Aa

Hà Nội: La liệt dự án bất động nằm dọc đường Vành đai 3

Thứ Ba, 06/02/2018 - 14:01

“Lướt sóng” nhà phố lẻ xây sẵn dịp cuối năm; Giá thuê văn phòng hạng A tại TP.HCM có thể tăng 20%; Ai "đánh cắp" sự cân bằng trong môi trường sống của cư dân?; Hà Nội: La liệt dự án bất động nằm dọc đường Vành đai 3;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Hà Nội: La liệt dự án bất động nằm dọc đường Vành đai 3

Vicem Tower được xây dựng trên trục đường vành đai 3 Phạm Hùng, cạnh tòa nhà Keangnam, thuộc lô đất 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội) với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại. Dự án do Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) làm chủ đầu tư.

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có thiết kế 1 tòa tháp với 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Diện tích đất được xây dựng là 8.476m2, diện tích sàn xây dựng khoảng 80.000m2. Đơn vị thiết kế dự án là KSP Juergen Engel Architekten; đơn vị giám sát là Bureau Veritas; nhà thầu chính là Phục Hưng Holdings.

Dự án được khởi công vào tháng 5/2011, dự kiến quý II/2014 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, trên thực tế dự án đã bị giãn tiến độ cho đến hiện nay.

Vicem đã có chủ trương chuyển nhượng dự án cho đối tượng khác.

Vicem đã có chủ trương chuyển nhượng dự án cho đối tượng khác.

Từ năm 2015, Vicem đã có chủ trương chuyển nhượng dự án cho đối tượng khác, nên chỉ thực hiện những gói thầu đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công.

Nằm bên cạnh tòa nhà Keangnam và dự án Vicem Tower trên trục đường Phạm Hùng là dự án Nam Đàn Plaza. Chủ đầu tư là công ty cổ phần địa ốc Dầu khí Viễn thông.

Dự án có thiết kế gồm 2 tòa nhà 39 và 44 tầng, trong đó có 6 tầng thương mại và 4 tầng hầm. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng với gần 10.000 m2 đất xây dựng.

Xem chi tiết tại đây.

Giá thuê văn phòng hạng A tại TP.HCM có thể tăng 20%

Cushman & Wakefield vừa công bố toàn cảnh thị trường văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2017, trong đó, có phần dự báo táo bạo về khả năng tăng giá văn phòng cho thuê tại TP HCM trong năm 2018.

Thuộc nhóm các thị trường mới nổi đầy triển vọng trong khu vực, văn phòng cho thuê tại TP HCM đã tăng giá đầy ấn tượng trong năm 2017 với tỷ lệ trống xuống mức cực thấp và giá thuê vọt lên cao nhất kể từ năm 2009 đến nay. Đơn vị này ước tính, giá thuê các tòa tháp hạng A cá biệt tại khu vực trung tâm quận 1 có thể tăng tới 20%. 

Áp lực tìm vị trí trống tại các văn phòng TP HCM sẽ còn kéo dài cho đến cuối năm 2019. Các khách thuê cần được tư vấn những chiến lược dứt khoát và các giải pháp sáng tạo nhằm tránh ảnh hưởng của việc tăng giá thuê lên ngân sách của mình.

Tuy nhiên, trái với dự báo đầy táo bạo của đơn vị tư vấn khảo sát này, các đơn vị khác như CBRE, Savills và cả Jones Lang LaSalle (JLL) đang hoạt động tại thị trường Việt Nam chỉ đánh giá văn phòng cho thuê tại TP HCM chỉ tăng ở ngưỡng 5-7% mỗi năm.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội: Giá chung cư khu vực nào tăng mạnh nhất?

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư quý IV/2017. Theo đó, tăng cao nhất là quận Tây Hồ 0,19%; tiếp đến là quận Cầu Giấy 0,13%, Long Biên 0,11%... Có mức tăng thấp nhất là khu vực quận Hà Đông và Hai Bà Trưng chỉ khoảng 0,05%.

Phân khúc chung cư cao cấp khu vực quận Thanh Xuân có chỉ số giá cao nhất trên thị trường, ở mức 95,97%; tiếp đến là phân khúc chung cư trung cấp khu vực quận Cầu Giấy 89,65% và quận Tây Hồ 88%... Khu vực có chỉ số giá thấp nhất là phân khúc chung cư trung cấp quận Bắc Từ Liêm 74,51%; tiếp đến là các quận Nam Từ Liêm 75,08%, quận Hoàng Mai 75,72% và Hà Đông 79,55%.

