Aa

Hà Nội, Tết và hoa

Thứ Sáu, 01/02/2019 - 06:00

Đi miền núi nhiều, tôi biết, đa phần đào rừng thuộc về dân miền núi trồng. Họ trồng thành vườn kiểu như trồng mận. Trước đây thu hoạch quả nhưng khi mốt chơi đào rừng của người Hà Nội rộ lên thì họ tỉa cành, thậm chí là chặt cây để bán. Với người dân không thể trách họ được bởi đó là lợi nhuận, là mưu sinh. Cũng cần nói thêm là đào năm nào cũng phải tỉa cành thì cây mới sinh trưởng tốt được.

Tết không thể không nói đến hoa, bởi thiếu hoa thì chẳng còn là tết. Hà Nội càng là nơi hoa được nhắc đến nhiều nhất bởi những đặc trưng chỉ riêng Hà Nội có. Đó là đào và quất. Nổi tiếng nhất là làng đào Nhật Tân, quất Quảng Bá và các làng Phú Thượng, Nghi Tàm, Tứ Liên xen cả đào, quất và các loại hoa khác. Tiếc là công cuộc đô thị hóa đã biến phần lớn làng đào Nhật Tân, Quảng Bá thành các khu nhà ở cao cấp. Nhưng may thay đào, quất còn biết đường tiến ra đồng bãi sông Hồng để không bị tuyệt diệt. Mạn Tây Hồ hiện nay với các làng truyền thống vừa kể vẫn là vựa hoa cung cấp cho Hà Nội ngày Tết. Chưa kể những vùng ngoại thành khác đặc biệt là bên kia sông Hồng, đất Văn Giang của Hưng Yên đã du nhập canh tác đào, quất nhiều năm nay để cạnh tranh với đào quất chính thống Hà Nội.

Nói đến Tết thì cái thú chơi hoa đã ngấm vào máu người Hà Nội. Dạo những năm bảy, tám mươi thế kỷ trước, lứa tuổi tôi đôi, ba chục, Tết đến hay rủ người yêu, bạn bè, chồng vợ đi chơi chợ hoa. Hàng Lược là chợ hoa tiêu biểu. Chợ được hình thành chiếm hẳn cả đường phố Hàng Lược và vài phố lân cận, lấn luôn cả vườn hoa Hàng Đậu để bày bán hoa. Chủ  yếu là đào, quất. Cả chợ cơ man người là người dàn thành hàng, trên tay cầm cành đào rao bán. Người mua lũ lượt diễu qua, xúm lại xem xét, mặc cả rất vui. Chợ hoa được bắt đầu chính thức từ sau rằm tháng chạp cho đến tận đêm 30 Tết, tràn cả đến khắc giao thừa. Đi chợ hoa ngoài việc sắm sửa hoa cắm ở nhà còn là dịp đi ngắm hoa, ngắm người. Chả Tết nào tôi không quanh quẩn cả ngày giời ở chợ hoa nhìn ngắm, mặc cả. Chọn được cành đào ưng ý, hợp túi tiền và sở thích, rất mất thời gian và hình như nó còn phụ thuộc vào cái duyên nữa. Thú vui này kéo đến tận bây giờ. Nhưng cũng phải nói thực, chợ hoa Hàng Lược giờ không hấp dẫn được như trước nữa và thường thì nó không đông khách và tàn sớm.

Hà Nội giờ đã mở rộng và dân đông gấp nhiều lần. Nhu cầu hoa Tết khiến nhiều đường phố trở thành chợ hoa. Đường Âu Cơ có chợ hoa Quảng Bá. Rồi chợ hoa Lạc Long Quân. Không thể không nhắc đến chợ hoa Hoàng Hoa Thám, còn gọi tên khác là chợ hoa đường Bưởi. Mạn Kim Ngưu và cả khúc phố Tam Trinh đoạn nhà máy cơ khí Mai Động cũ nhiều năm nay chính thức là chợ hoa lớn nhất nhì Hà Nội. Ra phía ngoại thành có chợ hoa Tây Tựu, Mê Linh. Vườn hoa Hà Đông cũng là điểm hoa Tết tin cậy. Đấy là chưa kể đến những chợ hoa cóc được nhóm họp ở bất cứ chỗ nào. Hoa Tết tràn cả vào sân các khu tập thể, chung cư, vào các xóm trọ phục vụ tận nhà.

Duyên dáng làng hoa Hà Nội.

Duyên dáng làng hoa Hà Nội.

