Aa

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh gửi "tâm thư" cho lãnh đạo Quảng Nam

Thứ Sáu, 02/02/2024 - 11:28

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam vừa gửi kiến nghị đến Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam và đề xuất tháo gỡ hàng loạt vấn đề liên quan đến xây dựng, bất động sản...

Theo đó, đối với nhóm Doanh nghiệp xây dựng, Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho hay năm 2020 - 2023 tình hình dịch bệnh Covid-19 giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất kinh doanh ngừng hoạt động, một số chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng, giảm thuế, giảm thời gian nộp thuế chưa được thực hiện, một số công trình, dự án xây lắp thì giá sắt thép tăng đột biến 20-30%, giá nhiên liệu tăng dẫn đến cước phí vận chuyển tăng so với giá dự toán, một số công trình dự án hợp đồng theo giá cố định không được nhà nước điều chỉnh giá và bị lỗ nặng. Giá nhân công theo định mức xây dụng quá thấp so với thực tế, các mỏ vật liệu đất, đá, cát để phục vụ thi công bị khan hiểm, nguồn cung không đáp ứng cầu do đó doanh nghiệp phải mua giá cao để đáp ứng tiến độ dự án.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh gửi "tâm thư" cho lãnh đạo Quảng Nam- Ảnh 1.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam gửi tâm thư đến lãnh đạo tỉnh và đề xuất hàng loạt giải pháp cho các lĩnh vực xây dựng, bất động sản

Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam kiến nghị, đề xuất: Giá nguyên vật liệu theo giá liên sở cần phải sát với thực tế và khảo sát các mỏ vật liệu còn hoạt động hay hết hoạt động để xác định giá liên sở hằng tháng, không phải theo quý như hiện nay. Đồng thời xác định lại cước phí vận chuyển vật liệu cho phù hợp thực tế (cước vận chuyển theo Quyết định: 242/QĐ-SXD ngày 31/12/2021 là quá thấp).

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cũng cho rằng định mức và đơn giá nhân công như hiện nay quá thấp, cần phải xác định tính đặc thù vùng núi, trung du, đồng bằng để đảm bảo mức chi phí... Công tác đấu thầu các mỏ vật liệu đá, cát, đất cần tháo gỡ các thủ tục, rút ngắn thời gian đấu thầu để đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công các công trình dự án kịp thời và bình ổn giá. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét cho chủ trương điều chỉnh giá thép do biến động tăng cao đối với một số hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh gửi "tâm thư" cho lãnh đạo Quảng Nam- Ảnh 2.

Công tác giải phóng mặt bằng hiện đang khiến nhà đầu tư lo lắng

Đối với nhóm Doanh nghiệp bất động sản: Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho biết khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện nay đang gặp phải vô vàn khó khăn, xuất phát từ ý chí của các hộ dân, một phần cũng là từ các chính sách của Nhà nước. Cụ thể: Các hộ dân ảnh hưởng đất nông nghiệp nhưng yêu cầu bố trí đất tái định cư, dù đã tổ chức họp vận động, đối thoại nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng; Các trường hợp tranh chấp đất đai rất khó giải quyết, các hộ dân không đồng ý hòa giải nên thủ tục thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn; Quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nhiều trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất cách đây một năm nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa triển khai thực hiện cưỡng chế; Các cá nhân, hộ gia đình không đồng ý ký hồ sơ đề nghị công nhận đất ở; Các cá nhân, hộ gia đình không đồng ý phối hợp kiểm kê; Các hộ dân không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án dự kiến) được công khai, không đồng ý bốc thăm lô tái định cư, dẫn đến không thể trình thẩm định phương án theo quy định; Các hộ dân mất hồ sơ 299 công nhận diện tích đất ở theo hạn mức và số nhân khẩu thì hộ dân không đồng ý. Do đó, không thể làm hồ sơ thủ tục công nhận diện tích đất ở trước khi thu hồi đất; Đơn giá bồi thường cho các hộ dân theo quy định hiện nay là quá thấp, dẫn đến việc không nhận được sự đồng thuận của các hộ dân bị vướng GPMB tại các dự án, các hộ dân không đồng ý theo phương án được duyệt, không nhận tiền bồi thường và đòi hỏi với mức giá cao gấp 5-7 lần so với giá quy định; Hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, nhưng không đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng dự án.