Được biết, chỉ số giá gốc so sánh (100%) là thời điểm quý I/2011. Riêng khu vực quận Hai Bà Trưng là quý IV/2013, vì vậy, chỉ số giá chung cư địa bàn quận này là 98,58%.

Theo Sở Xây dựng, chỉ số này được xác định dựa trên số liệu của Cục Thuế Hà Nội, Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất, các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn, văn phòng đăng ký nhà đất Hà Nội, UBND các quận, huyện, một số đơn vị tư vấn thẩm định…

Xem chi tiết tại đây.

Ai "đánh cắp" sự cân bằng trong môi trường sống của cư dân?

Thời gian qua, vấn đề tồn tại lớn nhất của các đô thị mới chính là sự mất cân đối trong phát triển. Cụ thể là trong các khu đô thị vẫn chú trọng xây dựng các chung cư cao tầng để bán nhà ở cho người dân nhưng cơ sở hạ tầng cần thiết như trường học, khu vui chơi vẫn chưa được bổ sung cho phù hợp.

Đặc biệt, ở thời điểm “tấc đất, tấc vàng”, nhiều nhà đầu tư khi xin được đất lại tìm cách tăng phòng, nâng tầng mà xem nhẹ không gian công cộng như sân chơi, vườn hoa, đường dạo… Số lượng không gian này đang ngày càng tỷ lệ nghịch với những cao ốc chọc trời mọc lên ngày càng nhiều.

Nhiều chuyên gia quy hoạch đã từng nhận định rằng, đất đai tại các quận nội thành có giá trị cao hơn ngoại thành, nên sức hút về kinh doanh bất động sản là cực kỳ lớn. Bởi không quản lý chặt quỹ đất nội thành, hệ quả là sau nhiều năm, không còn đất để giải tỏa áp lực thiếu không gian công cộng. Mặt khác, nhiều đô thị mới manh mún trong quy hoạch và thiết kế đã khiến mặt tiền nhiều tuyến phố bị băm nát bởi tình trạng chia lô, nhà ống dày đặc.

Bên cạnh đó, không cân đối được việc xây dựng các chung cư nhỏ lẻ trong khu dân cư với việc xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cũng là hạn chế của các khu đô thị mới. Mặc dù thành phố đã có quy định, xây khu đô thị mới phải đồng bộ giữa nhà ở và cơ sở hạ tầng nhưng không có nhiều khu đô thị thực hiện được yêu cầu này, sự mất cân đối vẫn vẫn là vấn đề đáng báo động.

Xem chi tiết tại đây.

“Lướt sóng” nhà phố lẻ xây sẵn dịp cuối năm

Đó là những căn nhà phố xây sẵn “mới tinh” trên đất thổ cư của dân bản địa hoặc của nhà đầu tư có đất tại các khu dân cư mới trên địa bàn khu ven TP.HCM.

Theo ghi nhận của PV, lướt sóng nhà cuối năm đang mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư thứ cấp. Từ đầu tháng 11 tới nay, nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các căn nhà phố xây dựng sẵn tại các khu dân cư, mua và bán lại trong khoảng thời gian ngắn.

Về mức lời, khác với các thời điểm trong năm, vào cuối năm, số tiền chênh lệch nhà đầu tư được hưởng cao hơn khi bán ra do sức mua tăng mạnh khiến việc ra hàng cũng dễ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đấy, một số nhà đầu tư ôm nhiều hàng để bán vào thời điểm cận Tết gặp khó khăn về đầu ra đối với các căn diện tích lớn, mức giá thu về cao.

Tại các khu vực huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Q.7, Q.2, Q.9, những căn nhà phố mới xây sẵn đang là “điểm ngắm” của nhà đầu tư lướt sóng giai đoạn giáp Tết. Các nhà đầu tư thứ cấp có dòng vốn khá tranh thủ tìm mua lại hàng của nhà đầu tư trước đó và chốt lời.

Xem chi tiết tại đây.

StarCity 81 Lê Văn Lương: Chủ đầu tư chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì, cư dân sống trong bất an

Chung cư StarCity 81 Lê Văn Lương- Thanh Xuân- Hà Nội có chủ đầu tư là công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OCB) và  công ty CP Đầu tư và Thương mại Vneco bàn giao từ năm 2015. Ngày 24/9/2017, Ban Quản trị Tòa nhà được bầu ra sau Hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất và được UBND quận Thanh Xuân chấp thuận theo quyết định ngày 16/10/2017.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, Ban quản trị đã 2 lần gửi công văn (ngày 31/10 và 29/11) cho chủ đầu tư yêu cầu thu xếp buổi làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để cung cấp hồ sơ cư dân, số tiền 2% phí bảo trì tương ứng đã thu từ bên mua; chi tiết các khoản lãi phát sinh từ khoản phí bảo trì gửi ngân hàng tới hiện tại.

Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn im lặng không lý do.Đến ngày 8/12, sau công văn gửi UBND quận Thanh Xuân của Ban quản trị, ngày 12/1, Công ty CP Đầu tư và Thương mại VNEco Hà Nội- đơn vị nhận vốn góp với OCG mới có công văn phản hồi theo kiểu đối phó, câu giờ.

Theo đó, về việc bàn giao kinh phí bảo trì của nhà chung cư, VNEco sẽ bàn giao quỹ bảo trì 2% về tài khoản Ban quản trị chung cư Lê Văn Lương số tiền tương ứng VNEco đã thu được từ khách hàng. Tuy nhiên, thời điểm bàn giao không nêu rõ. Về số tiền quỹ bảo trì 2% phần diện tích riêng, chủ sở hữu, VNEco sẽ nộp một phần hiện có và có lộ trình gửi Ban quản trị, vì còn phụ thuộc vào tình hình tài chính VNEco.

Về số tiền quỹ bảo trì 2% của các căn hộ đã đóng cho OGC sau khi hoàn thiện các thủ tục với VNEco về phần sở hữu chung riêng. OCG sẽ có lộ trình bàn giao gửi tới Ban quản trị, dự kiến trong quý 1/2018.

Xem chi tiết tại đây.

Tại dự án Florence Mỹ Đình: Bán “lậu” nhà khi chưa xong móng

Từ lời mời của “cò” môi giới, phóng viên Kinh tế & Đô thị có mặt tại sàn bất động sản Danko Group (Tầng 1 tòa nhà C6, Khu Đô thị Mỹ Đình 1, Trần Hữu Dực) - đơn vị được quảng cáo độc quyền phân phối chung cư Florence để nhân viên môi giới tên N. tư vấn dự án. Mở đầu cuộc trò chuyện, N. thừa nhận dự án Florence chưa xong móng, dự kiến ra Tết mới hoàn thành.

Tuy nhiên, hiện tại sàn vẫn tiếp nhận giữ căn hộ cho khách hàng thông qua hình thức phiếu đặt chỗ.

Thấy phóng viên bày tỏ lo lắng vì dự án vẫn đang làm móng, nhân viên này trấn an: “Gia đình chị chọn căn, đặt cọc vào thời điểm này giá bán cực mềm (28 - 33 triệu đồng/m2). Ngoài Tết Nguyên đán, chủ đầu tư mở bán chính thức, giá “nhảy” lên 2 triệu đồng/m2 sẽ thiệt vô cùng. Hiện tại, giấy tờ pháp lý đã đầy đủ. Thậm chí, bên sàn em còn nhận đặt cọc của hơn 50 khách hàng rồi. Chị hoàn toàn có thể yên tâm”.

Nhân viên môi giới sàn Danko Group đang tư vấn khách hàng đặt cọc 100 triệu đồng cho dự án Florence Mỹ Đình. Ảnh: Vân Hằng.

Nhân viên môi giới sàn Danko Group đang tư vấn khách hàng đặt cọc 100 triệu đồng cho dự án Florence Mỹ Đình. Ảnh: Vân Hằng.

Khi phóng viên thử “chấm” căn R11208 có diện tích 81,67m2, “cò” N. báo giá 2,64 tỷ đồng và tư vấn quy trình giữ chỗ. Theo đó, người mua nhà đặt cọc ngay 100 triệu đồng cho sàn Danko Group. Khi chủ đầu tư mở bán chính thức sẽ được chuyển thành số tiền mua nhà đợt 1 trong hợp đồng mua bán (HĐMB).

Trước nguyện vọng muốn con số đặt cọc thấp hơn từ người mua, N. cho hay: “Các khách hàng khác đều phải nộp số tiền như chị, không có ngoại lệ”.

Kết thúc cuộc trao đổi, phóng viên mong muốn tiếp cận các giấy tờ như giấy ủy quyền phân phối giữa chủ đầu tư và sàn Danko Group, quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công, giấy phép xây dựng, giấy thẩm định đủ tiêu chuẩn chào bán căn hộ tương lai tại dự án Florence của Sở Xây dựng Hà Nội… nhưng N. từ chối cung cấp. Theo “cò” này, nguyên nhân là bởi một số yếu tố cần bảo mật, ra Tết các hồ sơ này mới được công khai công bố.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top