Gia đình bà Huyền đã chuyển về sinh sống tại khu đất dịch vụ thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội được 4 năm. Đồng nghĩa với việc, 4 năm nay gia đình bà phải tự xoay sở để có được nguồn điện, nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt thường ngày.
"Chúng tôi đã đóng đầy đủ phí hạ tầng 810.000 đồng/m2 rất nhiều năm nay rồi. Chúng tôi cũng thấy có thấy người đến thi công lắp đặt các thiết bị như bốt điện, đường cáp ngầm để có thể kết nối điện nhưng khi hỏi bao giờ có điện thì câu trả lời nhiều lần vẫn chỉ là "sắp có cô ạ". "Sắp có" là đến bao giờ chúng tôi chẳng biết nữa", bà Huyền bức xúc.
Đất dịch vụ là loại đất được cấp từ việc thu hồi từ 30% quyền sử dụng đất nông nghiệp trên tổng số đất nông nghiệp hộ gia đình đang sử dụng, để thực hiện các dự án của Nhà nước. Loại đất này có vị trí giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán, hoặc để ở lâu dài, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình địa phương, bảo đảm an dân.
Chia sẻ với PV, hiện các hộ dân phải đi mua nước sạch dẫn từ các hộ dân khác trong làng với mức giá cao hơn rất nhiều. Anh Nguyễn Văn Hường (người dân tại Khu đất dịch vụ X2 xã Song Phương) cho biết: "Nhà tôi phải tự kéo nước với hộ dân quanh làng về để sinh hoạt, với mức giá 35.000 đồng/m3. Ở đây chúng tôi không khoan giếng được vì vị trí ngay cạnh nghĩa trang, nguồn nước không đảm bảo, dù có xử lý lọc nhiều lần nhưng nước vẫn vàng, đục, hôi tanh".
Không chỉ vấn đề về nước sạch, nguồn điện chiếu sáng cũng là một mối lo của rất nhiều hộ dân: "Chúng tôi sống tại Thủ đô mà điện phải đi đấu nối nhờ, may còn được cho nối chứ nếu không chúng tôi phải sống trong cảnh đèn dầu, thắp nến. Vào mùa hè, chúng tôi không dám dùng điều hoà, vì nếu dùng sẽ bị quá tải. Vì phụ thuộc vào các hộ cho đấu nối nhờ nên mức chi phí cũng cao hơn, được tính với mức giá kinh doanh lên tới hơn 6.500 đồng/kWh. Chúng tôi như đang bị bỏ rơi giữa Thủ đô, người dân ra khu này ở xác định phải tự túc và tốn kém", anh Nguyễn Văn Hường chia sẻ.
Cũng thuộc diện được cấp đất dịch vụ tại khu đất dịch vụ X2, xã Song Phương, bà Thu (64 tuổi) cho hay: "Năm 2005, Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp của chúng tôi để làm đường. Khi đó, cá nhân tôi thấy rất vui mừng vì có được quyền lợi được cấp đất dịch vụ, ổn định cuộc sống mới. Thế nhưng chuyển ra đây ở mới thấy khó khăn nhường nào. Vì kéo nhờ điện, nước nên đành phải phải trả với giá theo giá kinh doanh. Khu đất lại ở cạnh nghĩa trang, gần mương tiêu của cả huyện nên việc khai thác nước ngầm là không thể".
Cột điện tự dựng, dây điện được móc nối chằng chịt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. (Ảnh: Thảo Bùi)
Để có điện, người dân phải tự mua dây diện, tự tạo dựng cột điện, mua đồng hồ đo đếm để mua điện. Vì mang tính tự phát, nên những đường dây điện được móc nối tạm bợ, chằng chịt có thể dẫn đến nguy cơ quá tải, cháy nổ bất cứ lúc nào. Những cột điện bằng thép, bằng tre đổ nghiêng, dây diện "đánh võng" xuống thấp tiềm ẩn nhiều sự nguy hiểm, mất an toàn điện cho người dân, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
Dù hệ thống điện chiếu sáng gồm cột điện, bóng điện, tủ điện,… đã được lắp đặt đầy đủ tại các vị trí, nhưng vẫn chưa một lần được thắp sáng. Ngoài vấn đề thiếu điện, nước, nguy cơ mất an ninh tại các khu đất dịch vụ cũng đang là nỗi lo lớn đối với người dân. Nhiều đối tượng đã lấy trộm nắp hố ga, gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân.
Hệ thống bốt điện, cột điện đã được xây dựng, lắp đặt. Tuy nhiên, những cột điện chưa một lần được thắp sáng. (Ảnh: Thảo Bùi)
Trên địa bàn huyện Hoài Ðức hiện có khoảng 46 khu đất dịch vụ. Không chỉ khu đất dịch vụ tại xã Song Phương mà còn nhiều khu đất dịch vụ khác vẫn trong tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém như vậy. Nằm trên vị trí thuận lợi, kinh doanh sầm uất nhưng những người dân thuộc khu đất dịch vụ Đồng Mới cũng phải đi đấu nối nhờ đường điện và đường nước.
