Aa

Hiến và chiếm – Vàng hay... bùn đất?

Thứ Năm, 26/09/2019 - 06:20

Trong khi người dân quận 3, TP. Hồ Chí Minh tự nguyện hiến đất mở rộng hẻm thì lại có không ít cơ quan tận dụng hết đất để xây công trình, thậm chí để cho thuê bán hàng, rồi các tiện ích đi kèm bắt xã hội phải gánh chịu…

Mới đây, có một sự kiện tuy không ồn ã, trống rong cờ mở nhưng lại khiến nhiều người xúc động, đó là Ngày hội nhân dân quận 3, TP. Hồ Chí Minh hiến đất mở rộng hẻm. Tại hẻm 62 đường Lý Chính Thắng, người dân đồng loạt đập tường, bậc thềm, lùi cửa sâu vào trong để lấy đất mở rộng hẻm. Gia đình bà Phạm Thị Mùi nhà số 443/41 đường Điện Biên Phủ, phường 3, quận 3 chỉ có khoảng 11m2 nhưng cũng sẵn sàng hiến khoảng sân 1,9m2. Còn bà Nguyễn Xuân Thái nhà số 47/1 đường Nguyễn Hiền cách đây 2 năm đã hiến tới 14m2 đất, đập bỏ 1 toilet và 1 phần diện tích bên hông nhà để mở rộng hẻm.

Tính chung từ năm 2015 đến nay, người dân quận 3 đã hiến hơn 9.300m2 đất, trị giá gần 445 tỷ đồng để mở rộng được 34 con hẻm. Trong thời buổi tấc đất tấc vàng và giao thông ở nội đô các thành phố lớn ngày càng ách tắc nghiêm trọng, thì nghĩa cử trên thật cảm phục và đáng trân trọng.

Ngày hội nhân dân quận 3, TP. Hồ Chí Minh hiến đất mở rộng hẻm. Ảnh: Báo Lao động
Người dân đồng loạt hiến đất tại hẻm 62 đường Lý Chính Thắng. Ảnh: Vietnamnet

Đường, hẻm được mở rộng, đầu tiên là bộ mặt phố phường khang trang hơn, ách tắc sẽ giảm, cảnh quan môi trường tốt đẹp lên, nước mưa cũng thoát nhanh hơn và giảm được úng ngập… Nhưng đâu phải chỉ có đẹp cho phố phường, chính người dân ở hẻm đó được hưởng lợi trước tiên. Đường xá ít ách tắc, người dân đi lại thuận tiện hơn, nước thoát nhanh thì nhà dân ít úng ngập, môi trường tốt thì người dân sở tại được hưởng bầu không khí trong lành… Lại nữa, nói dại, nhỡ có xảy ra hỏa hoạn thì xe cứu hỏa còn có đường mà vào dập lửa; hay khi ốm đau bệnh tật xe cứu thương còn vào được chở người đi viện… Ngay cả môi trường xã hội cũng sẽ giảm theo, đường rộng, đèn sáng, những tệ nạn xã hội cũng ít có cơ hội núp vào bóng tối gây họa cho dân lành…

Tất cả những điều đó cộng hưởng sẽ làm tăng giá trị từng mảnh đất, ngôi nhà của chính những người đã hiến đất và cư dân trong hẻm. Chẳng thế mà sau khi được mở rộng, giá của những căn nhà trong hẻm đã tăng vọt. Vậy là, ích nước đã mang lại lợi nhà.

Nhưng đâu phải ai cũng nhận thức và làm được điều đó.

Trong khi người dân tự nguyện hiến đất riêng của mình thì không hiếm chuyện người ta tranh thủ, lợi dụng lấn chiếm đất công, lớn thì như chuyện lấn chiếm sông, hồ, nhỏ hơn là việc làm nhà cận đất rồi đua ban công ra lối đi chung, làm cho con ngõ, con hẻm đã hẹp lại càng tối tăm thêm. Thôi thì lòng tham của từng cá nhân còn có thể hiểu được, ngay cả các công trình, trụ sở của cơ quan nhà nước nhiều khi cũng bon chen không kém. Tuy không lấn chiếm đất công một cách thô thiển, nhưng không ít công trình lại tận dụng hết diện tích đất của mình để xây nhà mà không lo các công trình phụ trợ và tiện ích đi kèm, để kết cục là xã hội phải gánh chịu.

Đơn cử như hai công trình mà hằng ngày tôi vẫn phải đi qua để rồi vừa bức xúc, vừa nuối tiếc là Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn ở số 10 Hoa Lư và Trung tâm triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam (trước đây thường gọi là Triển lãm Vân Hồ) ở số 2 cũng phố Hoa Lư.

