Aa

“Hoắng“ những comment

Thứ Bảy, 05/06/2021 - 13:00

Không thể nào có một đối thoại ôn hòa, cùng hướng về việc tìm kiếm tri thức, sự đồng thuận hoặc giải pháp tối ưu khi mà một bên thích phá đám, chửi đổng, văng tục vô lối…

Hôm rồi, có một anh bạn chat với tôi, than phiền về một người bạn nọ, vốn cũng được coi là chỗ thân tình, đã cho anh một phen "bẽ mặt" trên Facebook. Chuyện là, anh bạn tôi viết một cái status (bài đăng) nói về chuyện sách vở, khi viết đãng trí, ghi sai tên tác giả. Chuyện chẳng có gì, nếu anh ta viết vào trong Messenger nhắc sửa lại thì tốt biết bao. Đằng này, anh ta muốn khoe kiến thức, muốn tỏ ra hơn người, muốn tỏ vẻ ta đây, nên comment (bình luận) thẳng vào dưới bài của bạn tôi với một cái giọng rất trịch thượng, xúc phạm. Anh ta bảo: “Đây là những kiến thức phổ thông, không được phép sai”. Người bạn tôi tỏ ra rất buồn về chuyện này…

Mươi năm trở lại đây, số người tham gia Facebook ngày càng đông, mà tôi là một trong số đó. Trong rất nhiều chức năng (đưa tin, bài, ảnh, share, like…), có một chức năng là bình luận (comment) dưới bài của một ai đó mà mình kết bạn.

facebook
Ảnh minh họa.

Các bình luận xuất phát từ rất nhiều động cơ. Thường thấy nhất là tán đồng, tán dương, động viên, khích lệ, khen, ngợi ca tin/bài của ai đó gắn liền với nội dung nào đó. Tiếp nữa là bàn luận, thậm chí tranh luận, phản ứng lại ý kiến của ai đó (chủ trang, người tham dự, hoặc nhân vật trong câu chuyện…). Ở loại bình luận này, tình trạng các ý kiến bị phân hóa rất cao, chia làm nhiều ngả, với các thái độ cũng rất đa dạng, khác nhau. 

Khổ một nỗi, do dung lượng có hạn, cũng lại do các ý kiến được trình bày dưới dạng lời thoại ngắn, trực tiếp, nên hầu như không bao giờ có thể trình bày hết/rõ các ý một cách bài bản, hệ thống, có đầu có cuối được. Từ đó dẫn đến mấy tình trạng:

1) Nếu người đối thoại đòi hỏi “làm cho ra nhẽ”, tức là kỳ cùng lý, thì câu chuyện sẽ không bao giờ được đáp ứng, mà một khi không được đáp ứng dễ sinh mất bình tĩnh, dễ xúc phạm nhau.

2) Nếu người đối thoại biết dừng lại với một thái độ ôn hòa, có phần chấp nhận, giữ hòa khí và được người thoại chấp nhận, tự điều chỉnh cuộc thoại, câu chuyện sẽ dẫn đến một cảm xúc dễ chịu.

3) Nhưng có những trường hợp, ngay cả một bên thoại chủ trương ôn hòa cũng không được bên kia chấp nhận, thậm chí bị mạt sát, xúc phạm, cáo buộc… Lúc đó, bên chủ trương ôn hòa rất dễ bị tổn thương và có khi rơi vào tình thế dở mếu dở cười.

Ảnh minh họa.

Việc tham gia sinh hoạt trên Facebook, thực chất là tham gia vào truyền thông giao tiếp đại chúng, một mặt các chủ thể tham thoại không thể đòi hỏi đồng đều về tri thức, tính cách, đạo đức, ý thức dân chủ… Nhưng nếu trong một xã hội có mặt bằng tri thức tương đối cao, ý thức dân chủ cũng cao theo, các sinh hoạt truyền thông chắc chắn cũng được nâng cao về tư thế, vẻ đẹp văn hóa của nó. Không thể nào có một đối thoại ôn hòa, cùng hướng về việc tìm kiếm tri thức, sự đồng thuận hoặc giải pháp tối ưu khi mà một bên thích phá đám, chửi đổng, văng tục vô lối…

Trở lại câu chuyện trên kia, nghe xong, tôi hỏi: “Thế cậu trả lời trên Facebook thế nào?”. Bạn tôi bảo: “Còn biết nói thế nào nữa. Chả lẽ lại đôi co, bóc mẽ nó trên Facebook ư? Mặt nó xấu thì mặt mình đẹp được? Nhưng mình cũng nhắn vào chỗ chat mấy câu, thế là im. Cái tính thằng này vẫn hay tinh tướng vậy”. 

Quan sát trên mạng hiện nay, các status thì nhiều nhưng chất lượng các thông tin về cơ bản rất ít, phần lớn là chuyện tán nhảm, hoặc cãi lộn, hoặc chửi đổng. Có người nhận xét: Xem dân mạng chửi nhau mới thấy dân mình hung hãn thật.

Đến đây, tự nhiên nhớ đến một câu văn của cụ Nam Cao trong “Nhật ký ở rừng” thật chí lý rằng chúng nó “chẳng yêu một cái gì, chẳng làm gì. Chúng nó chỉ có tài chửi đổng!”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top