Ông Nguyễn Quang Thọ (Khu đất dịch vụ Đồng Mới, xã An Khánh, huyện Hoài Đức) cho hay: "Con trai tôi đầu tư kinh doanh ngay mặt đường lớn, mấy ai tin rằng điện nước khó khăn đâu. Gia đình phải tự khoan giếng để phục vụ công việc là làm dịch vụ rửa xe. Để có nước sạch sử dụng sinh hoạt phải đầu tư hệ thống lọc hơn 40 triệu đồng nữa. Khu đất bao quanh bởi nhiều bãi rác rất ô nhiễm, dù đã phản ánh nhiều lần nhưng những kiến nghị của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết".
Bất lực trước khó khăn, gia đình Thọ đành phải tự trấn an rằng: "Đã đóng tiền hạ tầng rồi, trước sau gì họ cũng phải làm thôi, mình cứ hy vọng là như vậy".
Điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân nhưng các hộ dân tại đây vẫn phải sống trong tình cảnh tốn kém và chờ đợi. Trong khi đó, Hoài Đức là một huyện nằm cận kề với trung tâm TP. Hà Nội, huyện cũng đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để trở thành quận.
Và không chỉ Hoài Đức, ngay giữa quận Hà Đông cũng xảy ra tình trạng tương tự nhiều năm nay. Sau khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án cụm công nghiệp Đồng Mai, hàng loạt hộ dân được tái định cư chuyển về sống ở Khu đất Dịch vụ Đồng Mai (quận Hà Đông, TP. Hà Nội).
Theo tìm hiểu, khi chuyển về Dự án Khu đất dịch vụ Đồng Mai, mỗi hộ dân đã nộp hơn 80 triệu đồng tiền xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đã được quận Hà Đông bàn giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng…, nhưng đã hơn 10 năm, các hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp điện sinh hoạt như cam kết.
Thật khó tin khi ngay giữa Thủ đô, con em của nhiều hộ dân tại khu đất dịch vụ Đồng Mai vẫn phải thắp đèn dầu để học bài. Theo phản ánh của người dân, mặc dù đã nhiều lần viết đơn kiến nghị với chính quyền và ngành điện địa phương, thế nhưng gần 10 năm nay họ gần như bị "làm ngơ".
Vấn đề này diễn ra đang kéo theo rất nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân. Các hộ dân mong muốn các đơn vị có liên quan sớm vào cuộc, cung cấp điện nước, hoàn thiện hạ tầng để người dân sớm ổn định cuộc sống.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi có thể chuyển đổi nghề nghiệp ổn định cuộc sống, TP. Hà Nội đã thực hiện chính sách cấp đất dịch vụ cho các hộ dân. Đây là cơ chế hỗ trợ chứ không phải bồi thường. Đất dịch vụ không có quy định cụ thể rằng phải đảm bảo diện tích, cơ sở hạ tầng ra sao. Những điều này thuộc về quyết định của từng địa phương chứ không có quy định cụ thể.
Có lẽ vì không có tiêu chí bắt buộc cụ thể nên việc đảm bảo các hạ tầng cho nhiều khu đất dịch vụ đang bị "lãng quên". Theo phản ánh của báo chí, nhiều lời hứa từ phía chính quyền địa phương đã được đưa ra trong việc hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, điện, nước đảm bảo sinh hoạt cho người dân trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến hiện tại, người dân tại các khu đất dịch vụ nói trên vẫn phải tiếp tục chờ đơi. Không can thiệp được để thúc đẩy tiến độ với bên điện lực; không tìm được đơn vị cung cấp nước sạch muốn vào đầu tư hạ tầng đường nước vì chi phí cao.... là những lý do được đưa ra.
Theo quan sát của phóng viên, trên nhiều khu đất dịch vụ hiện nay, tỷ lệ lấp đầy còn thấp, thậm chí bỏ trống khiến cây cỏ mọc um tùm, người dân tận dụng chăn thả gia súc. Nhiều ngôi nhà đã được xây lên nhưng chưa đưa vào sử dụng.
Đất dịch vụ là một chính sách nhân văn, được quy hoạch ở các vị trí thuận lợi để người dân có thể dễ dàng kinh doanh, buôn bán chuyển đổi nghề nghiệp, tạo ra "cần câu" cho người dân, nhưng nếu không có điện, nước thì người dân không để cải thiện cuộc sống như mục tiêu ban đầu.
Dù đã được phản ánh rất nhiều năm qua, nhưng số phận của những khu đất dịch vụ này vẫn còn phải trông chờ vào trách nhiệm xử lý và sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo đời sống, an sinh cho người dân. Khi trách nhiệm chưa được làm rõ, câu hỏi bao giờ có điện, nước tại đây sẽ tiếp tục bị bỏ ngỏ câu trả lời./.