Aa

Hàng nghìn mét vuông đất khai hoang của người tâm thần bị đem bán đấu giá

Thứ Hai, 11/05/2020 - 16:32

Mảnh đất rộng cả nghìn mét vuông do gia đình ông Sử (bị mắc bệnh tâm thần, thần kinh) và bà Thông khai hoang bỗng dưng bị mang đi bán đấu giá.

Một thống kê rất đáng chú ý của Thanh tra Chính phủ cho thấy, phần lớn đơn khiếu nại, tố cáo liên quan tới lĩnh vực đất đai, trong đó, có nhiều vụ việc tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng” nếu không được giải quyết dứt điểm. Riêng tại Thanh Hóa, năm 2019, số lượng khởi tố các vụ vi phạm liên quan tới đất đai nhiều nhất trong lịch sử. Quá trình giải quyết vụ việc khá phức tạp bởi liên quan tới nhiều người, cả người có thẩm quyền và người có trách nhiệm. Những vụ việc diễn ra trên thực tế đã trở thành bài học đắt giá trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nói trên. Đặc biệt, vụ việc cán bộ thuộc huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) lấy cả nghìn mét vuông đất khai hoang của người bị tâm thần đi bán đấu giá là một minh chứng điển hình.

Cán bộ lấy cả nghìn mét vuông đất khai hoang của người tâm thần đi bán đấu giá

Gia đình ông Lê Công Sử (bị bệnh thần kinh và tâm thần) và bà Lê Thị Thông phản ánh sự việc: Vợ chồng ông bà có khu đất khai hoang trước năm 1990, rộng 1.790m2 đất tại thôn Phú Ninh (xã Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hóa). Năm 1994, UBND xã Quảng Yên làm thủ tục cấp có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho gia đình bà Thông, ông Sử với diện tích 390m2, trong đó có 200m2 đất ở, 190m2 đất vườn. Số diện tích 1.400m2 đất khai hoang bà Thông, ông Sử tiếp tục quản lý sử dụng.

Đến năm 2014, UBND xã Quảng Yên chuyển toàn bộ diện tích 1.400m2 đất của ông Sử, bà Thông khai hoang thành đất công ích do xã quản lý, đồng thời, lập tờ trình về việc thu hồi đất để chuyển sang đất ở xen cư trình UBND huyện Quảng Xương xác nhận toàn bộ diện tích khu đất này là đất công ích của xã để làm cơ sở cho hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện kiểm kê.

Năm 2018, UBND xã Quảng Yên tiến hành cưỡng chế, giải phóng mặt bằng đối với khu đất nói trên.

Ông Sử, người mắc bệnh thần kinh và tâm thần.

Để chứng minh diện tích đất nói trên do ông bà khai hoang, bà Thông cho hay, tại hiện trường vẫn còn tồn tại một giếng nước xây bỏ hoang trước năm 1990 và một số gốc cây còn lại trong đất đã bị xã cưỡng chế đốn hạ vào năm 2018. Diện tích đất này được ông bà sử dụng ổn định từ trước đến nay và không có tranh chấp. Một số nhân chứng cũng sẵn sàng đứng ra làm chứng, chứng minh thửa đất trên thuộc sở hữu hợp pháp của ông Sử, bà Thông.

Bức xúc trước việc làm trên, gia đình ông Sử cùng bà Thông đã nhiều tháng đội đơn, kêu cứu nhiều nơi, nhưng đến nay quyền lợi vẫn chưa được đảm bảo theo quy định. 

Các tài liệu của phóng viên có được cho thấy, tại bản đồ 299, bản đồ địa chính xã Quảng Yên lập năm 1985, thửa đất gia đình bà Thông, ông Sử khiếu nại thuộc một phần của thửa đất số 1013 tờ bản đồ số 6, loại đất hoang. Năm 1993, khu đất của gia đình bà Thông có vị trí thuộc thửa đất số 397, tờ bản đồ số 6, bản đồ địa chính xã Quảng Yên, ngày 15/1/1993 diện tích sử dụng 1.790m2 loại đất thổ cư; sổ đăng ký ruộng đất ngày 15/2/1993 mang tên chủ sử dụng là ông Lê Công Sử.

Năm 2002, thửa đất trên có vị trí thuộc thửa 155 tờ bản đồ số 6, bản đồ địa chính xã Quảng yên năm 2002 với diện tích 1.790m2. Sau đó ông Sử, bà Thông đã chuyển một phần diện tích đất này cho em trai là Lê Công Ngân.

