Làng tôi xưa có những đầm sen rộng bao quanh. Những khu đầm này hầu như nối liền nhau thành dải theo chân đê sông Đuống, dài tít mãi về mạn hạ lưu, đằng Gia Bình, Lương Tài kia. Có lẽ việc hình thành những đầm sen chân đê ở quê tôi là do người ta đào đất đắp đê chống lũ mà nên.
Đầm rất sâu. Ngày xa xưa nghe nói hầu như không tát đầm bao giờ nên có nhiều cá rất to. Có những con cá trắm, cá chép vài chục cân đen bóng, râu ria xùm xòa như yêu tinh, trẻ con nhìn thấy khóc thét!
Đầm sen xưa vốn là nơi kiếm con cua con cá của cả làng, nên làng tôi mới có câu, “chim trời cá nước mạnh ai người nấy kiếm”.
Sang thời hợp tác xã, bỗng dưng đầm sen thành ra của hợp tác xã từ lúc nào. Họ bắt đầu đắp bờ, khoanh đầm trồng sen, nuôi cá. Và hồi bấy giờ, đất nước đang tiến lên sản xuất lớn nên trang bị cho mỗi hợp tác xã vài chiếc máy bơm chạy dầu diesel nổ bành bạch váng làng, phun khói đen sì. Và thế là đến dịp cuối năm nước cạn, các ông hợp tác bèn bày chuyện tát đầm vét cá ăn tết. Cái máy bơm ấy khỏe phết, cứ chạy rền giã cả ngày lẫn đêm, hàng tuần ròng rồi nước đầm cũng cạn đi trông thấy.
Nước cạn đến khi chỉ còn những khoang nhỏ trũng thì máy bơm không chạy được nữa mà phải phân công xã viên đi be bờ, dùng gầu giai, gầu sòng tát cạn dần từng khoanh. Và lúc ấy đám trẻ choai bọn tôi bắt đầu í ới gọi nhau đi hôi cá.
Ra đến bờ đầm nhìn đám cá chép vàng ươm, cá mè trắng nhợt, cá trắm cá chuối đen sì lúc nhúc hoảng hốt quẫy đạp trườn lên nhau tìm đường thoát thân thấy khoái trá làm sao! Bọn chúng tôi vận độc cái quần đùi, giỏ ngang lưng rập rình lội bùn vây quanh vũng cá chỉ chỏ suýt xoa, giá mà tóm được con cá chép vàng ươm kia về rán vàng thì chắc phải hết nửa nồi cơm...
Nhưng bồ dục không đến bàn thứ tám! Các cụ quê tôi vẫn bảo thế. Những con trắm, con chép, con mè to đùng như chiếc quạt nan kia chẳng bao giờ thấy ở bữa ăn của các gia đình xã viên. Những con cá ấy như có cánh, từ đầm sen bị tóm lên rồi đi biệt tích đâu ngay chẳng rõ. Nhưng bọn choai chúng tôi cũng không quan tâm đến chuyện ấy lắm. Chúng tôi còn thao láo đôi mắt và đôi chân thì tự động rập rình tiến dần về phía các ông bà xã viên được phân công bắt cá cho vào thuyền kia.
Chỉ đợi họ hô một câu, xong! Là chúng tôi ào xuống vũng bùn lầy mò mẫm, tìm kiếm những con cá còn sót lại. Mặc bùn lầy, mặc gai sen cào xước chân tay, chúng tôi đằm sâu xuống, lần mò những con trê, con giếc, con rô, con chuối, trạch chấu, lươn... vốn thấy động nước đã lẩn sâu xuống bùn từ mấy hôm trước. Vả lại, những ông bà xã viên hợp tác hồi ấy toàn là bố mẹ, cô dì chú bác, anh em trong làng được phân công đi bắt cá cho hợp tác, hình như họ cũng ngầm bảo nhau qua quýt, còn thì để cho đám trẻ con kiếm tí về nhà cải thiện.
Nên thực sự là những buổi hôi cá ấy nhiều khi thu hoạch rất khá. Không những cá, chúng tôi gặp gì vơ đấy: tôm, cua, ốc, trai... cho vào giỏ tất. Thậm chí có thằng số đỏ còn lận trúng vào lưng con ba ba nặng mấy cân, móc lên đem về nấu chuối đậu thì đúng là một sự kiện tiệc tùng cho đến mấy năm sau còn nhắc lại!
Thế nhưng, vui nhất của hội đi hôi cá phải là khi một thằng nào đó chạm vào một con cá chuối hoa to, nặng cỡ 4 - 5kg kia. Là vì giống cá này rất khỏe, bắt tay bo trong bùn với nó cực kỳ khó khăn. Nó vùng vẫy và lao trong bùn như một cái tàu ngầm. Cả bọn hò reo rú rít lao theo vật lộn với con cá, vật lộn lẫn nhau trong bùn lầy, thằng nào thằng ấy bùn phủ đen nhẫy từ đầu đến chân trông như ma cả lũ... Thế rồi hết buổi hôi ra về thằng nào cũng kiếm được một giỏ đầy nặng trĩu. Giếc, tôm, tép... đem mổ rửa sạch nấu dưa ăn ngay. Còn cá đen sống dai như trê, chuối, rô nhốt vào chum nước để dành ăn dần.
Nay đầm sen nuôi cá quê tôi chẳng còn.
Những ký ức tát đầm lấy cá ăn tết cũng đã xa xưa lắm rồi. Nhưng mỗi dịp gần tết, đi qua những khu đầm xơ xác cọng sen già tôi lại nhớ đến cảnh đi hôi cá thuở xưa. Vui lắm cơ...