Aa

Không thể cứ tàn phá tài sản xã hội

Thứ Tư, 19/02/2020 - 06:30

Cần phải khẳng định, tại những công trình sai trái đó, thì chính quyền “sai trước”. Cái sai của chính quyền nguy hại hơn cái sai của doanh nghiệp hay cá nhân.

Nhân vụ cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà và những vụ đình đám trước đó như công trình 8B Lê Trực… tôi xin có vài suy nghĩ đầu xuân thế này.

Khá nhiều người, trong đó chủ yếu là các cán bộ, coi việc cưỡng chế, phá dỡ những công trình vi phạm là cần thiết. Lý do chính quyền đưa ra là để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật. Rồi thì họ không làm gì sai, mà chỉ là thực hiện đúng quy trình. Rồi thì đã được tập thể lãnh đạo nhất trí cao, đưa ra quyết định, vân vân và vân vân.

Trong khi không ít người xót của, thì cũng khá nhiều người dân tỏ ra hoan hỷ! Theo báo chí thì chỉ riêng số tài sản bị đập cho nát vụn tại công viên Thanh Hà đã là khoảng 150 tỷ đồng, tức 7 triệu USD. (Con số này sẽ rất khủng khiếp nếu ta biết thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn nhiều nơi chỉ khoảng 1.000 USD/năm).

Tôi là dân xây dựng nên tôi biết, số tiền phá dỡ những tầng nhà vượt quá quy định trong giấy phép ở số 8B Lê Trực tốn gấp nhiều lần số tiền xây chúng lên. Chưa kể tòa nhà có nguy cơ bị hư hỏng, giảm giá trị và công năng sử dụng. Chưa kể thiệt hại về môi trường. Chưa kể gây nguy hiểm cho người xung quanh… Thiệt đơn thiệt kép ấy không thể đo đếm chỉ với hàng con số triệu USD.

Ngoài ra là hàng trăm ngàn trường hợp khác chịu tình cảnh tương tự, không thể liệt kê. Càng không thể cộng lại số tài sản bị biến thành hoàn toàn vô dụng, thậm chí thành... "của nợ" (chẳng hạn lại phải mất tiền xử lý chúng như thứ rác thải độc hại) là bao nhiêu.

Công viên nước Thanh Hà trước khi bị cưỡng chế...
Và sau khi bị cưỡng chế, phá dỡ...

Làm sai tất nhiên phải bị trừng phạt. Nhưng với một công viên hàng vạn mét vuông, tòa nhà to ngang trái núi… xây hàng năm trời, chẳng lẽ các cơ quan quản lý của địa phương không biết? Họ bận đến thế hay sao? 

Tôi dám khẳng định, việc các công trình trên có thể ngang nhiên qua mặt chính quyền, không phải do họ giỏi tàng hình, mà do các cơ quan bảo vệ luật pháp đã bị vô hiệu bằng cách này hay cách khác.

Cần phải khẳng định, tại những công trình sai trái đó, thì chính quyền “sai trước”. Cái sai của chính quyền nguy hại hơn cái sai của doanh nghiệp hay cá nhân. Vì cùng một lúc nó vừa khiến tài sản xã hội lãng phí và phép nước bị coi thường.

Nhưng thôi, việc đó quá lớn so với bài viết này, nên tôi chỉ xin nêu lên vậy thôi. Tôi muốn nói rằng, chúng ta nghèo một phần vì còn để xảy ra những chuyện thế này. Để làm ra của cải luôn vô cùng vất vả, cực nhọc, vậy mà lại tiêu tán tài sản, đem chúng đổ xuống sông xuống biển một cách đơn giản như vậy sao?

Liệu cơ quan chức năng và những người thẳng tay đập phá những công trình ấy có biết rằng, dù tiền của doanh nhiệp, cá nhân hay tiền thuế của người dân, thì đều là tài sản xã hội, là tài sản của đất nước, góp vào việc làm cho đất nước giàu có thêm, số người dân được hưởng lợi tăng lên. Nhiều người, cả quan chức và những người dân thường cảm thấy hả hê (mỗi người có lý do khác nhau) khi có công trình nào đó bị đập bỏ, nhưng chẳng lẽ họ quên mất rằng, trong số tiền ném đi vô tội vạ đó, có cả một phần của họ, của con cháu họ, là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà họ là thành viên.

Nếu chỉ chờ xảy ra sai trái để đập bỏ, cưỡng chế, thì rốt cuộc sẽ chỉ là tiếp tục tàn phá tài sản xã hội mà thôi. Việc cần làm hơn là phải nhanh chóng “set up” lại bộ máy công quyền, để nó thực sự hữu hiệu trong việc quản lý và xứng đáng là nơi người dân yên tâm trông vào mà làm theo luật pháp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top