Hồi tháng 9/2019, bà Thông (phải) đã trực tiếp gặp phóng viên Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam để gửi đơn khiếu nại.

Năm 2014, UBND xã Quảng Yên bỗng sáp nhập diện tích 1.400m2 đất tại thửa đất nói trên vào thửa số 128, tờ bản đồ số 16 bản đồ địa chính xã thành đất trồng cây lâu năm khác do UBND xã quản lý, đồng thời lập tờ trình thu hồi đất để chuyển sang quy hoạch đất xen cư và các mặt bằng quy hoạch. 

Theo đó, toàn bộ diện tích đất 1.400m2 do ông Sử, bà Thông khai hoang là đất trồng cây lâu năm do UBND xã quản lý, làm cơ sở cho hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện kiểm kê. Sau đó không lâu, UBND huyện Quảng Xương đã ban hành quyết định phê duyệt phương án đấu giá đất và phê duyệt quyết định trúng đấu giá…

Với quyết định này, toàn bộ diện tích đất khai hoang của vợ chồng ông Sử bà Thông bỗng dưng bị “sáp nhập” vào đất công ích mà không hề nhận được một đồng tiền bồi thường nào.

Cán bộ xã báo cáo không trung thực

Trả lời về vấn đề này, UBND huyện Quảng Xương cho rằng, thửa đất gia đình ông Sử và Thông đang có đơn khiếu nại thuộc đất khai hoang và đã được công nhận trong sổ đăng ký ruộng đất ngày 15/2/1993 tại thửa đất số 397, tờ bản đồ số 6, tờ bản đồ địa chính xã Quảng Yên với diện tích 1.790m2, loại đất thổ cư, chủ sử dụng là ông Lê Công Sử (chồng) và bà Lê Thị Thông (vợ).

Theo đó, thửa đất gia đình bà Thông, ông Sử khiếu nại đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời, khi Nhà nước thu hồi thì phải bồi thường về đất cho gia đình ông, bà. UBND huyện Quảng Xương cũng nói rõ, trách nhiệm sai phạm nêu trên thuộc về ông Lê Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên và ông Nguyễn Văn Tiến - công chức xã Quảng Yên giai đoạn 2013 - 2019.

Ông Sử và bà Thông cho hay, giếng nước là vật chứng khẳng định đất do ông bà khai hoang từ trước năm 1990. Ảnh: Phóng viên cùng bà Thông, ông Sử có mặt tại thửa đất do ông bà khai hoang.

UBND huyện Quảng Xương cũng thẳng thắn chỉ rõ vi phạm và coi đó là bài học về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện:

“UBND xã Quảng Yên không kiểm tra, xem xét đến nguồn gốc cũng như quá trình sử dụng đất của thửa đất đang khiếu nại mà tự ý giải phóng mặt bằng. Đồng thời xã báo cáo không trung thực, kịp thời vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng về UBND huyện, dẫn đến việc tranh chấp gây hậu quả không bàn giao được mặt bằng cho người trúng đấu giá, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của người trúng đấu giá cũng như người có đất được bồi thường giải phóng mặt bằng", quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Quảng Xương nêu.

UBND huyện Quảng Xương cũng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền, kiểm kê tài sản trên đất của bà Thông, ông Sử để bồi thường theo đúng quy định.

Về phần mình, bà Thông, ông Sử đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm của cán bộ tương xứng với sai phạm trong việc kiểm kê đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

"Đề nghị cấp chính quyền xử lý nghiêm hành vi ngang nhiên phá hoại tài sản của gia đình tôi (cây trồng trên đất). Mặt khác, chính quyền không có quyết định thu hồi đất, đền bù đất và tài sản trên đất mà xã đã ra thông báo giải phóng mặt bằng là hành vi gây thiệt hại cho gia đình tôi. Đồng thời cán bộ xã có dấu hiệu chèn ép, gây khó cho gia đình có người bị bệnh tâm thần trong quá trình xử lý vụ việc nêu trên” - bà Thông, ông Sử nêu trong đơn.

Trách nhiệm của cán bộ xã, huyện trong vụ việc lấy hàng nghìn mét vuông đất khai hoang của dân không đền bù sẽ được phóng viên đề cập trong bài viết tiếp theo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top