Thành phố đang chuẩn bị các cơ chế, chính sách phát triển đột phá
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND, ngày 19/2, về việc tổ chức Hội thảo khoa học cấp Thành phố về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2025 và phấn đấu đạt 2 con số giai đoạn 2026-2030.
Hội thảo dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3/2025 với mục tiêu tham vấn ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý, trong việc xây dựng chỉ tiêu, nhiệm vụ, các khâu đột phá và giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong giai đoạn tới.
Trước đó, theo Nghị quyết số 25 ngày 5/2/2025, Chính phủ giao Hà Nội mục tiêu tăng trưởng 8%. Mục tiêu này cao hơn "mức sàn" Hà Nội đặt ra cuối năm 2024, tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Thành phố, đó là GRDP tăng từ 6,5% trở lên.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Trước yêu cầu nâng cao mục tiêu tăng trưởng, UBND TP. Hà Nội đã triển khai các hành động cụ thể để cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, năm 2025, Hà Nội sẽ quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Trung ương, nhận thức đầy đủ về vai trò, tiềm năng của Thủ đô trong sự nghiệp đổi mới. Thành phố sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tính năng động, sáng tạo để phát triển toàn diện và bứt phá mạnh mẽ.
Hà Nội cũng sẽ triển khai hiệu quả Luật Thủ đô năm 2024, Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đồng thời, Thành phố sẽ chuẩn bị các cơ chế, chính sách phát triển đột phá cho giai đoạn 2026-2030, xây dựng các kế hoạch kinh tế - xã hội, đầu tư công gắn với chiến lược "tầm nhìn mới - tư duy mới - hành động quyết liệt".
Tại Chương trình hành động số 04/CTr-UBND, ngày 14/2, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra trong năm 2025 bao gồm GRDP tăng 8% (hướng đến 10%). Thành phố sẽ triển khai hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Các cơ chế, chính sách sẽ được xây dựng để tạo nền tảng tăng tốc cho giai đoạn 2026-2030.
Nhìn lại, năm 2024, Hà Nội đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu Kế hoạch năm 2024; tăng trưởng đạt 6,52% (năm 2023 là 6,27%). Quy mô GRDP đạt gần 59 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.500 USD. Đây sẽ là tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2026 - 2030.
Sẽ kịp thời rà soát, tháo gỡ cho từng dự án đang vướng mắc, chậm triển khai
Trong Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, báo cáo tại Hội nghị của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố, ngày 21/1/2025, đa số đại biểu nhất trí với mục tiêu GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 10,5 - 11,0%; GRDP bình quân/người khoảng 291 - 298 triệu đồng (tương đương khoảng 11.500 USD); vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2026 - 2030: 4,86 - 5,0 triệu tỷ đồng (giá hiện hành); tốc độ tăng năng suất lao động từ 8,5 - 9,0%; tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP dưới 1,3%.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc lựa chọn phương án tăng trưởng hai con số là một thách thức lớn với thành phố. Tuy nhiên, những quy định đặc thù, vượt trội trong Luật Thủ đô và hai quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội sẽ từng bước vượt qua khó khăn, triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TƯ để vững tin bước sang giai đoạn phát triển mới.
Để đạt được mục tiêu, Thành phố sẽ đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) đồng thời thực hiện các giải pháp đột phá, tạo các động lực tăng trưởng mới.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025 với tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, thu hút đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư.

Hà Nội sẽ kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án. (Ảnh minh họa: Reatimes)
Đặc biệt, kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án chậm triển khai, những công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng giao thông kết nối trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tập trung vào các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa phát triển, khắc phúc tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, thúc đẩy các chuỗi liên kết phát triển, nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Song song với đó, sẽ tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, nhất là xây dựng thể chế số thông thoáng, hạ tầng số hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi xanh và triển khai hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực như năng lượng, giao thông, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp…
Tiếp tục có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư dự án công nghiệp lớn
Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của thời gian tới, là cần tiếp tục có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư dự án công nghiệp lớn nhằm gia tăng năng lực sản xuất.
Trong đó, Thành phố nên tập trung hỗ trợ nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang xây dựng các tổ hợp nhà máy ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hình thành hạ tầng… Cùng với đó, là xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao…
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Thành phố sẽ lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu, đóng góp giá trị gia tăng cao vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thành phố Hà Nội phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố. UBND Thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ.
Ngoài ra, Thành phố sẽ triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, sẽ tiếp tục chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.