Theo Kế hoạch số 94/KH-UBND mà UBND TP. Hà Nội mới ban hành, giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 6.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các nhóm đối tượng chính sách.
Trong đó, ưu tiên các nhóm đặc thù như: người nghèo, người yếu thế, người lao động bị mất/chưa có việc làm và người lao động mất việc do sắp xếp lại địa giới hành chính, người chấp hành xong án phạt tù; học sinh, sinh viên, hộ dân cần vốn cải thiện điều kiện vệ sinh, nước sạch và nhà ở xã hội.
Kế hoạch cũng nêu rõ, tín dụng chính sách xã hội là giải pháp sáng tạo, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và từng địa phương. Do đó, các Sở, ngành, cơ quan liên quan; UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phải nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Đó là động lực, nguồn lực để những người thụ hưởng chính sách xã hội tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
UBND Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì tham mưu bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác. Sở Nội vụ chủ trì công tác rà soát nhu cầu vay. Các Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an thành phố, Sở Xây dựng… phối hợp tham mưu cơ chế, chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng chính sách xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm giao dịch cấp xã; tăng cường số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải ngân vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp và tổ chức nhận ủy thác để đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả, kịp thời, an toàn và minh bạch.

Hà Nội sẽ chi 6.000 tỷ đồng ngân sách tín dụng xã hội. (Ảnh minh họa)
Việc Hà Nội lên kế hoạch bố trí nguồn ngân sách lớn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các đối tượng chính sách ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau là tin vui với nhiều người, nhất là với những người có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội trong bối cảnh giá nhà tăng cao như hiện nay.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất vay hợp lý vẫn là một trong những thách thức lớn đối với nhiều người lao động. Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (nay đã được nâng lên 145.000 tỷ đồng) cho vay mua nhà ở xã hội đang triển khai chậm. Theo báo cáo mới nhất, tính đến hết tháng 2/2025, tổng số tiền giải ngân của gói tín dụng này là 2.845 tỷ đồng, tương đương 2,37% tổng quy mô gói tín dụng. Ngoài việc nhà ở xã hội đang hạn chế nguồn cung, người lao động cũng lo ngại lãi suất cao nên không dám vay vốn.
Vì vậy, ngày 27/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có văn bản số 178/TTg-CN, yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung và tín dụng bất động sản nói riêng.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, để chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Cùng với đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, vay vốn, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân...
Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn, chuyên gia cũng chỉ ra, điểm mấu chốt tiếp theo là có phương án tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Nhất là trong bối cảnh nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân vẫn còn hạn chế, nhất là người thu nhập thấp, người trẻ. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở, hướng đến việc tăng nguồn cung, phát triển nhà ở giá rẻ bền vững./.