Aa

Hiệu lực của pháp luật

Thứ Ba, 07/04/2020 - 07:00

Luật pháp có thể chưa đúng, thậm chí một số điều luật nào đó có thể sai, nhưng đã là luật, muốn luật có hiệu lực thực tế thì nhất định không được tùy tiện, tùy ý và gây cảm giác nhếch nhác.

Sau khi Chính phủ công bố quyết định “cách ly xã hội” (bạn tôi sống ở Hoa Kỳ hơn 20 năm đề xuất dịch là “giãn cách xã hội” và tôi thấy hợp lý hơn). Trên toàn quốc, lập tức một số địa phương nhanh nhảu triển khai việc ngăn các đường vào địa phận do mình quản lý hành chính. Truyền hình quốc gia chiếu cảnh nơi thì cẩu những tấm bê tông khổng lồ làm vật ngăn, nơi không có sẵn bê tông thì dùng xe chở đất, dùng máy ủi đất chắn ngang những con đường nhựa phẳng lỳ, có chỗ tới gần chục làn xe. Ngay hôm sau, một quan chức Chính phủ trả lời báo chí rằng, hành động đó của địa phương là hiểu sai tinh thần chỉ thị của Thủ tướng, yêu cầu các địa phương kia dỡ bỏ chướng ngại vật để xe cá nhân, xe chở hàng hóa lưu thông bình thường.

Việc địa phương hiểu lầm Trung ương, tất nhiên là không nên để xảy ra, nhất là khi nơi ban lệnh và nơi nhận lệnh cùng một hệ thống hành chính trực tiếp. Nhưng giả sử nếu có chỗ nào chưa rõ, chỉ cần nhấc máy gọi hỏi là có ngay lời giải thích. Tuy thế, bài viết này không bàn đến chuyện đó.

Ngay cả khi được phép ngăn người dân nơi khác vào địa phương, liệu có cần phải dùng vật cản là bê tông hay đất đá? Đâu phải thời tiêu thổ kháng chiến hơn nửa thế kỉ trước. Nếu thực sự Chính phủ có lệnh phong tỏa toàn quốc, cấm hoàn toàn việc đi lại, thì hiệu lực của nó là hiệu lực pháp luật. Người nào vi phạm sẽ phải trả giá bằng các điều luật. Khi đó vật ngăn cản người dân là luật, là ý thức chấp hành pháp luật, là sức mạnh cưỡng bức bất khả bàn cãi của luật, chứ không phải là những tảng bê tông hay những khối đất vừa nhếch nhác, bẩn mắt, thủ công, vừa cho thấy bộ máy công quyền hành xử quá thô kệch, tùy tiện, thiếu tự tin, thiếu hiểu biết. Đặt giả sử những vật cản ấy gây ra tai họa, thậm chí đại họa cho người tham gia giao thông hoặc không tham gia giao thông (điều hoàn toàn có thể xảy ra) thì ai là người phải chịu trách nhiệm, người dân hay chính quyền? Vả lại, chỉ bằng mấy cái vật cản ấy, người dân có bắt buộc phải chấp hành?

Nhà sản xuất cũng phải bó tay với chiếc xe 'độ' này.
Nhà sản xuất cũng phải bó tay với chiếc xe 'độ' này.
5 anh em trên một chiếc xe.
5 anh em trên một chiếc xe.
Bất chấp địa điểm, cứ mệt là dừng thôi.
Bất chấp địa điểm, cứ mệt là dừng thôi.
Những
Những "tay lái lụa"
Ghế sau hạng sang!
Ghế sau hạng sang!
Đôi khi tham gia giao thông cũng phải đổi mới chỗ ngồi ?
Đôi khi tham gia giao thông cũng phải đổi mới chỗ ngồi ?
Người lái xe
Người lái xe "tài ba"

"Nếu chỉ khiến họ sợ người thi hành luật thì khi không có cảnh sát, họ lại vi phạm như thường..." (Ảnh: Tổng hợp Internet)

Từ chuyện này, tiện thể bàn sang chuyện cảnh sát giao thông có nhất quyết phải chặn phương tiện tham gia giao thông sai luật bằng mọi giá (trừ trường hợp biết rõ việc vi phạm đó nhằm mục đích gây tội ác, chẳng hạn khủng bố)? Chưa bàn đến chuyện, nó quá nguy hiểm (xe đang vận hành tốc độ cao, khó mà dừng kịp khi có người chặn đầu), chưa bàn đến hình ảnh rõ ràng là không hề đẹp của người chấp pháp mà chỉ riêng việc nó cho thấy tính chất nhất thời của sức mạnh luật pháp, có thể truyền đi thông điệp sai lầm (chẳng hạn nếu xe chạy thoát thì coi như luật vô hiệu), đã thấy không ổn. 

Nếu ai từng đi nước ngoài, sẽ chả bao giờ thấy việc cảnh sát giao thông lao ra giữa đường, cuống cuồng chặn xe vi phạm. Họ chỉ cần ra hiệu lệnh, trong trường hợp trực tiếp, còn trong các trường hợp khác (chẳng hạn phát hiện từ phía sau) họ có xe chuyên dụng. Đố anh nào dám bỏ chạy, một khi đã nhận lệnh dừng của cảnh sát hoặc bị xe cảnh sát ra hiệu táp vào lề đường. Và cuối cùng, vẫn còn công cụ camera, dùng để phạt nguội. Phạt nguội có hai trường hợp, một là do cảnh sát phát hiện muộn, thì phạt bình thường, còn trong trường hợp bỏ chạy, camera đã ghi lại biển số, cảnh sát tìm đến, thì mức phạt đủ để ba đời phải cạch chuyện bỏ chạy, thậm chí ở Singapore, người vi phạm còn có thể đi tù!

Nêu ra hai ví dụ ở trên, tôi không có ý hạ thấp vai trò của các cơ quan công quyền mà chỉ muốn nói rằng, pháp luật chỉ thực sự trở thành công cụ giữ trật tự xã hội một cách thường xuyên, luôn đủ mạnh, khi nó có hiệu lực tinh thần. Đành rằng, không thể tránh khỏi trường hợp phải cưỡng bức chấp hành luật nhưng quan trọng hơn là pháp luật phải đủ sức cư ngụ bền vững và rất sâu trong ý thức người dân, tham gia điều chỉnh hành vi của họ khi nó chưa hoặc sắp xảy ra. 

Phải làm sao để người dân thấy luật pháp, thấy sự hiện diện của luật pháp, chứ không phải chỉ thấy (và chỉ sợ) người thi hành luật. Nếu chỉ khiến họ sợ người thi hành luật thì khi không có cảnh sát, họ lại vi phạm như thường hoặc khi chạy thoát cảnh sát, họ lại tìm cách để chạy thoát những lần tiếp theo, tức là luôn sẵn sàng vi phạm tiếp.

Luật pháp có thể chưa đúng, thậm chí một số điều luật nào đó có thể sai (thế nên mới cần sửa đổi, bổ sung hoặc thuật ngữ quen thuộc là tu chính án) nhưng đã là luật, muốn luật có hiệu lực thực tế thì nhất định không được tùy tiện, tùy ý và gây cảm giác nhếch nhác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top