Đặc biệt, một số hộ dân có đất bị ảnh hưởng của 2 dự án (1 dự án do doanh nghiệp đang thực hiện và 1 dự án đầu tư công chưa thực hiện) yêu cầu 2 dự án triển khai cùng lúc để người dân ổn định đời sống và bố trí lại đất tái định cư.

Công tác quản lý hiện trạng (tái lấn chiếm đất đã được GPMB, xây dựng trái phép...) chưa được đảm bảo. Tuy chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý nhưng người dân vẫn ngoan cố thực hiện.

Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho rằng cần triển khai thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất một cách quyết liệt đối với các trường hợp không đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thi công, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

UBND tỉnh có hướng tháo gỡ các vướng mắc trong công tác GPMB đối với các trường hợp không đồng ý ký hồ sơ công nhận đất ở (đất sử dụng trước năm 1980, nhưng mất hồ sơ 299), không đồng ý bốc thăm lô tái định cư, các trường hợp tranh chấp đất đai kéo dài.

Ngày 28/4/2023, UBND tỉnh có Công văn số 2634/UBND-KTN, chỉ đạo giao đất, cho thuê đất một lần đối với toàn bộ dự án hoặc giao đất, cho thuê đất nhiều lần theo phân kỳ đầu tư của dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đều không phân kỳ đầu tư. Do đó, hiện nay các dự án phải chờ hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích mới được giao đất, cho thuê đất. Thực tế có nhiều dự án phải bố trí tái định cư tại chỗ, người dân phải được bố trí tái định cư trước mới đồng ý bàn giao đất. Do đó, quy định này không phù hợp thực tế.

Đề xuất tăng đơn giá bồi thường về nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu cho các hộ dân theo quy định để nhận được sự đồng thuận của các hộ dân bị vướng GPMB tại các dự án.

UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương chỉ đạo nghiêm túc sự phối hợp giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất và UBND phường trong công tác giải phóng mặt bằng.

Những dự án gia hạn tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng (lỗi do địa phương) thì không cần lấy ý kiến của các sở, ngành mà địa phương xác nhận và trình Sở Kế hoạch và Đầu tư để sở này trình lên tỉnh, việc lấy ý kiến sở, ngành mất vài tháng hoặc có khi gần hết tiến độ gia hạn.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh gửi "tâm thư" cho lãnh đạo Quảng Nam- Ảnh 3.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam gửi "tâm thư" đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhằm gỡ khó cho lĩnh vực xây dựng, bất động sản

Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp phản ánh việc giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ theo phiếu hẹn, cụ thể như: Thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất đồng thời thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Thủ tục đăng ký biến động đất đai được thực hiện thông qua dịch vụ công, nhưng thời gian xử lý, giải quyết hồ sơ vẫn chưa đúng giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay, việc vừa phải bỏ ra chi phí để thực hiện công tác GPMB, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cùng lúc nhưng chưa được trừ chi phí GPMB thực sự là một gánh nặng lớn với các chủ đầu tư. Theo quy định hiện nay của tỉnh, chi phí GPMB chỉ được trừ vào tiền sử dụng đất khi hoàn thành xong việc quyết toán GPMB, và mỗi dự án chỉ được quyết toán không quá 2 lần thì với thực tế GPMB hiện nay, việc hoàn thiện 100% công tác GPMB để quyết toán GPMB cho toàn dự án là một việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, có khi kéo dài hơn 10 năm. Như vậy những chi phí GPMB mà chủ đầu tư đã bỏ ra phải bị treo ở ngân sách thời gian dài, trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp lại bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Đồng thời, thời kỳ hiện nay là thời gian mà các doanh nghiệp đang ở tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" nhưng tỉnh nhà chưa áp dụng các hình thức gia hạn thời gian nộp thuế, giãn nợ thuế, miễn tiền chậm nộp thuế. Kính đề nghị tỉnh có cơ chế về các chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Việc đầu tư xây dựng kết nối hạ tầng khung của các dự án trong khu đô thị chưa được đồng bộ dẫn đến tình trạng ngập úng trong mùa mưa gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Hằng năm khi mùa mưa bão đến, chủ đầu tư đều phải tự bỏ ra chi phí rất lớn để khơi thông dòng chảy, hạn chế mức thấp nhất tình trạng ngập úng tại dự án để đảm bảo đời sống của các hộ dân.

