Phê phán, đương nhiên là tích cực, là kỳ vọng báo hiệu một cái gì đấy rất mới, thuộc về tương lai, một cuộc lột xác… Và cũng đương nhiên phải là sự phê phán mà ở nút cực điểm của nó nảy sinh tiến bộ. Nghĩa là trong phê phán đã tiềm ẩn sự tiến bộ, chứ không phải phê phán để phủ định, triệt tiêu hoàn toàn.
Từ góc nhìn này, sẽ không thể chấp nhận một kiểu phê phán lấy được, phê phán để phê phán, phê phán làm sang, để tôn vinh mình, để lập danh… Tôi quả quyết như vậy là vì có một số vị mà ở bất cứ đâu, phát ngôn bằng miệng hay viết bài đăng báo, mà ta chỉ “thoáng qua” đã biết ngay anh ta sẽ nói gì và nói như thế nào.
Vì cho dù anh ta đề cập tới vấn đề gì đi nữa thì chí ít cũng phải chê, cũng phủ định, mà là phủ định sạch trơn, xổ toẹt tất cả. Ví như nói về chiếc xe đạp, thế nào anh ta cũng lấy ngay chiếc xe đạp Tàu từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước ra và phán, đại loại: “Màu sơn nhất quả đất, vành, xăm, xích, líp… đồ trong nước còn lâu mới theo kịp, xe trong nước là loại vứt đi, vừa mua về dùng được vài ngày đã cọc cạch”.
Nói về cái tã lót cho bé sơ sinh, anh ta bảo: “Cứ phải dùng hàng Thái Lan xịn…”. Bàn về tình hình văn học trong nước, anh ta tặc lưỡi: “Tớ chỉ đọc sách dịch, văn chương trong nước là cái ao làng, có đáng gì…”. Cứ thế, tôi chưa thấy anh thừa nhận bất cứ một thứ gì gọi là “của ta”, cho dù hàng Việt nam sản xuất hiện nay có mặt ở khắp thế giới, nhiều sản phẩm đã trở thành thương hiệu được người nước ngoài ưa chuộng.
Còn văn học Việt không ít tác phẩm dịch ra đủ các thứ tiếng, được bạn đọc chính các nước sở tại đánh giá rất cao (Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh chẳng hạn). Thế nhưng với anh ta thì tuốt tuồn tuột chẳng có gì, toàn thứ vớ vẩn cả, thứ bỏ đi cả…
Tại sao lại có tâm lý sùng cổ, sùng ngoại đến mụ mẫm, đến không còn phân biệt trắng đen, phải trái này? Xét về lịch sử, người Việt từng ngàn năm bị đô hộ, áp dặt, nô dịch, thành ra dân ta tự ăn sâu vào máu, thói quen từ suy nghĩ đến hành động cứ nhất nhất rập khuôn, học theo cái lối người ta định sẵn.
Cái của người khác đã thành mẫu mực, thành nếp rất khó sửa nên khó chấp nhận sự mới mẻ sáng tạo. Cho dù cái mới do chính người mình nghĩ ra, thực sự có giá trị, thực sự hữu ích (ấy là tôi chỉ phạm vi trong phong tục tập quán, trong lĩnh vực kinh tế và văn học nghệ thuật). Chả vậy mà khi nói hoặc viết về một vấn đề gì, người lớn thường hay răn dạy người trẻ rằng các cụ ta xưa nói thế này… truyền thống thế này, cổ nhân dạy rằng, ông Tây này, bà đầm kia từng nói…
Tôi không nói lời người xưa là sai nhưng cái gì cũng vin vào quá khứ, khăng khăng hướng tư duy con người về cái cũ đã được định sẵn hoặc hướng ra nước ngoài - cũng là cái đã được định sẵn - mà quên mất hiện tại trong nước, càng quên hẳn tương lai thì thật là một tai họa.
Bằng chứng là cái đúng thường chỉ thuộc về bậc tiên tri (người trước, nhiều tuổi dạy bảo), còn hậu thế, cứ “mâm dưới mà ngồi”. Nói không ai nghe, làm không ai tin, người ta chỉ chăm chăm ép cho được người trẻ phải nhất nhất tuân theo khuôn thước đã có sẵn. Ai đi trật ra ngoài lập tức “đèn đỏ”, không thể ngọ nguậy được.
Trớ trêu thay, cái mới, sự sáng tạo lại chỉ thuộc về những người trẻ. Sự tiến bộ và phát triển lành mạnh bao giờ cũng thuộc về hiện tại, về tương lai chứ tuyệt nhiên không thuộc về quá khứ. Trong trường hợp này, lẽ ra ở mọi lĩnh vực, nếu người Việt thời hiện đại này làm được cái gì, dù nhỏ nhưng có giá trị phải biểu dương, khẳng định mới là hợp lẽ.
Đằng này lại chăm chăm tìm cách phê phán phủ định sạch trơn (đương nhiên chỉ một số ít người), thì liệu có thể chấp nhận được? Bởi chính những người này, buồn cười là lại thường xưng xưng tự nhận mình là cấp tiến, là người có “thương hiệu”. Nhưng xét về bản chất, anh ta chỉ là kẻ cố chấp, trì trệ, bảo thủ. Anh ta không chịu thừa nhận ai, cái gì ở trong nước. Ý chí của anh ta hướng về mẫu mực quá khứ và ngoại nhập.
Chính vì lý do này mà sự phê phán của anh ta góp phần làm trì hoãn sự tiến bộ, cản trở tương lai. Thực chất về sâu xa, loại người này không bao giờ có chính kiến, chỉ nói dựa, nói theo hòng mưu cầu một lợi ích của riêng mình. Và như thế nó thật tai hại, nhất là những người này lại hay đăng đàn diễn thuyết đều đều…