Aa

Hậu Giang định hướng xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp của từng địa phương phù hợp với tiểu vùng sinh thái

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Bảy, 07/09/2024 - 08:00

Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hậu Giang đã cụ thể hóa kịch bản tác động của biến đổi khí hậu, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, sinh thái nông thôn.

Theo đó, Hậu Giang đề ra mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Bên cạnh đó còn có các mục tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 3,05%/năm, tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5 - 6%/năm.

Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt 100% tổng số xã, trong đó số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt trên 50%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 20%; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đạt 75% (06 đơn vị cấp huyện), trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện (02 đơn vị) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng tối thiểu 3,0 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 90%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 30%; tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo đạt trên 70%.

Ngoài ra, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 3%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%.

Hậu Giang định hướng xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp của từng địa phương phù hợp với tiểu vùng sinh thái- Ảnh 1.

Kinh tế nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển và chuyển dịch tích cực, đã và đang có sản phẩm hàng hóa sản xuất với quy mô ngày càng mở rộng (Trong ảnh là một HTX chế biến ở Hậu Giang).

Tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sức cạnh tranh cao

Trong giai đoạn vừa qua khi áp dụng Luật Đất đai 2013 và các quy định pháp luật liên quan, tỉnh Hậu Giang đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhất là công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và cấp huyện được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định; việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mục đích khác được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, quyền lợi của Nhà nước và của nhà đầu tư, không để xảy ra khiếu kiện, đồng thời thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp, các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. Các chính sách, pháp luật theo quy định đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư, bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tích tụ, tập trung đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thời gian qua còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định. Cụ thể, quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân tại Điều 130 Luật Đất đai 2013 chưa thực sự khuyến khích tích tụ để phát triển những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn; doanh nghiệp đầu tư còn gặp khó khăn trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân. Ngoài ra, việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng chưa có sự đồng thuận cao của người sử dụng đất nên khó khăn trong tích tụ, tập trung đất đai.

Từ những khó khăn, hạn chế trên, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến trong việc sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn theo quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đã nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 03/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI và Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. 

Đến nay, Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội khóa XV thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 (thay thế Luật Đất đai 2013). Luật mới đã có quy định cụ thể về việc tập trung đất đai, tích tụ đất đai (Điều 177, 192, 193...) nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn và sinh kế của người nông dân, khắc phục tình trạng sử dụng đất manh mún trong thời gian tới. Sau khi Luật Đất đai 2024 được ban hành, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai Luật trong toàn hệ thống chính trị và tuyên truyền để Nhân dân được biết.

Hậu Giang định hướng xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp của từng địa phương phù hợp với tiểu vùng sinh thái- Ảnh 2.

Hậu Giang tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao; định hướng xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp của từng địa phương phù hợp với tiểu vùng sinh thái.

Thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao, tỉnh định hướng xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp của từng địa phương phù hợp với tiểu vùng sinh thái, trong đó tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực, có lợi thế ở địa phương; từng bước xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng hàng hóa quy mô lớn, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng. 

Tỉnh Hậu Giang cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2021 - 2023, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 14.980ha, trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng cây hằng năm là 973ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 2.197ha; diện tích trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 11.810ha; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 4 lần so với trồng lúa.

Kết quả từ những cơ chế, chính sách đúng đắn và đồng bộ

Theo đó, với quyết tâm cao, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hậu Giang đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, kinh tế nông nghiệp phát triển và chuyển dịch tích cực, đã và đang có sản phẩm sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng mở rộng, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất, một số loại sản phẩm được sản xuất với quy mô tập trung, phương thức công nghiệp, an toàn môi trường và đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Nông thôn của tỉnh phát triển khá nhanh và toàn diện, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhu cầu đời sống Nhân dân; cơ sở hạ tầng, hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tích cực được thực hiện và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới chuyển biến rõ rệt; dân chủ cơ sở được nâng cao hơn, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên. Diện mạo nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, đời sống và thu nhập của người dân được cải thiện.

Hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, lưới điện quốc gia được mở rộng, đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa.

Công tác đào tạo nghề, tập trung nâng cao kiến thức cho người nông dân và chuyển dịch lao động nông thôn, giải quyết việc làm tăng dần qua các năm; kết quả tổ chức triển khai các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm đã đi vào cuộc sống, thiết thực với người lao động, người nghèo, phù hợp với thực tế hiện nay.

Các chính sách đầu tư, hỗ trợ giúp nông dân vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận Nhân dân được cải thiện.

Hậu Giang định hướng xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp của từng địa phương phù hợp với tiểu vùng sinh thái- Ảnh 3.

Một mô hình nông nghiệp gắn liền với du lịch tại tỉnh Hậu Giang.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng vẫn còn những mặt hạn chế. Nông nghiệp phát triển chưa thực sự bền vững; nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, trong khi chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Năng suất lao động thấp, thu nhập của nông dân còn bấp bênh.

Hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị còn hạn chế. Việc phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn được thực hiện, nhưng chưa nhiều.

Nguyên nhân của những hạn chế đó là do sự chủ động của các cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa quan tâm, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là cụ thể hóa các giải pháp và nguồn lực thực hiện.

Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách chưa tốt, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ. Một bộ phận nông dân mang nặng tư duy sản xuất nhỏ, trông chờ vào chính sách, chậm thích nghi với việc chuyển nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp vừa mới phục hồi sau đại dịch Covid-19 cùng với tác động của việc giá nguyên liệu, vật tư nông nghiệp tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận người sản xuất. Lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cũng là rào cản trong việc thu hút đầu tư.

Để đạt được những mục tiêu cao hơn nữa, tỉnh Hậu Giang phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước các cấp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa địa phương và các ban, bộ, ngành Trung ương.

Phát huy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Hội Nông dân tỉnh vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Phát huy vai trò, tạo điều kiện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức cộng đồng dân cư tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top