Năm 2007 khu nhà 148-150 Sơn Tây, Hà Nội được đánh giá là nhà nguy hiểm phải cải tạo. Sở TNMT & Nhà đất đã trình UBND thành phố Hà Nội ra quyết định, sau đó chỉ định chủ đầu tư tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, nghiên cứu qui hoạch để lập dự án cải tạo xây dựng lại khu nhà nguy hiểm này. Như vậy từ năm 2007 khu nhà 148-150 Sơn Tây (Hà Nội) đã được đánh giá là nguy hiểm phải cải tạo, nhưng không hiểu tại sao đến cuối năm 2008 vẫn cấp sổ đỏ cho người dân?
Chị Nguyễn Thị Bảo Hoa, người dân sở hữu 2 căn phòng tại tầng 2 tòa nhà 148 – 150 Sơn Tây, cho biết: “Khu nhà 148-150 Sơn Tây, sau giải phóng được phân cho cán bộ công nhân viên, đến năm 2001, gia đình tôi có mua lại 2 căn hộ từ người chủ cũ và nhận bàn giao hợp đồng thuê nhà. Thời điểm này khu nhà có hơn 20 hộ dân đang sinh sống.
Sau khi tiến hành làm các thủ tục theo quy định, tháng 12/2008, cả 2 căn hộ của tôi ở số nhà 148 và số nhà 150 phố Sơn Tây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ).
Cũng theo chị Hoa: “Cuối tháng 5/2009, một phần nhỏ mái ngói bên số nhà 148 bị sập, lúc đó vào buổi trưa, thấy không có vấn đề gì nghiêm trọng nên tôi vẫn đi làm bình thường. Đến18h cùng ngày, vừa đi làm về đã thấy cả khu nhà bị căng dây, chốt chặn không cho mọi người ra vào với lý do nhà nguy hiểm, đồng thời cả khu nhà đã bị cắt điện, cắt nước, di dời toàn dộ các gia đình đang sống tại khu nhà 148 - 150 Sơn Tây đến nơi tạm cư.
Gia đình tôi và gia đình anh Hưng, chị Hảo không đồng ý di dời đến nơi tạm cư mà ở lại chính trong căn phòng của nhà mình, lý do bởi 2 căn hộ của gia đình tôi, cũng như của 2 hộ khác không bị sạt mái, tường không bị nứt, không nguy hiểm, có sổ đỏ. Chúng tôi đã ở lại cho đến tận bây giờ”.
Chị Hoa băn khoăn: “Tháng 12/2008 hai căn hộ của gia đình tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nhưng đến tháng 5/2019, tức là sau 5 tháng gia đình tôi lại bị yêu cầu di dời vì đó là nhà nguy hiểm. Người ký sổ đỏ cũng chính là người ký quyết định cưỡng chế nhà tôi. Trong trường hợp này gia đình tôi phải hiểu thế nào cho đúng, nếu đã là nhà nguy hiểm sao vẫn cấp sổ đỏ cho gia đình tôi?”.
Chị Hoa nói: “Gia đình tôi cũng như các hộ còn lại rất hợp tác với chính quyền, tuân thủ pháp luật, và cũng rất mong muốn khu nhà được xây mới để chúng tôi có được căn hộ khang trang hơn. Chúng tôi rất muốn biết nếu di dời đến nơi tạm cư thì bao giờ chúng tôi được quay về, phương án đền bù ra sao, và phương án đó của chủ đầu tư phải được chính quyền bảo đảm, xác nhận tính pháp lý, lúc đó chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng. Còn nếu mọi thông tin chưa rõ ràng, chúng tôi sẽ không di dời”.
Mọi rắc rối từ đâu
Cuối năm 2009, quận Ba Đình đã ra quyết định cưỡng chế di dời 3 gia đình trên khỏi khu nhà nguy hiểm148-150 Sơn Tây (Hà Nội), sau đó lùi thời hạn để đối thoại với dân, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được.
