Sáng nay khi ngồi uống nước vối, tôi nhìn thấy mấy nụ hồng trước mặt, liền nghĩ đi ghi lại mấy bức hình quanh Am thụy Ứng xem có bao nhiêu loại hoa đang nở. Có hoa ớt, có hoa bí đao. Mùa này là mùa trồng bí và bí đao. Hoa sứ trồng chậu màu đỏ thường nở vào mùa hè. Hoa cải và hoa ngũ sắc. Hoa ngũ sắc là một loại thuốc trị sỏi thận. Và nhất là hoa cau thơm ngát cả Thụy Ứng.
Tiếc là không ghi được các loài chim đang hót. Sáng ra là đã nghe chúng hót líu lo vang khắp không gian. Quý vị nhìn thấy có loài hoa cỏ dại. Có hoa nên rất nhiều loài bớm về hút mật. Thích nhất là buổi sáng tôi ngồi uống nước vối dưới gốc sung, nhìn ra mấy mét dưới cành cây sa la và chú chim đang ấp trên tổ. Đất lành chim đậu, câu nói thật thấm thía.
Tôi kể quý vị nghe câu chuyện tôi ở chùa hồi mười mấy tuổi. Ngày đó tôi thích loại hoa đồng tiền. Có một dịp được vào Huế, tôi xin được mấy khóm đồng tiền đem về trồng ở Tổ đình Sắc Tứ. Hôm đầu tiên tôi được ngắm nhìn cành hoa đầu tiên nở từ chính cây mình trồng. Thích quá, sáng đó sau khi quét chùa xong, tôi ngắt hoa đem lên cúng Bụt. Lòng tràn đầy hạnh phúc đứng ngắm bình hoa đồng tiền mãn nguyện. Trưa, lúc đi làm vườn vào, tôi đang loay hoay rửa tay chân thì Thầy (HT Thích Chánh Trực) gọi đến. Thầy hỏi, nụ hoa đồng tiền thầy thấy hồi sáng ở vườn đâu rồi? Tôi trả lời là con đã ngắt cắm dâng lên Bụt rồi.
Thầy chỉ nói đúng một câu: "chú (chú tiểu) tưởng Bụt chỉ có ở trên ban thờ thôi à?" Đúng là đến hôm nay tôi không hề quên lời Thầy dạy lúc đó.
Tôi kể quý vị nghe một câu chuyện nữa. Chuyện xảy ra ở chùa Từ Hiếu thuộc TP. Huế (lúc này Huế còn thuộc tỉnh Bình Trị Thiên). Lúc đó tôi vừa học xong lớp 12. Học xong lớp 12 thì tôi vào chùa Từ Hiếu ở. Buổi sáng phần tôi phụ trách quét lá từ thềm ra đến trước cổng tam quan. Tôi đang quét thì có một chị đến xin nhặt hoa sứ (hoa đại) và hoa ngọc lan. Tôi nghĩ cây cổ thụ, hoa có làm gì đâu khi rụng nên họ xin thì đồng ý. Ở chùa Từ Hiếu rất nhiều hoa sứ. Tôi đang quét thì thầy Chí Mậu đi ra, thấy người nhặt hoa, thầy bảo không được nhặt. Biết tôi cho họ nhặt hoa, thầy mắng tôi một thôi. Thầy bảo, hoa trong chùa dù mọc ở vườn cũng là để cúng Bụt. Đất chùa là đất Bụt, nên những loài hoa có hương là để cúng dường Bụt và các vị Bồ tát thiện thần trong không gian chùa. Thầy cấm tôi là tuyệt đối không được tự ý làm như vậy.
Hôm nay ở Thụy Ứng có nhiều loài hoa, và tôi không bao giờ ngắt hoa vào cắm là vì vậy. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có làm một bài kệ để chúng ta đọc khi ngắt hoa.
"Xin ngắt một cành hoa
Tặng phẩm của đất trời
Hoa là vị Bồ tát
Làm đẹp cho cuộc đời"
Nếu phải ngắt hoa, quý vị nên đọc câu kệ này rồi mới được ngắt. Đọc kết hợp theo hơi thở vào và hơi thở ra. Chúng ta phải trân quý và thực sự xem hoa như vậy mới đúng. Bồ tát không chỉ là các tượng ngồi trên ban thờ. Chúng ta quen thờ phụng bằng hình tượng, lâu ngày chúng ta bị kẹt vào hình tướng đó mà không thấy được Bồ tát trong đời thường.
Trong kinh thường dùng danh từ trang nghiêm để nói đến các vị Bồ tát là người luôn muốn làm trang nghiêm cho cuộc đời. Trang nghiêm, được Thiền sư Nhất Hạnh dịch là làm đẹp. Trang nghiêm đạo tràng có nghĩa là làm đẹp cho đạo tràng. Trang nghiêm cuộc đời là làm đẹp cho cuộc đời. Những nơi có các vị Bồ tát hiện hữu thì những nơi ấy sẽ được làm cho đẹp lên. Làm đẹp cũng có nghĩa là làm cho cuộc sống có ích. Một loài hoa, một cọng cỏ, một tia nắng cũng rất có ích cho cuộc sống của chúng ta.
Có điều, cái gì mà hiển nhiên quá thường chúng ta không coi trọng dù là rất có ích lợi thiết thực đến chúng ta. Có chánh niệm bạn quan sát được vô số điều mầu nhiệm đang diễn ra quanh mình.
Và, tôi mong bạn nhớ. Chư Phật, chư Bồ tát không chỉ ở nơi chùa chiền, các ngài không phải ngự ở nơi ban thờ và sau những cây hương. Các vị có mặt trong mỗi giọt sương ngọn cỏ, trong từng tia nắng, cánh hoa. Các vị Bụt và Bồ tát cũng có mặt nơi bạn, khi bạn có những tâm niệm thiện, trong lành để làm đẹp cho mình, cho người và cho cuộc đời này!