Ở đây là bàn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Xã hội văn minh có mấy cái trụ cột mà con người trong đó phải tuyệt đối tôn trọng: Đã cam kết là phải thực hiện. Đã có nợ là phải trả. Và giàu có là biết san sẻ.
Nước ta từ ngàn xưa đến nay là một xã hội nông nghiệp. Việc sản xuất giao thương buôn bán đều ở mức độ nhỏ. Thế nhưng cha ông ta cũng truyền dạy lại cho con cháu những chuẩn mực đạo đức trong làm ăn buôn bán.
Ví như câu: “Chữ tín quý hơn vàng”. Để có được chữ tín quý hơn vàng mười kia thì khi người ta làm ăn buôn bán, đã cam kết với nhau thế nào là phải thực hiện đúng như thế, chứ không có kiểu ngày nay cam kết thế này nhưng ngày mai ngày kia giá cả hàng hóa so với lúc cam kết tăng lên hay giảm xuống lại không muốn thực hiện cam kết khi trước nữa. Không. Tuyệt đối không được. Bởi đấy chính là chữ tín trong làm ăn.
Tương tự như vậy, phàm đã là người đi làm ăn kinh doanh, chuyện vay nợ tiền vàng để đầu tư vốn liếng hay nợ nần tiền hàng hóa là chuyện đương nhiên. Hỏi ai đã từng đi làm ăn sản xuất kinh doanh mà không có nợ? Thế nên bản báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp mới luôn có hai phần: Nợ - Có, song hành!
Bởi vậy nợ nần là điều tất yếu. Có điều nợ ở đâu, nợ thế nào và người chủ doanh nghiệp không bao giờ được xao lãng cái câu, nợ phải trả! Đó là sức ép và cũng là động lực bắt người ta phải tiến lên. Và hơn hết có thanh toán nợ nần đúng hạn mới giữ được chữ tín, giữ được uy tín cho doanh nhân trên thương trường.
Còn một khi đã sản xuất kinh doanh thành công, đã đóng thuế theo luật và trở nên giàu có, thì doanh nhân lại có trách nhiệm tự thân với xã hội: San sẻ sự giàu có của mình. Đó là đạo đức. Đó cái phẩm chất người của từng cá nhân.
Thật ra với các doanh nhân (trong bài này tôi chỉ đề cập các doanh nhân chân chính là những người tổ chức sản xuất kinh doanh đem lại những sản phẩm, dịch vụ tiện ích cho xã hội; Không để cập đến những kẻ gian thương, buôn lậu hay là lợi dụng cơ chế, lợi ích nhóm "đục khoét" của dân, của nước, những kẻ đó không được gọi là doanh nhân với sự trân trọng của từ này!) khi bắt đầu bước vào khởi nghiệp, họ đã mang trách nhiệm xã hội trên vai. Mới đầu là trách nhiệm với vợ con gia đình, người thân. Sau là trách nhiệm với nhân viên của mình. Và rồi sẽ là trách nhiệm với xã hội...
Đời doanh nhân là trùng trùng điệp điệp, những dãy núi dài trách nhiệm! Nói thế để thấy, nếu không có lòng dũng cảm, không có khao khát thay đổi cuộc sống, không có khát vọng vượt lên thì không thể làm doanh nhân được; chỉ nên sống cuộc đời làm công ăn lương hoặc trồng cấy gì đó trên mảnh ruộng be bé của mình mà thôi.
Doanh nhân là phải làm khác, nghĩ khác. Làm lớn nghĩ lớn. Là phải chịu trách nhiệm với rất nhiều người, chịu trách nhiệm với xã hội. Doanh nghiệp lớn thành công, doanh nhân thành đạt luôn là những thành phần cơ bản cấu tạo nên sự phồn vinh của một đất nước. Bạn đã thấy ở một quốc gia văn minh phát triển nào mà lại không có một hệ thống các doanh nghiệp hùng hậu và một tầng lớp các doanh nhân thành đạt không?
Các doanh nghiệp thành công và các doanh nhân thành đạt ấy thường cống hiến cho xã hội rất nhiều. Họ luôn biết san sẻ, như một lẽ tự thân. Bill Gates, Warren Buffett... và rất rất nhiều các nhà tỷ phú trên thế giới khác họ lại dành phần lớn tài sản cá nhân của mình kiếm được để làm từ thiện, san sẻ sự giàu có của mình với mọi người. Đó chính là họ đã làm trách nhiệm xã hội của mình một cách tự nhiên.
Suy cho cùng, với một doanh nhân thành đạt, khi đã có nhiều tiền tới một mức độ nào đó, họ bỗng thấy tiền chỉ còn là những con số. Và họ tính toán sử dụng những con số đó sao cho ích lợi nhất. Tất nhiên, đừng ai đòi dạy khôn các doanh nhân làm gì, họ giỏi hơn chúng ta nhiều, thế nên họ mới có gia sản khổng lồ đến vậy!
Đấy là chuyện thế giới. Trở lại chuyện nước nhà. Nền kinh tế nước ta bắt đầu khởi sắc và phát triển vài chục năm nay. Chúng ta đã bắt đầu có những doanh nghiệp được gọi là thành công và những doanh nhân thành đạt. Và họ cũng đã bắt đầu thể hiện vai trò của mình trong xã hội. Họ bắt đầu san sẻ sự giàu có của mình bằng việc tài trợ các chương trình từ thiện, bằng việc hỗ trợ trao thưởng cho các tài năng khoa học, văn nghệ, thể thao. Thế nhưng bên cạnh đó, phần lớn các doanh nhân của chúng ta vẫn rụt rè và rón rén trong việc san sẻ bớt sự giàu có của mình cho xã hội. Tại sao vậy? Họ e ngại điều gì đó từ những con mắt định kiến cổ hủ hay là họ chưa nghĩ được thấu đáo là, mình làm giàu từ đâu và việc mình san sẻ sự giàu có của mình cho cộng đồng cũng như là sự trả lại “ân nghĩa” những nơi từ đó mình đã lớn lên như ngày nay...
Bởi thế mới có câu: “Giàu có là phải san sẻ”, như là một trách nhiệm xã hội hiển nhiên là vậy!