Aa

Vốn vay thương mại quyết định thành công BOT Trung Lương - Mỹ Thuận

Thứ Sáu, 16/08/2019 - 06:15

Vốn vay thương mại không phải là trọng yếu để việc thông tuyến năm 2020 nhưng sẽ đóng vai trò quyết định việc hoàn thành Dự án vào năm 2021.

Với yêu cầu cấp bách của dự án, nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước đang dự kiến bố trí 2.186 tỷ đồng trong năm 2019 thì phần vốn vay thương mại không phải là trọng yếu để việc thông tuyến năm 2020 nhưng sẽ đóng vai trò quyết định việc hoàn thành dự án vào năm 2021.

Trên thực tế, nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã ký hợp đồng tín dụng với 4 ngân hàng gồm Vietinbank, BIDV, Agribank, VPBank từ tháng 6/2018. Tuy nhiên hơn 1 năm qua, chưa có một đồng vốn tín dụng nào được giải ngân cho dự án.

Điều kiện cho vay không khả thi

Trong cuộc làm việc đầu tháng 8 vừa qua bàn về các vấn đề liên quan đến dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật đã thẳng thắn: “Đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm mời Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng tài trợ tín dụng về tỉnh để bàn bạc, thống nhất ngay. Không thể nào chấp nhận có đến gần 20 rào cản được đưa ra trong điều khoản cho vay được. Cần hỏi thẳng là có cho vay hay không”.

UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì cuộc họp giữa các bên: Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận với đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng cung cấp tín dụng

Đại diện Bộ GTVT chỉ ra nhiều điều kiện cho vay rất ngặt nghèo mà phía ngân hàng tín dụng đặt ra. Đối với phần vốn chủ sở hữu, ngân hàng yêu cầu mức vốn của nhà đầu tư là 30% tổng vốn đầu tư (TVĐT) (bao gồm cả phần hỗ trợ của NSNN) khoảng 3.765 tỷ đồng. Tỷ lệ này theo đại diện Bộ GTVT là cao hơn rất nhiều so với 20% mức áp dụng tính toán cho Dự án cao tốc Bắc - Nam và các dự án khác có mức tối thiểu theo quy định tại Điều 10, Nghị định 63/2018/NĐ-CP khoảng 12% - 15%.

Mặt khác, theo quy định phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để làm cơ sở xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, theo cách tính của ngân hàng, phần vốn cho vay sẽ bao gồm cả phần vốn ngân sách hỗ trợ dự án dẫn đến vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia dự án quá cao, chưa hợp lý. Trong khi đó, tại văn bản số 4878/BGTVT-ĐTCT ngày 19/05/2019, Bộ GTVT đã có ý kiến với ngân hàng Vietinbank khuyến nghị áp dụng mức vốn chủ sở hữu là 20% như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo phương án thẩm định trước đây, xuất phát từ chênh lệch doanh thu thực tế tại trạm thu phí TP.HCM - Trung Lương cao hơn rất nhiều so với phương án tài chính đã ký trong hợp đồng tín dụng với ngân hàng, dẫn đến nhà đầu tư trước đây đã thống nhất với ngân hàng việc áp dụng mức vốn chủ sở hữu khá cao (30% TVĐT tương đương 2.940 tỷ đồng).

Vì vậy, theo yêu cầu của ngân hàng về tỷ lệ vốn chủ sở hữu tiếp tục là 30% sẽ sai khác rất lớn so với các quy định và các dự án đã triển khai, đồng thời chưa phù hợp với ý kiến của Bộ GTVT, Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt khả năng đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư hiện nay.

Đối với phần vốn vay tín dụng, việc yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu 30%, vốn hỗ trợ NSNN 20,5% thì ngân hàng chỉ cho vay tối đa 49,5% tổng vốn đầu tư, khoảng 6.210 tỷ đồng. Ngân hàng còn yêu cầu nhà đầu tư đàm phán với các tổ chức tín dụng khác để cho vay phần thuế GTGT và gửi thông báo cam kết cấp tín dụng (khoảng 930 tỷ đồng) đến ngân hàng đầu mối trước ngày giải ngân đầu tiên. Đây là yêu cầu rất khó đáp ứng khi thời gian hoàn thuế VAT phụ thuộc vào việc giải quyết của cơ quan thuế và khả năng ngân sách từng giai đoạn.

