Thế nhưng mấy hôm nay, khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống thì mới thấy một vấn đề đặt ra là, có những trường hợp chẳng nhấp môi đến chén rượu, hớp bia nào nhưng nếu cảnh sát giao thông kiểm tra vẫn có thể bị phạt vì máy đo sẽ báo chính xác là trong hơi thở có cồn! Tại sao vậy? Vậy rượu kia nó ở đâu mà ra?
Theo một số thực nghiệm công bố trên các phương tiện truyền thông và ngay cả ông vụ phó An toàn giao thông cũng đã xác nhận thì, rõ ràng là chỉ cần ăn hai quả vải hoặc vài loại hoa quả nào đó là cũng có thể chúng ta đã nạp rượu một cách vô thức vào người. Điều đó đúng hay sai?
Xin thưa các bạn, về mặt nguyên tắc hoàn toàn đúng!
Các bạn biết rằng, rượu vang được làm từ nho, chỉ cần đem ủ nước ép nho trong thùng dưới hầm sau một thời gian là thành rượu vang, và rượu vang thành phẩm đó có độ cồn là 12 - 15% mà không phải qua chưng cất gì.
Rượu hoa quả các loại khác nhau cũng vậy, chỉ cần ủ nước ép hoa quả trong một thời gian và nhiệt độ thường là cũng cho ra rượu hoa quả cũng có độ cồn tương tự. Việc chế biến nước ép từ hoa quả chín ra rượu là việc đơn giản mà nhân loại đã làm hàng ngàn năm nay.
Bởi đường Glucose (gọi là đường đơn: công thức hóa học là C6H12O6) có nhiều trong các loại hoa quả, rất dễ dàng biến thành rượu (công thức hóa học là C2H5OH) do bản thân trong các loại quả đó đều có sẵn các loại men để biến đường thành rượu. Thậm chí, các loại quả chín không cần phải ủ ấp gì nhiều thì cũng tự động sinh ra rượu và các hoạt chất khác, vì đây là quá trình sinh hóa đã được lập trình sẵn của thiên nhiên.
Bởi thế, trong các loại hoa quả có vị ngọt như vải, nhãn, chuối, mít, sầu riêng… thường có rất nhiều đường đơn Glucose. Từ đường đơn này chuyển thành rượu chỉ là một bước đơn giản. Hoa quả chín chỉ cần để trong điều kiện nhiệt độ bình thường là các men có sẵn trong đó khởi động ngay quá trình rượu hóa Glucose. Nếu chúng ta ăn quả đó thì một cách vô tình đã “uống” một lượng rượu nhỏ mà không hề chạm chén… Mà trong ăn uống sinh hoạt hàng ngày chúng ta không thể chủ động được việc ăn những quả gì và ăn vào lúc nào để mà không vô tình nạp rượu.
Nhân đấy tôi bèn soi lại các điều khoản phạt của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và chợt nhận thấy có một khoản hết sức vô lý: “Phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng với xe máy, phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng với ô tô nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn từ 0 đến 0,24ml trên 1l khí thở.”!
Tôi không tin vào mắt mình khi đọc cái điều quái gở trên đây: Nếu thế thì người dân cả nước này cứ đo là bị phạt, bởi từ 0 trở lên kia mà!
Có lẽ các cơ quan quản lý nhà nước cần có động tác đình chỉ để sửa gấp điều khoản này để cho luật có thể đi vào cuộc sống một cách khoa học, đúng đắn hợp lý.
Nhân dịp này có nhiều người thắc mắc là nếu chúng ta uống rượu, thì bao lâu cơ thể sẽ thải hết ra ngoài và đo khí thở không còn? Đây là câu hỏi hóc búa bởi mỗi cơ thể con người ta rất khác nhau nên khó mà có đáp án chung, và nhất là vấn đề quan trọng nhất là bạn đã nạp một lượng rượu - bia là bao nhiêu vào người! Theo khuyến cáo của Ủy ban an toàn giao thông Mỹ thì sau khi uống rượu, 36 tiếng sau - tức là một ngày rưỡi, bạn mới được cầm lái, bởi lúc đó rượu mới thải trừ hết ra khỏi cơ thể!
Tiện đây tôi xin nhắc lại một số kiến thức vừa viết ở bài số trước: “BẢO VỆ GAN TRƯỚC RƯỢU BIA THẾ NÀO?”
Gan là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phân hủy và thải trừ rượu chúng ta đã uống vào người. Để tăng cường khả năng giải rượu của gan, chúng ta có thể tăng lượng nước uống vào cơ thể để thúc đẩy quá trình đào thải. Đặc biệt việc phân hủy rượu ở gan có một chất đóng vai trò rất quan trọng đó là Choline, chất này có nhiều trong lòng đỏ trứng gà. Nếu vì một hoàn cảnh nào đó mà chúng ta trót uống say thì sau đó ta có thể nạp ngay vài cái lòng đỏ trứng gà vào cơ thể ấy cũng là một biện pháp hữu hiệu mà nhiều người đã thực hiện cho kết quả tốt.