Dự án vướng GPMB mà đã gia hạn tiến độ thì cho phép nghiệm thu hoàn thành theo giai đoạn. Tiền thuế sử dụng đất giãn thời gian nộp hoặc xem xét giảm tiền chậm nộp.

Công tác điều chỉnh quy hoạch dự án còn nhiều thủ tục, thông qua nhiều ý kiến của các sở, ban, ngành nên thường bị động không kịp thời.

Hạng mục Cấp điện - Điện chiếu sáng của một số dự án đã được được doanh nghiệp đầu tư xây dựng theo đúng theo quy hoạch được duyệt và thiết kế đã được cơ quan chuyên môn thẩm định nhưng khi nghiệm thu bàn giao, tiếp nhận Đơn vị Điện lực yêu cầu phải bổ sung thêm trạm biến áp.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh gửi "tâm thư" cho lãnh đạo Quảng Nam- Ảnh 4.

Bế tắc trong giải phóng mặt bằng ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án

Ngày 12/4/2023, UBND tỉnh có Công văn số 2179/UBND-KTN chỉ đạo "Đối với khu vực, vị trí được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, sau khi thi công hoàn thành toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo đúng quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt, kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án theo đúng quy định tại Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020); đối với khu vực, vị trí bắt buộc phải xây nhà tại quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì ngoài việc hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trên còn phải xây dựng hoàn thành nhà ở, tối thiểu là hoàn thành xây dựng phần thô và mặt tiền ngôi nhà. Quy định này gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư dự án.

Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam đề nghị Tổ công tác chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp xã phường, cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn khác hỗ trợ, đồng hành cùng với Nhà đầu tư quyết liệt hơn nữa để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù, GPMB. Cho phép chủ đầu tư khấu trừ tiền GPMB vào tiền sử dụng đất phải nộp mà không đợi đến khi quyết toán để giảm tải áp lực về nguồn vốn cho chủ đầu tư.

Những dự án không thực hiện theo đúng quy định của tỉnh về công tác GPMB do khó khăn trong công tác vận động của địa phương với hộ dân trong vùng giải tỏa; đề nghị tỉnh có chủ trương cho phép sớm gia hạn thời gian thực hiện dự án và điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Để tháo gỡ khó khăn trong công tác này đề nghị tỉnh thành lập Ban chỉ đạo đền bù giải tỏa giám sát và hỗ trợ các doanh nghiệp, nếu để doanh nghiệp tự thực hiện thì rất khó khăn, không thực hiện được làm ảnh hưởng đến công tác kêu gọi nhà đầu tư.

Có nhiều dự án đã có quyết định giao đất từ năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất, dẫn đến việc chủ đầu tư chưa thể thực hiện việc nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước để có cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo. Đề nghị cho phép giao đất theo từng đợt để đảm bảo dự án được triển khai theo tiến độ giải phóng mặt bằng.

Thời gian thụ lý hồ sơ, tham gia góp ý của các ngành có liên quan kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án: (Hội đồng thẩm định điều chỉnh quy hoạch dự án đối với công tác lập điều chỉnh quy hoạch của dự án; Các sở chuyên môn trong công tác gia hạn tiến độ thực hiện dự án, điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án). Đặc biệt trong thủ tục gia hạn tiến độ cho các dự án, có nhiều dự án việc gia hạn tiến độ đã được các chủ đầu tư thực hiện từ rất lâu, nhưng các cơ quan chuyên môn thực hiện trong một thời gian dài, có khi vài tháng dẫn đến tình trạng khi có được văn bản gia hạn tiến độ thì chủ đầu tư đã bị mất vài tháng trong thời gian xin gia hạn, loay hoay lại phải tiếp tục xin gia hạn mới.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh gửi "tâm thư" cho lãnh đạo Quảng Nam- Ảnh 5.

