Aa

Hỗ trợ lãi suất 2%: Ngân hàng kiến nghị được nới room tín dụng

Thứ Bảy, 28/05/2022 - 06:30

Đại diện các ngân hàng cho rằng để có thể sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước cần sớm nới room tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn đang tăng mạnh hiện nay.

Tại hội nghị triển khai Nghị định 31 và thông tư hướng dẫn chính sách hỗ trợ 2% lãi suất được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 27/5 tại Hà Nội, đại diện các ngân hàng cho biết đã sẵn sàng cho kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy nhiên để triển khai hiệu quả, các ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.

Doanh nghiệp được hỗ trợ 2% lãi suất

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung và thời gian tới sẽ song hành cùng với các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai. Chính sách này bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất 20% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Chính điều này sẽ góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.

Cũng theo Phó Thống đốc, gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã giảm chi phí vốn, khôi phục nhanh hơn và sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, giảm bớt chi phí vốn và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

"Đáng lẽ doanh nghiệp vay phải trả lãi suất 6 - 7%/năm nhưng nay được giảm đi 2%, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn hơn khi vay vốn", Phó Thống đốc nói.

Về việc triển khai chính sách, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết khách hàng được giảm trừ trực tiếp lãi suất đối với kỳ trả nợ lãi từ ngày 20/5 đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi gói tín dụng hỗ trợ 40.000 tỷ đồng đã sử dụng hết. 

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), ngày 26/5, ngân hàng này đã bắt đầu triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế áp dụng đối với các thoả thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5 đến 31/12/2023. Agribank sẽ dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được Ngân hàng Nhà nước thông báo, tuỳ theo thời điểm nào đến trước.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, ngay từ trong quá trình dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc rất kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện Nghị định và Thông tư hướng dẫn nhằm sớm đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn.

Kiến nghị tăng room tín dụng

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức tín dụng cũng khẳng định nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp rất lớn, do đó cùng với tư thế sẵn sàng, đa số các ngân hàng như đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay 5 tháng đầu năm nay, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng ở mức trên 9%. Trong khi đó, dư nợ cho vay các đối tượng được hỗ trợ lãi suất chiếm tới gần 30% tổng dư nợ ngân hàng với gần 30.000 khách khàng.

Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Theo ông Cường, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid-19 giống như cơn khát nước sau trận hạn hán, tăng lên rất nhanh, với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank mong muốn được nới room tín dụng. 

Tương tự, ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng cho biết qua rà soát sơ bộ có khoảng 10.000 khách hàng ban đầu đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất và con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và năm tới.

“Bắt đầu từ quý 4/2021 đến nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng lên rất mạnh, đặc biệt là các khách hàng tốt. Trong khi đó, room tín dụng 10% là không thể đáp ứng. Rất mong Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho BIDV và các tổ chức tín dụng khác để triển khai hỗ trợ lãi suất hiệu quả."

Cũng có chung lo lắng như trên, ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) nhận định với chương trình hỗ trợ lãi suất này, dự kiến nhu cầu tín dụng của khách hàng sẽ tăng mạnh trong khi room tăng trưởng hiện tại của VietinBank khá eo hẹp. Do đó, VietinBank đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ có chính sách để hỗ trợ các ngân hàng, như loại trừ các khoản cho vay ưu đãi này ra khỏi cách tính room tín dụng.

Đại diện Agribank và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng để có thể thực hiện được các chương trình ưu đãi lãi suất một cách hiệu quả vì nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là rất lớn khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Đồng quan điểm với đại diện các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá: "Nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng room tín dụng của các ngân hàng là có thực. Do đó, Ngân hàng trung ương cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room."

Cũng tại hội nghị, một số đại biểu cũng cho rằng mặc dù Nghị định 31 đã quy định rõ 11 nhóm ngành được hưởng chương trình hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, việc xác định rõ nhóm ngành đối với từng khách hàng cũng là một trong những vướng mắc đối với các ngân hàng. 

Các đối tượng khách hàng của các ngân hàng là rất đa dạng và phong phú và nếu không có quy định cụ thể thì có thể đẫn đến mỗi ngân hàng áp dụng một kiểu. Bên cạnh đó, ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng đối với chương trình hỗ trợ lãi suất lần này đồng thời cần tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện.

Vì vậy, đại diện các ngân hàng cũng đề nghị chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh thống nhất trong cách truyền thông, không để mỗi ngân hàng lại giải thích một kiểu. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top