Aa

Về ngày khai trường

Chủ Nhật, 09/09/2018 - 06:01

Đến trường khai giảng, được phát vở tập viết mới, sách giáo khoa, bút, thước... Cả bọn ngồi hít hà mùi giấy mới. Thơm. Cho đến bây giờ mỗi khi ngửi mùi thơm của giấy mới tôi vẫn bồi hồi nhớ lại buổi khai trường lớp một năm xưa.

Ngày xưa trường tôi học ở bên bãi sông. Cả trường cấp một và cấp hai. Mùa khai trường thường đúng dịp nước sông Đuống vừa rút. Hồi ấy chưa có thủy điện Sông Đà nên nước sông mùa lũ to kinh khủng. Một dòng nước đục ngầu đỏ quạch phù sa, sủi bọt phăng phăng trôi về phía biển. Đứng từ đê bên này nhìn sang đê bên kia rộng hàng cây số. Mênh mang. Lúc ấy con người cảm thấy thật nhỏ bé trước thiên nhiên...

Nước lũ rút, học sinh các lớp lớn thường được nhà trường gọi đi lao động quét dọn rửa bàn ghế, sân thềm, tường lớp đã bị bám đầy phù sa. Có năm nước to, ngập lút cả mái nhà, đến khi nước rút, phù sa bám vào trông như là ngói mới. Ngày ấy khai giảng hình như không cố định vào ngày mùng 5 tháng 9 như bây giờ. Nhưng cũng chỉ loanh quanh mấy ngày đầu tháng 9 mà thôi.

Học sinh Hà Nội khai giảng năm học mới sáng 5/9. (Ảnh Giadinhmoi)

Học sinh Hà Nội khai giảng năm học mới sáng 5/9. (Ảnh Giadinhmoi)

Tôi nhớ năm lớp một đi khai giảng, chúng tôi được cô giáo dạy vỡ lòng dẫn đi. Cả bọn trẻ lon ton theo cô đi qua cánh đồng nước vừa rút. Có những vũng nước to giữa đường, cô phải xốc nách từng đứa nhấc qua. Đến trường khai giảng, được phát vở tập viết mới, sách giáo khoa, bút, thước... Cả bọn ngồi hít hà mùi giấy mới. Thơm. Cho đến bây giờ mỗi khi ngửi mùi thơm của giấy mới tôi vẫn bồi hồi nhớ lại buổi khai trường lớp một năm xưa.

Theo năm tháng của đời học sinh, năm nào cũng có một lần khai giảng. Đủ cả mười năm phổ thông xưa. Đến hồi bọn tôi học cấp ba thì thường phải đi tập quân sự trước độ nửa tháng. Và lao động. Lao động thật sự chứ không đùa. Chúng tôi đã từng đi thồ gạch xây trường, đi đào hào, trồng cây xung quanh trường... Thế nhưng cũng phải tổ chức khai giảng xong thì mới bắt đầu học. Và cái mùi giấy mới của những buổi học đầu tiên lại trở về trong đời học sinh.

Sau này ra đời, đi học đại học, đi làm, lập gia đình, sinh con. Rồi đến khi con lớn của tôi 6 tuổi thì tôi lại được đi khai giảng. Nhưng với tư cách khách mời phụ huynh. Không biết do sao đó mà mỗi lớp mỗi trường hai con tôi theo học nhà trường luôn năn nỉ và mời tôi vào ban đại diện của cha mẹ học sinh. Khi ấy tôi là người làm kinh doanh nên cũng dễ tự bố trí thời gian công việc nên nhận lời tham gia. Thế nên hầu như cả mười mấy năm hai con theo học phổ thông là từng ấy năm tôi đi dự lễ khai giảng của các trường, từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông.

Học sinh vùng cao khai giảng năm học mới.

Học sinh vùng cao khai giảng năm học mới.

Lúc ấy tôi cũng chả nghĩ ngợi gì lắm.

Dịp gần đây, hình như ngày càng ngành giáo dục càng nhiều vấn đề hơn, tôi mới đâm ra hay xét nét. Quả thực là nhiều vấn đề! Ngay như cái chuyện khai giảng thôi cũng cơ man những vấn đề!

Ngày xưa tôi nhớ khai giảng ở các trường tôi học đơn giản lắm. Chào cờ. Hát quốc ca. Đọc năm điều Bác dạy gì đó. Thầy hiệu trưởng tuyên bố khai giảng. Thế là thầy trò nhận nhau, dắt nhau về lớp mình. Thế thôi.