Tại TX. Điện Bàn hiện có 26 dự án chưa được thông qua Kế hoạch sử dụng đất hằng năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Hiện nay, hầu hết các dự án tại TX. Điện Bàn đều không được thông qua Kế hoạch sử dụng đất hằng năm vì lý do đã và gần hết tiến độ thực hiện (nguyên nhân đa số là do công tác GPMB tại địa phương còn chậm dẫn đến không bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư). Trong khi, Theo khoản 4, Điều 49, Luật đất đai 2013 về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định như sau: "Khi kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết thì vẫn tiếp tục thực hiện khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt", việc loại những dự án này ra khỏi Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư trong quá trình đầu tư dự án do toàn bộ hồ sơ thu hồi đất, giao đất, lập phương án bồi thường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.. đều bị ngưng trệ; chưa công nhận nhà đầu tư đã trúng thầu các dự án mới năm 2023 để chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo.

Nhằm tạo điều kiện để các chủ đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện và hoàn thành dự án, kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thị xã Điện Bàn xem xét bổ sung dự án trên vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 và những dự án đã trúng thầu năm 2023.

(Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam)

Cần phải có cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành địa phương, rút ngắn thời gian trong công tác xác định giá đất, gia hạn tiến độ dự án, điều chỉnh cục bộ dự án 1/500, điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, hạn chế lấy ý kiến quá nhiều (nhất là những ngành không liên quan) việc này làm ảnh hưởng chậm đến công tác xác định giá đất, điều chỉnh và gia hạn dự án.

Đề nghị đẩy nhanh công tác bàn giao đưa vào sử dụng đối với các dự án đã hoàn thành để giảm thiểu các chi phí phát sinh cho nhà đầu tư. Có những dự án đã hoàn thành 100% hạ tầng kỹ thuật, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đủ điều kiện bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao được cho cơ quan có thẩm quyền, mặc dù đã nhiều lần có văn bản đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng. Điều này dẫn đến việc các chủ đầu tư phải tiếp tục gồng gánh các chi phí liên quan đến dự án như cây xanh, điện chiếu sáng, bảo trì, duy tu công trình...

Đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã được giao đất nhiều đợt, kiến nghị UBND tỉnh cho phép nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật trên phần diện tích được giao, đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chủ đầu tư thu hồi một phần vốn, tái sản xuất kinh doanh.

Đối với dự án hoàn thành xong hạ tầng, đề nghị kiểm tra cho cấp quyền sử dụng đất 100%, không giữ lại 20% chờ quyết toán mới cấp, nếu giữ 20% thì rất khó khăn cho doanh nghiệp không đủ vốn để thực hiện dự án, vì dự án tỉnh chỉ cho phép 10% lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Hiện nay Quốc hội đã bổ sung dự thảo Nghị quyết cho phép giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và cho gia hạn kéo dài thời gian nộp thuế. Đề nghị tỉnh cho các dự án bất động sản chậm nộp tiền sử dụng đất và không phạt chậm nộp tiền thuế đất nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, tháo gỡ khó khăn tài chính, vì tiền sử dụng đất rất lớn.

Đề nghị với Chính phủ và các cấp bộ, ngành và Ngân hàng

Các cơ chế chính sách đối với dự án bất động sản cần phải có tính ổn định lâu dài; đối với những dự án đã thực hiện theo cơ chế, chính sách quy định cũ thì vẫn giữ nguyên, không bắt buộc thay đổi theo quy định mới, có như vậy nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư.

Cho cơ chế làm dự án BT. Nhà nước, tỉnh đấu giá đất thu tiền một phần thanh toán chi phí đầu tư hạ tầng, còn lại cân đối nguồn thu ngân sách cho tỉnh để phát triển kinh tế xã hội nâng cao đời sống nhân dân.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chủ trương để hệ thống ngân hàng cấp dưới tạo điều kiện các doanh nghiệp được nâng hạn mức vay vốn, tháo gỡ khó khăn nguồn vốn hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay về vay vốn bất động sản và lãi suất vay, tái cấu trúc nợ cho doanh nghiệp bất động sản.

Cần có chính sách giảm thuế, giãn nợ thuế để doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản do thị trường đóng băng không khai thác được quỹ đất.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng cổ phần có cơ chế cho vay đối với công trình có nguồn vốn đầu tư công thì định mức cho vay theo khối lượng giá trị đã được nghiệm thu (do tài sản thế chấp để vay của doanh nghiệp không đủ theo điều kiện của ngân hàng).

Đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội và quỹ đầu tư tỉnh có cơ chế cho vay vốn làm nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội bằng hình thức thế chấp dự án vì doanh nghiệp không đủ tài sản để thế chấp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top