Ở Trung tâm triển lãm, sau khi dựng hàng rào để khẳng định lãnh địa của mình, vỉa hè ra đường chỉ còn đủ để một chiếc xe máy dựng chéo. Khách bộ hành đi lại rất khó khăn. Nhưng thôi, người làm quy hoạch cắm đất thế rồi thì đành chịu, người ta sử dụng đất của họ chớ có lấn chiếm ai đâu. Điều đáng nói ở đây là mỗi khi có sự kiện gì, mà sự kiện ở Trung tâm này thì không ít (nếu không thì xây trung tâm để… chơi à), thì xe máy của khách lại phải tràn ra vỉa hè. Chưa hết, không những xe dựng kín vỉa hè ngoài hàng rào của Trung tâm, nhiều khi xe còn tràn sang vỉa hè đối diện (ngoài hàng rào của Bộ Xây dựng) và thậm chí tràn xuống cả lòng đường. Vẫn chưa hết, ở một phần sân trong khuôn viên của Trung tâm phía giáp đường, người ta còn tận dụng để xây thêm nhà cho thuê mở nhà hàng, quán ăn, giải khát hay quầy bán thực phẩm. Thế là thường xuyên khi nhà hàng mở cửa hằng ngày, xe của khách nghiễm nhiên chiếm trọn luôn vỉa hè, và người đi bộ chỉ còn cách lách qua các chướng ngại vật hoặc đi xuống lòng đường.

 Vỉa hè bên ngoài Trung tâm triển lãm... thường xuyên bị chiếm dụng làm chỗ để xe của nhà hàng và cửa hàng thực phẩm

Chuyện cũng diễn ra tương tự ở Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn. Khác chăng ở chỗ Viện có xây tầng hầm để xe. Nhưng hầm không đủ chỗ, thành thử người ta lại kẻ vạch trên hè làm chỗ để xe, chỉ chừa một lối đi nhỏ cho khách bộ hành.

Thôi thì nếu đất chật đã đi một nhẽ và còn có cớ để thông cảm. Đằng này khuôn viên của cả hai đơn vị đó đều rất rộng rãi. Rộng đến nỗi trong sân của Trung tâm triển lãm có thể… đá bóng được, còn Viện Quy hoạch thì để sảnh rất rộng và thừa đất để trồng cây cảnh ở mặt tiền. Và cả hai công trình này đều có dư đất để cho thuê bán hàng cơ mà.

Đất rộng nhưng lòng người hẹp và tầm nhìn hẹp, nên người ta cứ làm nhà ra hết đất, để rồi những tiện ích đi kèm đáng lẽ phải có, như chỗ để xe, thì đổ hết cho không gian công cộng và xã hội phải gánh chịu.

Hằng ngày đi qua hai công trình này, tôi cứ thầm ước, giá như cán bộ lãnh đạo của hai công trình này có tầm nhìn lớn hơn và tấm lòng rộng hơn, lùi công trình của mình vào chỉ cần vài ba mét thôi thì không gian sẽ thoáng đãng biết bao, công trình sẽ đẹp, sẽ sang và có văn hóa biết bao, giá trị của bất động sản đó chắc chắn cũng cao hơn nhiều. Và trước hết là diện tích vỉa hè công cộng sẽ không bị biến thành của riêng làm chỗ để xe, rồi đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Thực tình, tôi không biết dùng từ nào hơn từ “ích kỷ hại nhân”, chỉ biết có lợi cho riêng mình mà hại cho cả cộng đồng, xã hội. Và việc này không hề hiếm gặp. Ở đây, tấc đất có thể biến thành vàng theo đúng nghĩa đen của từ này, nhưng mà là vàng vào túi riêng, còn hậu quả thì xã hội và cộng đồng phải chịu.

Việc hiến đất mở rộng hẻm của bà con quận 3 là một nghĩa cử cao đẹp, một việc làm sáng suốt, vừa ích nước, vừa lợi nhà. Từng tấc đất của nhân dân tự nguyện hiến để mở rộng hẻm không phải chỉ là tấc vàng mà còn quý hơn hơn vàng. Và đáng trân trọng hơn là ở tấm lòng vàng của bà con. Còn ở những công trình nhà nước có, tư nhân có tuy to lớn nhưng lại cạn lòng, cố gắng tận dụng từng tấc đất để phục vụ cho lợi ích của riêng mình còn các tiện ích đi kèm thì đổ cho xã hội phải gánh vác, người lãnh đạo và các ông chủ đó sẽ nghĩ gì. Họ cứ tưởng như thế là khôn, là được, nhưng thực ra lại mất rất nhiều.

Hiến và chiếm, đất và vàng. Nhưng đâu là vàng, đâu là bùn đất? Đặt hai sự việc trên ở cạnh nhau, một bên là nhân dân quận 3 TP. Hồ Chí Minh tự nguyện đập bỏ tường, sân, nhà để hiến đất mở rộng hẻm, một bên là các công trình của các cơ quan nhà nước tận dụng hết đất rồi chiếm vỉa hè sử dụng cho riêng mình mới thấy sự đối lập ghê gớm về cái tâm, cái tầm giữa những con người.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top