Hôm nay 19/5, đúng 7h sáng, lễ khởi công đã được triển khai tại khu vực trước nút giao với đường Trường Sa (Km4+400), xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Thông tin trên báo Chính Phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công Dự án cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng.
Tham dự lễ khởi công có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Trần Sỹ Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự án cầu Tứ Liên là công trình giao thông trọng điểm, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Việc triển khai dự án đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27/11/2025. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra yêu cầu sớm thực hiện dự án tại Nghị quyết số 77/NQ-CP – phiên họp thường kỳ tháng 3/2025, cũng như tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui mừng khi được tham dự sự kiện khởi công trong không khí cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 – 19/5/2025), tiến tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Sự kiện cũng nối tiếp chuỗi hoạt động khởi công, khánh thành nhiều công trình trọng điểm quốc gia và dự án quy mô lớn trên cả nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Theo Thủ tướng, lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, mà còn là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội – một thành phố ngàn năm văn hiến, anh hùng, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người và là Thành phố vì hòa bình. Dự án thể hiện tầm nhìn phát triển nhanh, bền vững, phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của Hà Nội trong vùng và cả nước.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ: Quá trình phát triển của Hà Nội còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi bật là hai vấn đề cấp bách: hạ tầng giao thông và ô nhiễm môi trường. Thủ tướng yêu cầu thành phố cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, xây dựng lộ trình phù hợp và khả thi, đồng thời tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề này.
Khẳng định vai trò chiến lược của dự án, Thủ tướng nhấn mạnh: Cầu Tứ Liên sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn giao thông của Thủ đô, kết nối hiệu quả giữa các khu vực trong thành phố, đồng thời mở rộng liên kết vùng và quốc tế, thông qua các cửa ngõ quan trọng như sân bay Nội Bài và sân bay Gia Bình trong tương lai.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Internet
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, cầu Tứ Liên là một trong 18 cầu đường bộ vượt sông Hồng có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông, phát triển đô thị hai bên sông và kết nối đồng bộ với Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) và các tỉnh, khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng.
Dự án cũng giảm tải cho các cầu hiện hữu, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
“Đây là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025. Đồng thời, UBND TP. Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi công một loạt 6 công trình cầu lớn trong năm nay, gồm: cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc. Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc. Sau khi hoàn thành vào năm 2027, đây sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của TP. Hà Nội”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Theo như phương án được phê duyệt, cầu Tứ Liên sẽ vẫn giữ được nguyên phương án thiết kế kiến trúc dây văng, trụ dài hình xoắn.
Trước đó, Dự án cầu Tứ Liên đã được Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 30/3/2020. Thời gian qua, UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (Ban Giao thông) làm đầu mối, phối hợp cùng Sở Xây dựng và các đơn vị tư vấn tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án cầu Tứ Liên và tuyến đường nối từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.

Phối cảnh kiến trúc của cầu Tứ Liên. Ảnh minh họa
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho biết, toàn bộ tuyến từ nút giao Nghi Tàm (quận Tây Hồ) đến nút giao với đường Vành đai 3 (thuộc cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) có tổng chiều dài khoảng 11,5km.
Phần cầu Tứ Liên dài khoảng 2,9 km, bao gồm cầu chính dài 1km vượt sông Hồng.

Cầu Tứ Liên sẽ được triển khai thi công trong giai đoạn 2025-2028. Ảnh minh họa
Theo thiết kế, cầu có mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn dành cho người đi bộ. Nhịp chính của cầu sẽ bắc qua sông Hồng, kết nối khu vực bờ Tây (dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm)qua địa bàn các phường Yên Phụ, Tứ Liên thuộc quận Tây Hồ) với bờ Đông sông Hồng.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, với số vốn đầu tư, phương án xây dựng mới nhất giúp giảm từ 3.000 - 4.000 nghìn tỷ đồng so với dự toán hơn 19.000 tỷ đồng trước đó. Dự án sẽ được triển khai thi công trong giai đoạn 2025-2028.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ, phạm vi giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu sẽ triển khai trên địa bàn ba phường: Yên Phụ, Quảng An và Tứ Liên.
Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 266.524,1m2, với 558 trường hợp bị ảnh hưởng, bao gồm: 322 trường hợp đất ở, 230 trường hợp đất nông nghiệp, 3 tổ chức và 3 khu đất công.
Trong số này, có 194 hộ dân có nhu cầu tái định cư, phân bổ cụ thể như sau: phường Quảng An 84 trường hợp, Yên Phụ 56 trường hợp và Tứ Liên 54 trường hợp.
Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho toàn bộ khu vực thuộc quận Tây Hồ là hơn 2.884 tỷ đồng.
Cầu Tứ Liên được đánh giá là công trình giao thông cấp đặc biệt, việc khởi công các dự án cầu vượt sông Hồng kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế của TP. Hà Nội.

Cầu Tứ Liên được xem là công trình giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội. Ảnh minh họa
Việc khởi công xây dựng cầu Tứ Liên không chỉ là công trình giao thông đơn thuần mà còn là biểu tượng của một tầm nhìn phát triển chiến lược, dài hạn. Vắt qua dòng sông Hồng lịch sử, cầu Tứ Liên như một nhịp nối thời đại, kết nối khu trung tâm văn hiến nghìn năm với vùng đất giàu tiềm năng phía Bắc Thủ đô.
Đây không chỉ là cây cầu của hạ tầng, mà còn là cây cầu của kỳ vọng: Mở lối cho đô thị hóa hiện đại, khơi dòng chảy đầu tư, kiến tạo nên một trục phát triển mới nơi những cánh đồng xưa sẽ hóa thành phố thị phồn hoa. Mỗi nhịp dầm đặt xuống không chỉ là thép, bê tông, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về khát vọng vươn xa, phát triển đồng đều và bền vững của Thủ đô ngàn năm tuổi.
Trước đó, vào tháng 11/2024, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) đã ký kết biên bản ghi nhớ, chính thức hình thành liên danh nhà thầu để tham gia đấu thầu dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng).
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án thành phần liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng tại các địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Cầu Tứ Liên có tổng chiều dài tuyến là 5,15km. Điểm đầu của dự án kết nối với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ), điểm cuối nối vào đường Trường Sa (huyện Đông Anh).
Tuyến đường dẫn phía Tây (đầu Nghi Tàm) được thiết kế rộng 48m, còn tuyến phía Đông (đầu Đông Anh) có mặt cắt ngang lên tới 60m. Riêng cầu Tứ Liên là cầu dây văng hiện đại, có mặt cầu rộng 43 m, nhịp chính dài 500m với dầm thép liên tục, trụ tháp cao 185m hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn kiến trúc mới bên bờ sông Hồng.
Ngoài phần cầu chính, dự án còn bao gồm hai nút giao lớn: một với đường Nghi Tàm, một với đường Trường Sa, cùng với hệ thống hầm chui, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, vỉa hè, chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật và cây xanh cảnh quan – tạo nên một tổ hợp giao thông hiện đại, hài hòa với không gian đô thị trung tâm và vùng mở rộng phía Bắc Thủ đô.
Sông Hồng không chỉ là dòng nước đỏ phù sa bồi đắp đất đai, mà còn là mạch nguồn văn hóa, lịch sử nuôi dưỡng hồn cốt Thăng Long - Hà Nội suốt hơn một thiên niên kỷ.
Dòng sông Hồng đã chứng kiến những thăng trầm của kinh đô xưa, soi bóng biết bao công trình, biến chuyển và giấc mộng phát triển. Ngày nay, mỗi nhịp cầu vắt qua sông Hồng không chỉ nối bờ, mà còn nối những khát vọng dựng xây Thủ đô hiện đại trên nền di sản ngàn năm. Cầu Tứ Liên sau khi được xây dựng sẽ là một dấu son mới trên dòng chảy thiêng liêng ấy.