Cách đây gần hai năm, qua trang facebook của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh trên Thái Nguyên tôi được biết trường hợp cháu Hằng, một trẻ mồ côi cha mẹ từ lúc mới được vài tháng tuổi, được một người bác dâu của cháu là hộ nghèo trông nom nuôi dưỡng. Hằng bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ. Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt của cháu. Cô đơn. Hoang vắng. Và có gì đó như oán hận. Vâng, oán hận! Cháu có quyền oán hận cuộc đời này khi cháu phải sinh ra trong bệnh tật, mồ côi, đói nghèo.
Chị Quỳnh đứng ra kêu gọi mọi người giúp đỡ cháu. Nhiều người hưởng ứng.
Tôi cũng có góp một phần nhỏ nhoi. Rồi chị Quỳnh dẫn mọi người lên thăm nhà cháu trên Võ Nhai, đưa tiền, đưa quà. Tôi bận không lên được. Lòng tự hẹn có một ngày sẽ lên tận nơi để thăm. Tôi còn biết mỗi lần cháu Hằng bị những căn bệnh cơ hội hay trong cơ thể cháu con virut quái ác HIV nổi lên hoành hành làm cho sức khỏe suy sụp, phải nhập viện điều trị ở dưới thành phố Thái Nguyên thì vợ chồng chị Quỳnh lại đôn đáo chạy xin tài trợ của bạn bè, của các nhà hảo tâm để lo cho cháu. Không đủ thì bỏ tiền nhà ra bù vào.
Tôi biết vợ chồng Quỳnh - Quang cũng chả rảnh rang gì. Vợ làm tổng biên tập tờ báo Văn Nghệ Thái Nguyên lại thêm công tác hội. Chồng làm doanh nghiệp. Về kinh tế họ chắc cũng ổn, nhưng để được gọi là đại gia thì còn xa lắm. Vậy mà họ vẫn dành thời gian và tiền bạc cho cháu Hằng, một cô bé nghèo cô đơn bị nhiễm HIV đến từ một huyện vùng xa.
Tôi thì nhiều việc, nhiều mối quan tâm. Và có thêm cả cái thói vô tình hay quên nữa. Mặc dù tôi đã mấy lần định nhấc máy gọi vợ chồng Quỳnh - Quang để hỏi han tình hình cháu Hằng, để định ngày lên thăm. Thế mà cứ lần nữa đã gần hai năm.
Sáng chủ nhật vừa rồi (30/9), bạn bè rủ, lại sẵn có cả ô tô đón, tôi lên Thái Nguyên dự buổi ra mắt tập thơ Hai Phía Phù Sinh của Quỳnh. Ra mắt thơ thì vui. Rồi uống rượu. Vài chén vào, tôi và anh Quang ngồi nói chuyện. Đàn ông chúng tôi khi đã chạm cốc, uống được với nhau vài chén bỗng thấy thân thiết ngay. Cởi mở tấm lòng với nhau dễ dàng hơn. Anh Quang bảo: “Tối qua Quỳnh nhà tôi cứ vật vã không ngủ được ông ạ!”
- “Chắc là lâu mới in tập thơ, nay mới tổ chức ra mắt nên hồi hộp sao?”
- “Không phải thế. Là chuyện con cháu Hằng bị nhiễm HIV trên Võ Nhai ấy, nó mất hôm qua rồi!”.
Tôi lặng người. Nước mắt tự nhiên ứa ra rơi xuống chén rượu.
Quang cũng lặng người. Mắt đỏ hoe. Hai chúng tôi nhắm mắt lại nuốt nốt chỗ nước cay...
Quang kể, hai vợ chồng đã được các thầy thuốc cho biết, cháu không còn nhiều thời gian. Nên tháng trước cháu xuống thành phố. Tôi gặng hỏi mãi xem thích đi đâu, cháu mới bảo là chưa từng được vào siêu thị. Tôi bảo là để bác đưa đi, vào đó cháu thích gì cứ lấy thoải mái nhé. Và ông có biết không, con cháu Hằng ấy nó mua ba túi toàn đồ chơi. Đồ chơi của trẻ em!
Trời ơi. Tôi chợt nhớ ra cháu Hằng năm nay đã mười bảy tuổi. Mười bảy tuổi mới được đi siêu thị lần đầu. Mười bảy tuổi cháu mới được mua những thứ đồ chơi trẻ con đầu tiên. Và cũng mười bảy tuổi cháu đã lìa xa thế gian...
Tôi bỗng hiểu tại sao nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh lại viết nhiều về cái chết. Những cái chết ám ảnh. Chị đã định đặt tên tập thơ là, Sinh Tử kia. Thế rồi do một cơ duyên, cái tên, Hai Phía Phù Sinh ra đời. Ừ, cuộc đời vốn là cái gì đó phù phiếm mà. Ngay cả việc chúng ta sinh ra trên đời này hình như cũng là một sự ngẫu nhiên phù phiếm. Rồi chúng ta chết đi, tan biến khỏi thế giới này, trở thành cát bụi người trước người sau cũng thế cả thôi...
Vậy thì Hằng ơi, ta hy vọng những con vịt, con chó, con mèo, những thứ đồ chơi của trẻ thơ cháu được vợ chồng bác Quỳnh - Quang mua cho hôm nọ sẽ cùng cháu đi vào giấc ngủ ngàn thu. Sẽ làm cháu bớt cô đơn ở thế giới bên kia. Ở thế giới đó ta mong cháu sẽ được bù đắp tất cả những thiệt thòi đau đớn mà cháu phải chịu ở thế giới này. Còn tôi, thực sự đêm ấy không ngủ được. Tôi khóc cháu. Dù vẫn biết rằng những giọt nước mắt đến giờ chỉ là vô nghĩa mà thôi. Nhưng cứ nhìn ánh mắt ám ảnh của cháu Hằng, tôi lại không cầm được lòng mình...
Hằng ơi, cháu ngủ yên nhé.