Nay thì muôn trùng các thủ tục. Cờ hoa kèn trống vang lừng. Các ông lãnh đạo to nhỏ được mời lên đánh trống khai trường rất chi là oai vệ... Nói chung là rất nhiều trò. Kể không xiết. Thậm chí nhiều năm tôi còn thay mặt cho hội cha mẹ học sinh phát biểu nữa kia! Nghĩ lại mà thấy hãi quá!

Nhưng mà ngồi ngẫm một tí thì thấy đau đớn: Tại các trường học bây giờ ngay tại ngày khai giảng ngành giáo dục đã dạy luôn cho học sinh của mình một bài học về sự dối trá. Bởi thật ra các trường đã “khai trường, mở lớp” dạy chương trình chính khóa cả tháng nay rồi! Còn đâu gọi là ngày đầu tiên “khai giảng” nữa!

Thế nên hình như lâu rồi người ta bỏ không đọc thư cụ Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường. Mà người ta đọc thư hàng năm của ông chủ tịch nước gửi! Chắc đọc thư cụ Hồ thấy nó không ổn, bởi cụ viết: “Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên...” Mà thực ra thì trường nào cũng dạy, học cả tháng nay rồi!

Nhiều học sinh ở bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) phải chui túi nilon nhờ người lớn đưa qua suối lũ để đến trường khai giảng năm học mới. (Ảnh VOV)

Nhiều học sinh ở bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) phải chui túi nilon nhờ người lớn đưa qua suối lũ để đến trường khai giảng năm học mới. (Ảnh VOV)

Một trong những phương pháp cơ bản của giáo dục học sinh là nêu gương! Thì ngành giáo dục cả nước ta, ngay từ bước đầu tiên, khai giảng, đã nêu một tấm gương to đùng về cái sự dối trá! Dối từ trên dối xuống: Tùng tùng tùng... ông lãnh đạo to về một trường nào đó oai hùng đánh trống khai trường! Tùng tùng tùng... bác lãnh đạo nhỡ nào đó cũng đánh trống khai trường! Tùng tùng tùng... bác lãnh đạo nhỏ nhưng đứng đầu địa phương cũng đánh trống khai trường! Tùng tùng tùng... thầy hiệu trưởng trường nào đó không có lãnh đạo đến dự thì cũng tự đánh trống khai trường oai hùng không kém!

Cả nước ta ngày mùng 5 tháng 9 rộn ràng trống phách khai trường. Tùng tùng tùng! Rồi diễn văn “Hôm nay là ngày khai giảng...”. Có ai thấy ngại không nhỉ? Nêu một cái thói dối trá hiển nhiên giữa thanh thiên bạch nhật như thế mà cả nước vẫn cứ hân hoan. Hân hoan trong niềm dối trá. Những cái đó nó sẽ bình thản ăn sâu vào trí não học sinh. Chúng sẽ thấy rằng cái việc nói một đằng, làm một nẻo hình như là chuyện tất nhiên! Và chúng học ngay cái thói nói dối ấy từ trong trứng! Nhanh lắm...

Cho nên mấy hôm nay xem, đọc, nghe về cái sự rộn ràng khai giảng của nước ta mà tôi thật sự buồn. Bởi cái sự phô trương hình thức hão huyền và đầy dối trá. Cả nước hân hoan dối trá. Hình như chẳng ai biết ngượng. Có mấy người bạn ở nước ngoài thì kể với tôi rằng, khai trường bên họ đơn giản và đúng nghĩa của ngày đầu tiên đi học, đến trường: Thầy hiệu trưởng đón học sinh bằng vài lời phát biểu, sau đó các thầy cô đưa học sinh của mình về lớp. Xong. Thế thôi. Nhưng nó thật sự đúng nghĩa là ngày đầu tiên đi học/ giảng bài/ khai trường...

Thế nhưng ngày khai trường (danh nghĩa) năm nay không hẳn chỉ là những trò vè dối trá sáo rỗng buồn cười. Có cả niềm xúc động thật sự. Có ai không xúc động khi nhìn bức ảnh khai giảng bên bờ suối, giữa núi rừng hùng vĩ của một trường nào đó trên miền núi phía Bắc không?

Thú thực là tôi đã nghẹn lời rưng rưng khi nhìn bức ảnh đó trên facebook. Có nỗi đau đớn và niềm tự hào về con người và non sông đất nước Việt Nam hùng vĩ. Và sau đó là nảy sinh muôn vàn những cảm xúc đan xen. Mà tôi dám chắc cả triệu người khi nhìn bức ảnh đó cũng như tôi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top