Aa

Hàng tỷ cổ phiếu mới sắp lên sàn, nhà đầu tư nên lưu ý gì?

Thứ Hai, 17/05/2021 - 16:43

Với 8,6 tỷ cổ phiếu sắp chào sàn trong năm 2021, thị trường chứng khoán liệu có điều chỉnh và đâu là các yếu tố nhà đầu tư nên chú ý quan sát?

 

Nhiều doanh nghiệp chứng khoán sẽ nâng vốn chủ sở hữu trong năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp chứng khoán sẽ nâng vốn chủ sở hữu trong năm 2021.

Theo Fiin Pro, hiện có 69 doanh nghiệp lên kế hoạch tăng vốn bằng chào bán cho cổ đông hiện hữu, huy động vốn bằng chào bán riêng lẻ, chào bán cho cán bộ công nhân viên với tổng khối lượng lên tới hơn 8,6 tỷ cổ phiếu.

Trong số đó, có sự góp mặt của không ít các công ty chứng khoán (CTCK). Để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động ký quỹ, tự doanh cùng hoạt động khác, nhiều công ty chứng khoán lên kế hoạch huy động vốn bằng phát hành cổ phần.

Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) muốn huy động gần 1.100 tỷ đồng thông qua chào bán 109,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6:1 cho cổ đông. VNDirect (HNX: VND) tăng vốn tỷ lệ 1:1 thông qua chào bán 214,4 triệu cổ phiếu. Chứng khoán HSC (HoSE: HCM) sẽ phát hành 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 50%. Chứng khoán MB (HNX: MBS) dự kiến chào bán 70,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 7:3. Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: APS) có phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100%, tương ứng phát hành 39 triệu cổ phiếu...

Việc huy động vốn của các công ty chứng khoán được lý giải nhằm đảm bảo tỷ lệ trích lập dự phòng khi cho vay margin tăng cao trong thời qua. Và với tỷ lệ phát hành huy động vốn áp đảo của khối tạo lập thị trường này, liệu có dẫn tới rủi ro nào cho thị trường?

Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường CTCK KB Securities Việt Nam (KBSV), nhu cầu tăng vốn của các CTCK nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động cho vay margin. Đây là nhu cầu hoàn toàn bình thường, phù hợp bối cảnh thị trường hiện tại. Nếu xét giá trị giao dịch năm 2021 đã tăng rất mạnh so với năm 2020 và tăng gấp nhiều lần so với những năm trước đấy. Năm 2021, thị trường đã xuất hiện các phiên giao dịch tỷ đô, giá trị giao dịch vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng, trong khi đấy cách đây 3-4 năm giá trị giao dịch trên HNX đâu đó chỉ 5.000 tỷ đồng.

Với giá trị thị trường tăng mạnh, sẽ gây ra nhiều tác động. Đầu tiên là hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh có một thời gian trục trặc mà gần đây mới xử lý được. Về phía CTCK cũng cần phải cải thiện, nâng cấp hệ thống giao dịch, công nghệ, bộ đệm về vốn… để có thể mở rộng, đáp ứng được nhu cầu, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của TTCK. Vì thế nhu cầu tăng vốn hiện nay của các CTCK là dễ hiểu.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh khi phát hành cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc xem liệu cổ phiếu có thể phục hồi không. Ông Trần Đức Anh cho rằng mặc dù giá cổ phiều điều chỉnh nhưng nhà đầu tư được nhận lại lượng cổ phiếu trong tài khoản lại tăng. Như vậy về mặt kỹ thuật, giá cổ phiếu có điều chỉnh nhưng tài sản của nhà đầu tư không bị ảnh hưởng. Do vậy đây không phải yếu tố quá quan trọng mà nhà đầu tư cần cân nhắc khi lựa chọn cổ phiếu.

Về các yếu tố tác động lên thị trường trong thời gian tới, theo Giám đốc của KBSV, ở thời điểm hiện tại, biến động của thị trường nói chung đang ảnh hưởng bởi 2 yếu tố quan trọng nhất:

Thứ nhất, lạm phát, đi theo đó là biến động của lãi suất và sức khỏe nội tại của nền kinh tế. Kéo theo chính là sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

"Đã có một số lo ngại về vấn đề lạm phát, đặc biệt là số liệu lạm phát mới đây công bố ở Mỹ tăng trưởng 4.2-4.3% so với cùng kỳ năm ngoái, rõ ràng đây là con số rất cao. Tuy nhiên, lạm phát ở Việt Nam chúng ta phải chờ những con số được công bố trong 1-2 tháng tới mới có thể kết luận. Bởi quy mô kích thích kinh tế của chúng ta nhỏ hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Về cơ bản, các nhận định trên thị trường hiện tại vẫn thống nhất lạm phát trong năm nay sẽ nằm dưới 4%, như vậy sẽ không quá lo ngại việc lãi suất sẽ tăng mạnh do lo ngại lạm phát", Giám đốc của KBSV phân tích.

Thứ hai, bối cảnh vĩ mô hiện tại vẫn đang ủng hộ cho các doanh  nghiệp niêm yết mà chúng ta đã thấy ở trong quý 1 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đặc biệt trong các ngành như thép, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin … đã đạt được mức tăng trưởng rất cao. Dẫn tới sự tăng trưởng trong mặt bằng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này.

"Tôi cho rằng, trong 1-2 quý tới xu hướng tăng trưởng của các doanh nghiệp vẫn sẽ được duy trì, dòng tiền sẽ tiếp tục hướng đến các doanh nghiệp hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô , có thể phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội duy trì đà tăng để hỗ trợ thị trường chung. Nhà đầu tư có thể hướng đến những cổ phiếu mà kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong 1-2 quý tới." - ông Trần Đức Anh cho hay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top