Hoa Tết còn là cái sự thú ở cách chơi. Tôi còn nhớ tối ba mươi Tết dạo đó khi Ngọc Hà còn là làng hoa với bạt ngàn rãnh luống sặc sỡ hoa đủ màu, các cặp trẻ yêu đương lai nhau bằng xe đạp vào tận nơi trồng để chọn hoa vườn tươi thắm, thích bông nào mặc cả mua cắt tặng nhau bông đó. Các nhà chơi hoa Tết lúc đó thường đơn giản. Hoa hồng, lay ơn được cắm lọ riêng. Đa phần các gia đình chơi lọ hoa Tết giống nhau là bình hoa hỗn hợp gồm violet tím làm nền để các loại hoa khác cắm xen như đồng tiền đơn, thược dược, hoa bướm và vài bông lay ơn tô điểm. Có thể cắm thêm hoa hồng hoặc một vài thứ hoa khác, song chủ yếu chỉ là mấy loại hoa trên. Người cầu kỳ thì chơi thủy tiên. Loại hoa này còn phổ biến đến tận ngày nay. Đào dạo đó chủ yếu là cành và cũng xinh xinh nho nhỏ. Sau này mới rộ lên chơi đào thế, đào cây và đặc biệt là đào rừng. Đào thế, đào cây không phải ai cũng chơi được. Nó được trồng công phu mất thời gian nhiều năm và rất đắt. Thế nên mới có mốt cho thuê đào chơi Tết. Tiện cả đôi bên. Người chơi vừa có đào Tết thưởng thức vừa rẻ hơn mua đứt lại không phải mất công vận chuyển đi khi đào tàn hết Tết. Có cầu khắc có cung, bây giờ còn có dịch vụ chăm sóc đào sau Tết. Nghĩa là ai chơi đào cây xong thì thuê chủ vườn chở về chăm sóc. Giá rẻ nhất cũng là tiền triệu. Nhà vườn chăm sóc đến Tết sau lại chở đến cho gia chủ. Quất vẫn như truyền thống, có chút cải tiến là quất nhỏ kiểu bon sai chơi cảnh và quất thế nhiều tầng nhiều tán chủ yếu dành cho nhà giầu và công sở. Một số loại hoa đắt tiền được du nhập. Hoa lan giờ tràn ngập Hà Nội. Có chậu lan to cấy nhiều bông với giá cả trăm triệu đồng. Lan rừng cũng nô nức tiến vào thành phố. Hoa ở thời hiện đại cũng đã trở thành món quà biếu giá trị. Tất nhiên người ta biếu lan vườn, lan rừng và các loại hoa đắt tiền tùy vào từng mục đích.

Nói đến đào rừng đây là cả một vấn đề nan giải. Truyền thông tết này lên án nhiều thú chơi được gọi là triệt phá rừng này. Tôi công nhận đào rừng đẹp. Đào rừng loại thông thường hoa nhỏ phớt hồng, cánh mỏng đẹp mong manh và bền. Giá cả cũng không đắt lắm chỉ vài trăm ngàn cành nếu mua trực tiếp ở Mộc Châu, Lạng Sơn… Loại đào núi đá thân gộc, xám mốc và nụ to, bông mẩy nở màu đỏ thắm rất đẹp. Đi miền núi nhiều, tôi biết, đa phần đào rừng thuộc về dân miền núi trồng. Họ trồng thành vườn kiểu như trồng mận. Trước đây thu hoạch quả nhưng khi mốt chơi đào rừng của người Hà Nội rộ lên thì họ tỉa cành thậm chí là chặt cây để bán. Với người dân không thể trách họ được bởi đó là lợi nhuận, là mưu sinh. Cũng cần nói thêm là đào năm nào cũng phải tỉa cành thì cây mới sinh trưởng tốt được. Việc quy kết phá rừng có khí nặng nề đối với đào người dân trồng. Nó chỉ đúng với đào núi. Loại đào này mọc tự nhiên sâu trong núi nên tìm được nó và chặt hạ hay bứng cây là rất công phu. Mang được đào núi về tới thành phố là cả một sự kỳ công. Thường những cây đào, cành đào này có giá cực đắt. Bỏ rẻ cành xấu cũng phải vài triệu, những cành lớn, cây đẹp thì hàng chục triệu là chuyện thường. Đẹp, hiếm và đắt thế nên đào núi tuyệt diệt là điều nhìn thấy trước ở một tương lai gần.

Lan man hoa tết Hà Nội có vô khối chuyện. Nhưng nói gì thì nói những cành đào, chậu quất, giò lan, lọ hồng…là những thứ không thể thiếu ngày Tết. Hay nói cách khác không có hoa bất thành Tết. Năm nay nhiều nhà quay trở lại bằng cách chọn chơi lọ hoa hỗn hợp thời bao cấp: violet, đồng tiền, lay ơn, thược dược, hoa bướm. Hoài cổ âu cũng là một cái thú chơi hoa rất riêng của người Hà Nội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top