Aa

Hậu Saigon One Tower: Còn bao nhiêu dự án BĐS “đắp chiếu” sẽ bị thu hồi?

Thứ Năm, 24/08/2017 - 20:00

Theo dự báo từ nay đến 2020, tỷ lệ nợ xấu của nền kinh tế sẽ rơi vào khoảng 60.000 tỷ đồng; trong đó 70% tập trung vào BĐS.

Mới đây, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ. Việc thu giữ tài sản là dự án nói trên được VAMC được thực hiện theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.

Trước khi thu giữ dự án, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ có giá trị hơn 7.000 tỷ đồng của một số tổ chức tín dụng, trong đó có Công ty Sài Gòn One Tower, tiền thân là Công ty Địa ốc Sài Gòn M&C.

Đơn vị này cũng đã nhiều lần nhắc nhở Công ty Sài Gòn One Tower cũng như các công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tuy nhiên các doanh nghiệp này không đưa ra được phương án trả nợ khả thi.

Trên cơ sở đó, VAMC đã yêu cầu Công ty Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản đảm bảo nghĩa vụ trả nợ nhưng công ty này cũng không thực hiện. Cuối cùng, VAMC đã tiến hành thu giữ dự án Saigon One Tower để thu hồi nợ.

Việc VAMC bất ngờ và lần đầu tiên thu giữ một dự án BĐS “đắp chiếu” - Saigon One Tower khi đang có “tin đồn” được “giải cứu” bởi một tập đoàn nước ngoài đã ít nhiều gây xôn xao trong giới đầu tư BĐS.

Tuy nhiên, ngoài thông tin trên, thị trường BĐS hiện cũng đang tồn tại một thông tin khác gây sốc không kém, đó là theo thống kê số liệu của 76 doanh nghiệp BĐS đang niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sàn Upcom, tại thời điểm ngày 30/6/2017, tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn hơn 96.242 tỷ đồng, tăng bình quân 18,2% so với thời điểm 30/06/2016. Vay ngắn hạn tăng 25,8%; vay dài hạn tăng 9,2%. Dư nợ vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng hơn 32% tổng số dư vay nợ ngắn và dài hạn.

Vẫn theo thống kê, tính đến ngày 30/06/2017, tổng tài sản của 76 doanh nghiệp BĐS trên chỉ đạt 462.505 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; hàng tồn kho chiếm tỷ trọng 33%.

Dự án Saigon One Tower vừa bị VAMC thu giữ.

Dự án Saigon One Tower vừa bị VAMC thu giữ.

Trước con số nợ “khổng lồ” gần bằng 1/3 tổng tài sản của 76 doanh nghiệp BĐS đang niêm yết trên và nhìn vào các dự án BĐS “đắp chiếu” suốt từ Bắc vào Nam đang diễn ra nhiều năm nay, một số chuyên gia nhận định, còn rất nhiều dự án BĐS khác sắp bị thu giữ?

Trao đổi với Reatimes, Phó giám đốc một doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM cho biết, thực chất số nợ của các doanh nghiệp địa ốc nếu niêm yết hết sẽ lớn hơn rất nhiều.

Theo vị Phó giám đốc này, có thể nói hiện nay số doanh nghiệp tự kinh doanh địa ốc bằng thực lực tài chính của mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại hầu hết các doanh nghiệp, kể cả các “ông lớn” BĐS khi triển khai dự án nào đó đều phải vay vốn từ ngân hàng.

“Nếu tất cả các doanh nghiệp trong ngành BĐS đều niêm yết thì tổng dư nợ ngắn và dài hạn có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng”, vị Phó giám đốc doanh nghiệp địa ốc Sài Gòn cho biết.

Theo vị Phó giám đốc này, chính vì hầu hết các doanh nghiệp khi triển khai dự án đều huy động vốn từ ngân hàng hoặc khách hàng cho nên nếu đang triển khai mà đột nhiên nguồn vốn bị cắt sẽ dẫn đến dự án bị “trùm mềm”. Do đó, nếu VAMC “làm căng” trong thời gian tới nhiều dự án khác sẽ bị thu giữ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM trong năm 2016 đạt hơn 1.374.000 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2015 - mức cao nhất nước (tăng trưởng tín dụng năm 2016 của cả nước là 18,71%).

“Khả năng tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay sẽ tiềm ẩn nguy cơ tăng tỷ lệ nợ xấu trong trung hạn và dài hạn. Do vậy, cần giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng”, ông Châu cảnh báo.

Theo ông Châu, tỷ lệ nợ xấu cho vay trong hệ thống ngân hàng toàn thành phố trong năm qua là 3,79%, nếu loại trừ nợ xấu của 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng (Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu), thì tỷ lệ này chỉ là 2,03%. Trong đó, tín dụng vào thị trường BĐS đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng dư nợ tín dụng của thành phố và chiếm tới 35,2% tổng dư nợ tín dụng BĐS cả nước (426.000 tỷ đồng), tăng 14,2% so với năm 2015 và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng BĐS của cả nước (chỉ tăng 8,5%).

“Hiện nay, nợ xấu ước khoảng 300.000 tỷ. Đến năm 2020, con số này dự kiến lên tới 600.000 tỷ; trong đó 70% được bảo đảm bằng tài sản BĐS. Do đó, với nghị quyết xử lý nợ xấu này, số tiền 300.000 tỷ đang là nợ xấu, tôi không kỳ vọng giải quyết được 100% nhưng sẽ đưa được khoảng 70% quay trở lại nền kinh tế; trong đó có khoảng 70% BĐS. Nếu làm được điều đó thì rất tốt cho nền kinh tế và tốt cho thị trường”, ông Châu trao đổi với Reatimes.

Theo ông Chủ tịch HoREA, nếu 70% nợ xấu của BĐS được đưa trở lại nền kinh tế, khi đó thị trường BĐS sẽ tăng thêm nguồn cung và rõ ràng người tiêu dùng sẽ có lợi. Khi nguồn cung dồi dào thì đương nhiên giá sẽ rất cạnh tranh nên về tổng thể người tiêu dùng có lợi, nhà đầu tư thứ cấp có lợi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top