Với các yêu cầu phân bổ mức vốn theo cách tính như trên thì tỷ lệ cho vay là quá thấp. Trên thực tế, ngân hàng Vietinbank đã cho các dự án tương tự vay với tỷ lệ vốn cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên có thể do các quan ngại về rủi ro hiện nay Ngân hàng đã đẩy mức yêu cầu vốn chủ sở hữu rất cao và giảm tỷ lệ cho vay rất thấp tương đương 50% TVĐT.

Tiền lệ khó cho các dự án PPP

Ngoài ra, ngân hàng cấp tín dụng còn yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo cho hoạt động thu phí của các trạm thu phí thuộc dự án không bị gián đoạn, đảm bảo lộ trình tăng phí như đã cam kết trong Hợp đồng BOT ký với doanh nghiệp dự án. Mọi sự thay đổi có thể làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án phải được sự thống nhất giữa các tổ chức tín dụng hợp vốn, doanh nghiệp dự án và UBND tỉnh Tiền Giang trước khi được ký kết.

Đồng thời, UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ Giao thông Vận tải phải cam kết không đầu tư vốn để mở rộng, cải tạo các tuyến đường hiện hữu, thay đổi quy hoạch giao thông so với thời điểm hiện hữu, thay đổi qui hoạch giao thông so với thời điểm thẩm định làm thay đổi, phân lưu theo tính toán của phương án tài chính đã ký kết.

Việc hoàn thành Dự án phụ thuộc vào vốn vay thương mại (Ảnh minh họa)

Đối với điều kiện giải ngân, tổ chức tín dụng bắt buộc kể từ ngày ký hợp đồng không có sự thay đổi bất kỳ bất lợi nào cho dự án mà ngân hàng đặt ra. Bộ GTVT cho rằng, thực tế, đây là điều kiện không rõ ràng nên ngân hàng có thể không giải ngân bất kỳ lúc nào.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: “Việc khơi thông nguồn vốn tín dụng mới là vấn đề quyết định dự án có làm được hay không, chứ không phải là chỉ trông chờ vào phần vốn ngân sách”.

Ngày 8/8/2019 tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận với đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng cung cấp tín dụng. Tại cuộc họp, ông Vũ Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ PPP, Bộ GTVT trao đổi về các quy định yêu cầu vốn chủ sở hữu cần tuân thủ theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Theo đó, quy định “Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu” và cần tham khảo các Dự án đã áp dụng tương tự.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng đã phát biểu: Việc TVĐT trừ đi phần vốn NSNN tham gia để tính phần vốn tự có của nhà đầu tư là do ngân hàng cho vay quyết định, việc điều chỉnh giá thu 15%/3 năm là không có cơ sở, không vận dụng các mô hình cam kết của tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng để làm việc với tỉnh Tiền Giang,…

Đại diện chủ đầu tư cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho BOT Trung Lương - Mỹ Thuận việc tham khảo các dự án tương tự là cần thiết và tỷ lệ vốn chủ sở hữu 30% là quá cao so với mặt bằng chung.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: “Đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại, các ngân hàng cần mạnh dạn tham gia cho vay, đồng thời đề nghị các ngân hàng không áp đặt tỷ lệ vốn tự có của nhà đầu tư bằng 30% TVĐT là điều kiện tiên quyết. Hiện nay, các ngân hàng thương mại không thiếu vốn, nếu có thiếu thì NHNN sẵn sàng bù đủ vốn cho nhu cầu tín dụng của dự án, việc đi vay và cho vay đúng ra cần được vui vẻ từ hai bên.”

Ở một Dự án trọng điểm và có rất nhiều lợi thế như Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện nay, được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ nhưng vẫn đang đứng trước nguy cơ trễ hẹn bởi các điều kiện vay vốn thương mại. Việc đưa ra tỷ lệ vốn chủ sở hữu 30% sẽ tạo tiền lệ và sẽ là bài toán khó không riêng cho BOT Trung Lương - Mỹ Thuận mà còn cho tất cả các dự án PPP hiện nay, kế cả các Dự án cao tốc Bắc - Nam sắp tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top