Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến tích cực trong phiên 29/7 trước sự bứt phá của nhiều nhóm ngành cổ phiếu như bán lẻ, khai khoáng, chứng khoán, ngân hàng… Các chỉ số chứng khoán đều giao dịch ở trên mốc tham chiếu xuyên suốt phiên giao dịch. Thậm chí đà tăng của các chỉ số còn được nới rộng thêm vào cuối phiên và đều đóng cửa ở mức cao nhất.
Ngay từ đầu phiên tâm điểm của thị trường tập trung vào cổ phiếu HVN khi mã này bất ngờ được kéo lên mức giá trần 20.100 đồng/cp. Phiên này là ngày giao dịch không hưởng quyền để HVN thực hiện chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN với giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ phát hành 56,4%. All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản là cổ đông chiến lược của doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu 8,77% và được 70 triệu quyền mua nhưng đơn vị này chuyển nhượng lại toàn bộ quyền mua cổ phiếu cho cán bộ nhân viên Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn như MWG, PNJ, SSI, ACB, CTG… đồng loạt tăng giá mạnh vào cuối phiên và góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số. Trong đó, MWG tăng 3,6% lên 162.800 đồng/cp. Theo thông tin mới đây, MWG đã công bố BCTC quý II với doanh thu thuần hợp nhất đạt 31.658 tỷ đồng, tăng 20%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ MWG đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 36%. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 62.487 tỷ đồng, tăng 12,3%; lãi sau thuế 2.551 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, nhà bán lẻ thực hiện 50,4% chỉ tiêu doanh thu và 53,7% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
HPG phiên này cũng tăng 0,9% lên 47.100 đồng/cp. Theo thông tin từ HPG, doanh thu quý II đạt 35.400 tỷ đồng, tăng 71%; lợi nhuận sau thuế 9.745 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước và lập kỷ lục lợi nhuận mới. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt gần 66.900 tỷ đồng, tăng 67%; lãi sau thuế 16.751 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước. Tập đoàn thực hiện 56% kế hoạch doanh thu và 93% kế hoạch lợi nhuận năm. Kết quả trên của HPG được cho là phù hợp với nhiều dự báo trước đó. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, kết quả này là khiêm tốn do một số đơn vị dự báo lợi nhuận quý II/2021 của HPG có thể lên đến trên 10.000 tỷ đồng.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc xanh áp đảo hơn, trong đó những cái tên thuộc nhóm vốn hóa lớn là BCM, VHM, VRE hay THD đều tăng giá tốt. BCM tăng mạnh 2,3% lên 41.500 đồng/cp, VHM tăng 1,3% lên 107.900 đồng/cp, VRE tăng 0,6% lên 27.350 đồng/cp còn THD tăng nhẹ 0,5% lên 208.400 đồng/cp. VHM mới đây đã công bố BCTC quý II/2021 với doanh thu thuần đạt 28.725 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 10.232 tỷ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ. EPS đạt 3.111 đồng. Lũy kế 6 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 41.711 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 15.628 tỷ đồng, tăng lần lượt 82% và 52% cùng kỳ.
Đối với các mã bất động sản vừa và nhỏ, rất nhiều mã cũng tăng giá tốt như HDC, HDG, IDJ, KDH, DXG… Trong đó, HDC được kéo lên mức giá trần 60.000 đồng/cp sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II/2021 rất tích cực. Trong đó, đơn vị này lãi sau thuế tăng 79% cùng kỳ và đạt 64,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 143 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 82% và hoàn thành 45% kế hoạch năm.
SCR cũng tăng 0,6% lên 9.660 đồng/cp. SCR cũng mới có BCTC quý II/2021 với mức tăng trưởng đột biến. Lợi nhuận ròng riêng quý II đạt 141,3 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất theo quý của đơn vị này kể từ quý IV/2019 đến nay. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng đạt 176 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Dù vậy nhóm bất động sản vẫn ghi nhận nhiều cổ phiếu đi xuống trong phiên 29/7 và có những cái tên đáng chú ý như NDN, HPX, KHG, AGG… Trong đó, VIC giảm nhẹ 0,1% xuống 105.100 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 16,53 điểm (1,29%) lên 1.293,6 điểm. Toàn sàn có 227 mã tăng, 125 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,72 điểm (1,54%) lên 310,97 điểm. Toàn sàn có 115 mã tăng, 80 mã giảm và 174 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,18 điểm (1,39%) lên 86,14 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện với tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.450 tỷ đồng, tăng 28% so với phiên trước.
Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 10 tỷ đồng ở phiên này. Trong đó, dòng vốn ngoại bán ròng mạnh các mã bất động sản như VRE (28 tỷ đồng), KDH (20 tỷ đồng), NLG (19 tỷ đồng), KBC (14 tỷ đồng). Chiều ngược lại, VHM được mua ròng mạnh nhất với 119 tỷ đồng. NVL cũng được mua ròng hơn 23 tỷ đồng.
Theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), thị trường duy trì nhịp hồi phục đã sang phiên thứ 4 liên tiếp, đà tăng ngày càng mạnh mẽ bất chấp thanh khoản vẫn ở mức thấp và khối ngoại bán ròng. Dòng tiền có sự lan tỏa và thị trường có sự cộng hưởng cần thiết của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép... Về kỹ thuật, VN-Index đang hình thành mô hình đảo chiều với vùng giá mục tiêu có thể hướng tới 1.325 điểm. Nhà đầu tư có thể tranh thủ các nhịp võng trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu./.