằng.

PV Reatimes đã nhiều lần liên hệ, phản ánh thực trạng mua bán tại Cụm công nghiệp Kim Bài tới ông Bùi Văn Sáng - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, nhưng không nhận được phản hồi.

Rủi ro rình rập khách hàng

Tại Nghị định 68/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã quy định quyền của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Theo đó, chủ đầu tư được huy động vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, chủ đầu tư được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung; xác định giá cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung, giá cho thuê hoặc bán nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và giá các loại dịch vụ công cộng, tiện ích khác…

Tại Nghị định 32/2024 (thay thế Nghị định 68/2017 trên) của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp cũng quy định, chủ đầu tư được huy động vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Còn Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định, dự án bất động sản khi có quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật được đưa vào kinh doanh khi đáp ứng các yêu cầu: Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, tiến độ dự án được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về đầu tư; bảo đảm cung cấp các dịch vụ cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải, xử lý nước thải; bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất...

Ngoài ra, Điều 47 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng quy định giao dịch trong kinh doanh bất động sản: Giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản, dự án bất động sản được đưa vào kinh doanh do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng, trường hợp Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản ghi đúng giá giao dịch thực tế trong hợp đồng, chịu trách nhiệm trong việc ghi giá giao dịch trong hợp đồng không đúng với giá giao dịch thực tế.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản có tiền chênh ngoài hợp đồng bằng hình thức kê khai "hai giá" khi bán hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Tình trạng này không chỉ gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước mà còn làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản. Còn người mua bất động sản chấp nhận điều đó có thể là hành vi tiếp tay cho chủ đầu tư trốn thuế, đồng thời gặp rủi ro "mất tiền" chênh khi có tranh chấp.

Trao đổi với PV Reatimes, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - cảnh báo, khi môi giới tư vấn nhận chuyển nhượng các dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, khách hàng giao dịch có thể gặp phải một số rủi ro lớn như: Rủi ro về pháp lý liên quan đến tính hợp pháp của dự án, việc chuyển nhượng dự án chưa đủ điều kiện có thể bị coi là vi phạm pháp luật; trong trường hợp dự án không hoàn thành đúng tiến độ, khách hàng còn có thể phải chịu thêm các khoản chi phí phát sinh để có thể tiếp tục thực hiện triển khai dự án...

Hà Nội: Hạ tầng dở dang, Cụm công nghiệp Kim Bài đã được phân lô rao bán giá chênh hàng tỷ đồng- Ảnh 5.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Để có thể giảm thiểu những rủi ro khi tham gia chuyển nhượng dự án, luật sư Bình cho rằng, khách hàng cần phải xác minh kỹ lưỡng tính hợp pháp của dự án, bao gồm việc kiểm tra các giấy tờ pháp lý, giấy phép xây dựng, quy hoạch và các thông tin liên quan đến tiến độ thi công. Yêu cầu hợp đồng bằng văn bản đầy đủ, rõ ràng và cần tham khảo tư vấn từ các chuyên gia pháp lý để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Một chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán, đưa vào hoạt động kinh doanh nhưng khách hàng vẫn tham gia vào các hợp đồng góp vốn thì cần phải hết sức cẩn trọng, bởi lẽ theo quy định tại Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản không cho phép ký hợp đồng góp vốn để nhận đất, nhận nhà. Hợp đồng góp vốn là để góp vốn thành lập doanh nghiệp, được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Hợp đồng hợp tác chỉ quy định tại Luật Dân sự. Vì thế, nếu khách hàng ký hợp đồng vay vốn, góp vốn, hợp tác đầu tư với chủ đầu tư dự án để mua bất động sản thì rủi ro rất cao. Người mua nhà, đất không nên ký hợp đồng góp vốn vì như vậy là sai luật và có nguy cơ tiền mất tật mang.

Chân dung Telin Group của Chủ tịch Lê Tuấn Hải - chủ dự án Cụm công nghiệp Kim Bài

Dữ liệu doanh nghiệp thể hiện, tiền thân của Công ty CP Tập đoàn Telin (Telin Group) là Công ty TNHH Kỹ nghệ và Hạ tầng Telin thành lập năm 1995; đến năm 2007 chuyển đổi thành Công ty CP Kỹ nghệ và Hạ tầng Telin và năm 2018 chuyển đổi thành Tập đoàn Telin.

Các cổ đông sáng lập của Telin Group bao gồm các ông: Lê Bình Minh, Lê Tuấn Hải và bà Lê Thị Ngọc Anh. Trong số các cổ đông, ông Lê Tuấn Hải hiện đang là người đại diện pháp luật của Telin Group với chức danh Chủ tịch HĐQT.