Theo tìm hiểu, cụ thể ở khu nhà 148-150 Sơn Tây hiện đan xen nhiều cấp độ sở hữu. Trong số 21 căn hộ, có 5 căn đã được cấp số đỏ, 5 căn đã được chủ nhà nộp tiền mua theo Nghị định 61/CP, còn 11 căn chủ hộ thuê theo hợp đồng. Đây chính là nguyên nhân làm khó cho cả chủ đầu tư và các hộ dân khi đi đến thống nhất với nhau.
Hộ ông Hưng cho rằng mình có sổ đỏ rồi mà quyền lợi chỉ như các hộ đang thuê theo hợp đồng là không hợp lý. Hộ bà Hảo được giao hẳn một thửa đất gần 31m2, nhưng trong sổ đỏ ghi là sở hữu chung và nằm gọn trong một thửa đất 282,6m2 mà toàn bộ khu nhà 148-150 Sơn Tây toạ lạc trên đó.
Các hộ khác trong khu nhà khi được cấp sổ đỏ lại được ghi là sử dụng chung cả diện tích gần 31m2 của nhà bà Hảo. Sự chồng chéo, không rõ ràng giữa sở hữu riêng, chung ấy dẫn đến tình trạng cả chủ đầu tư và người dân đều khó đi đến đáp án chung.
Chủ trương bán nhà theo Nghị định 61/CP và cải tạo các khu chung cư cũ nát theo Nghị quyết 34 của Chính phủ đều vì lợi ích của toàn xã hội, của mỗi cộng đồng và từng người dân. Vấn đề bây giờ cần được giải quyết hài hòa lợi ích, bằng thiện chí của cả nhà đầu tư và từng hộ dân.
Cần phải hài hoà 3 nhóm lợi ích
GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phân tích: “Suốt 20 năm qua, chỉ có 1% số nhà chung cư cũ nát ở Hà Nội được cải tạo, sửa chữa do có mấy “nút thắt” dẫn tới những vướng mắc trong vấn đề này.
Theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Quy định này gần như không thể thực hiện được trong thực tế là một rào cản lớn trong việc cải tạo, sửa chữa nhà chung cư cũ nát.
Cách thức để mang lại lợi ích cho chủ đầu tư bỏ tiền ra cải tạo chung cư cũ trong nội đô, các khu chung cư không được xây cao tầng. Việc này khiến các chủ đầu tư bị giảm sút nhiều lợi ích và e ngại không muốn bỏ tiền vào đầu tư cải tạo chung cư cũ”.
Theo GS Đặng Hùng Võ: "Để cải tạo chung cư cũ nát, việc xã hội hoá thôi chưa đủ mà cần phải hài hoà 3 nhóm lợi ích trong vấn đề này đó là người dân, doanh nghiệp và thành phố. Để hài hòa lợi ích giữa các nhóm nêu trên cần có khung pháp luật để chứa đựng các giải pháp này.
Về việc điều phối lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân đang sinh sống tại các chung cư cũ, cần hướng đến cân đối một cách công bằng, minh bạch sao cho các bên đều thấy rõ lợi ích của nhau. Điều này sẽ phụ thuộc vào phương án cải tạo của chủ đầu tư dự án bỏ ra”.
GS Đặng Hùng Võ, nói: “Còn về phần cư dân, họ phải thấy được lợi ích khi có căn hộ mới tiện nghi, phần diện tích được cơi nới rộng hơn. Khi điều hòa được lợi ích giữa chủ đầu tư và cư dân thì nút thắt sẽ được hoá giải.
Một trong những vướng mắc lớn từ phía người dân hiện nay đó là chính sách đền bù, hỗ trợ, mọi thông tin rõ ràng ngày di dời cũng như ngày trở lại nhận căn hộ mới. Người dân lo lắng về câu chuyện “đi dễ, khó về”. Do vậy, việc tái định cư phải được tái định cư tại chung cư được cải tạo chứ không phải tại một địa điểm khác. Bên cạnh đó, những chi phí phát sinh khác do quá trình phải đi thuê nhà ở, tái định cư tạm thời phải được thoả thuận, đền bù để đảm bảo quyền lợi cho người dân”.
Nhưng hình ảnh tại khu nhà 148- 150 phố Sơn tây: