UBND tỉnh Hậu Giang vừa có báo cáo về kết quả thực hiện "Đề án: Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, từ khi Đề án được khởi động (ngày 01/1/2021), đến nay mục tiêu che phủ cây xanh ở các tuyến đường giao thông tại đô thị, nông thôn, khu vực công cộng và khu dân cư đạt kết quả trên 90% tỷ lệ diện tích khu vực công viên được trồng cây xanh. Tỷ lệ chiều dài tuyến đường giao thông được trồng cây xanh ven đường là 77,25%.
Bên cạnh đó, UBND huyện, thị xã, thành phố đã triển khai hoàn thành dự án xe thu gom rác thải, thùng chứa rác thải, xây dựng bể chứa rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường. Kết quả đã đầu tư: 1.125 xe kéo tay thu gom rác sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật; 1.528 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; 4.653 thùng rác tạo cảnh quan tại trục lộ giao thông có bờ kè, công viên ở các trung tâm đô thị và thùng rác để Tổ vệ sinh môi trường lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt tại điểm tập kết; trồng 62.378 cây bóng mát, cây hoa kiểng các loại…
Để cải thiện cảnh quang môi trường, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang và các tổ chức đoàn thể các cấp, các sở, ngành chuyên môn và địa phương đã tổ chức thực hiện ra quân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hoa kiểng nhằm cải thiện, tạo cảnh quan môi trường khu vực công cộng vào các đợt hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh…
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường và Đề án Hậu Giang xanh.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, điển hình như: Công tác quản lý, kiểm soát, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải sản xuất nông nghiệp được chặt chẽ hơn và nâng cao; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường được nâng lên; giảm tình trạng hộ dân tự xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng thiêu đốt, chôn lấp không hợp vệ sinh môi trường hoặc vứt ra môi trường; giảm số hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên sông, kênh, rạch gây cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường; nâng cao tỷ lệ số hộ xử lý chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói bảo vệ thực vật; cảnh quan môi trường được nâng cao, duy trì và phát triển.
Bên cạnh các kết quả đạt được, cũng còn các khó khăn hạn chế, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường còn chưa đi vào chiều sâu, chưa rộng rãi đến đối tượng hộ gia đình, cá nhân. Một số tổ vệ sinh môi trường hoạt động chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Thiết kế xe thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương không phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông nông thôn tại địa phương (xe có thể tích lớn, cồng kềnh. Các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa được đơn vị chức năng thu gom thường xuyên, còn để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường. Hiện, cẫn còn tình trạng hộ dân vứt rác, xác súc vật chết ra môi trường…
Theo UBND tỉnh, trong thời gian tới đề nghị các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tăng cường tổ chức các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công cụ thể trong Đề án, nhất là tiếp tục duy trì, phát huy các kết quả, thành tựu đã đạt được. Đồng thời, tiếp tục vận dụng, kết hợp các chương trình, nhiệm vụ khác để lồng ghép triển khai thực hiện Đề án, nhất là cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đúng như mục tiêu "Hậu Giang xanh", góp phần nâng cao nhận thức, và trách nhiệm chung của toàn dân tỉnh Hậu Giang.