Telin Group hiện đặt trụ sở tại tầng 23 của tòa nhà trong ngõ 622 Minh Khai, Hà Nội nêu trên. Ban lãnh đạo ngoài ông Lê Tuấn Hải (SN 1961) còn có ông Hoàng Thiếu Sơn (Tổng giám đốc); các Phó Tổng giám đốc gồm bà Lê Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Biên và ông Lê Văn Hướng, Nguyễn Minh Cường.

Hà Nội: Hạ tầng dở dang, Cụm công nghiệp Kim Bài đã được phân lô rao bán giá chênh hàng tỷ đồng- Ảnh 6.

Ông Lê Tuấn Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Telin.

Liên quan đến Tập đoàn Telin, trong năm 2024, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Thông báo kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong đó, kết luận thanh tra đã đề cập đến việc thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng tại ngõ 622 Minh Khai, Hà Nội (tên thương mại là Amber Riverside).

Theo đó, TTCP xác định, UBND TP. Hà Nội xác định tiền thuê đất hằng năm tại dự án Khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng tại ngõ 622 Minh Khai không chính xác, gây thất thu ngân sách.

Cũng theo kết luận của TTCP, việc góp vốn hợp tác kinh doanh, phân chia lợi ích của Công ty CP Xuất nhập khẩu Lương thực - Thực phẩm Hà Nội (Vihafood - vốn Nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ) và Công ty CP Kỹ nghệ và Hạ tầng Telin đối với khu đất 6.364,8m2 tại ngõ 622 Minh Khai có vi phạm, bởi trong hợp đồng hợp tác đầu tư, các bên thỏa thuận góp vốn bằng quyền thuê đất là không đúng quy định pháp luật về đất đai.

TTCP đề nghị UBND TP. Hà Nội chủ trì, chỉ đạo các sở ngành rà soát, xác định lại đơn giá để tính tiền thuê đất; trên cơ sở đó, xác định tiền thuê đất đối với diện tích 2.519m2 thuộc dự án trên, tránh thất thu ngân sách. Cùng với đó, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với doanh nghiệp/chủ đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quản lý về những khuyết điểm, vi phạm đã chỉ rõ.

Ngoài dự án Amber Riverside - 622 Minh Khai, Telin Group còn được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án đình đám như: Chung cư và nhà chia lô 45 Nguyễn Sơn; Dự án nhà chia lô Thụy Phương; Khu đô thị tại tỉnh Hòa Bình; Dự án đường BT liên tỉnh Hà nội - Hưng Yên…

Trước đó, Telin Group cũng gây chú ý khi liên quan đến Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn - doanh nghiệp dù chỉ có 3 lao động nhưng vẫn phát hành thành công lô trái phiếu riêng lẻ có tổng giá trị 1.200 tỷ đồng, lãi suất 12,5%/năm.

Theo đó, Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn thành lập tháng 9/2021, trụ sở ở Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc, phường Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 455 tỷ đồng, trong đó Công ty CP Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn góp 454,5 tỷ đồng (chiếm 99,89%, ông Khuất Hữu Việt đại diện ủy quyền), còn lại Tập đoàn Telin góp 500 triệu đồng (chiếm 0,11%, bà Nguyễn Thị Biên đại diện ủy quyền).

Là một trong những công trình được UBND TP. Hà Nội chọn là công trình khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 - 10/10/2024), dự án Cụm công nghiệp Kim Bài chính thức được khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào ngày 20/9/2024.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, việc xây dựng các cụm công nghiệp hiện đại với hạ tầng đồng bộ là điều kiện tiên quyết để thành phố đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế công nghiệp từ 8,5 - 9% trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hà Nội: Hạ tầng dở dang, Cụm công nghiệp Kim Bài đã được phân lô rao bán giá chênh hàng tỷ đồng- Ảnh 7.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại lễ khởi công dự án.

Hà Nội: Hạ tầng dở dang, Cụm công nghiệp Kim Bài đã được phân lô rao bán giá chênh hàng tỷ đồng- Ảnh 8.

Ông Bùi Văn Sáng - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai.

Ông Bùi Văn Sáng - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai - kỳ vọng việc hoàn thành và đưa Cụm công nghiệp Kim Bài vào hoạt động sẽ nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của huyện, tác động tích cực đến thị trường bất động sản, lao động và các dịch vụ đi kèm, tạo đà cho huyện trở thành trung tâm công nghiệp cửa ngõ phía Nam Hà Nội.

Về phía chủ đầu tư, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Telin Lê Tuấn Hải cam kết sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư thứ phát tham gia vào Cụm công nghiệp Kim Bài, đảm bảo các doanh nghiệp có thể bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dự án hoàn thành.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top