Aa

Hơn 40 doanh nghiệp điện mặt trời ở Gia Lai lao đao vì tiết giảm, sa thải công suất

Thứ Bảy, 25/09/2021 - 16:20

Việc ồ ạt phát triển điện mặt trời trong tình trạng nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn quốc giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến tình trạng dư nguồn cung, buộc phải tiết giảm công suất.

Điều này, khiến hơn 40 doanh nghiệp điện mặt trời ở Gia Lai đang đứng trước nguy cơ phá sản, không trả được nợ trước áp lực lãi suất ngân hàng từ các khoản vay để đầu tư vào điện mặt trời.

Hơn 40 doanh nghiệp điện mặt trời “kêu cứu”

Ngày 20/9, Công ty Điện lực Gia Lai có Công văn số 3175/GLPC-ĐĐ+KD gửi các đơn vị Điện lực trực thuộc về phương án huy động nguồn điện mặt trời áp mái. Công ty Điện lực Gia Lai giảm công suất huy động đối với tất cả các hệ thống điện mặt trời đấu nối vào lưới điện trung áp, hạ áp của công ty từ ngày 20 đến 26/9. Phương thức thực hiện công suất huy động tối đa không được vượt quá 50% công suất lắp đặt. Đối với các khách hàng điện mặt trời có sử dụng điện để sản xuất kinh doanh thì tiết giảm 50% công suất phát ngược lên lưới.

Hơn 40 doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ khó khăn trước tình trạng tiết giảm công suất liên tục khiến các chủ đầu tư nguy cơ vỡ nợ.

Được biết, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 3.248 hệ thống điện mặt trời với công suất đưa vào vận hành thương mại trên 603,8MWp. Ngay khi có công văn này, hơn 40 doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai đã gửi đơn kiến nghị tới Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chính quyền tỉnh Gia Lai liên quan đến hoạt động tại các dự án điện mặt trời.

Theo nội dung đơn, hiện khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời tại Gia Lai đang phải huy động vốn từ nguồn vay của các ngân hàng thương mại với tỷ trọng chiếm 70 - 80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay từ 9,5 - 12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án của doanh nghiệp là rất lớn, điều này sẽ đẩy các nhà đầu tư vào nguy cơ phá sản nếu việc cắt giảm tiếp tục kéo dài.

Phần lớn chi phí liên quan đến hệ thống năng lượng mặt trời đến từ việc lắp đặt các tấm pin. Điều này góp phần tạo việc làm các lao động địa phương.

Đáng chú ý, Công ty Điện lực Gia Lai tiết giảm, sa thải công suất điện vào khung giờ "vàng" lúc có tỷ lệ số giờ nắng cao từ 8h đến 15h, lại trúng thời điểm mùa mưa ở Tây Nguyên kéo dài, mưa liên tục, số giờ nắng thấp. Trong khi nguồn điện mặt trời chỉ hoạt động khi nắng tốt, gần như không hoạt động ở những thời điểm như trời mưa, trời nhiều mây mù hay ban đêm, trừ phi có hệ thống pin, ắc-quy tích điện. Đối với những dự án điện mặt trời quy mô lớn, hệ thống tích trữ này tối đa cũng chỉ thêm 3 - 5h, nhưng chi phí đầu tư rất đắt đỏ. Vì vậy, sản lượng điện mặt trời bị giảm sút nghiêm trọng.

Thông tin về vấn đề này, ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến quá trình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn quốc giảm mạnh. Vì vậy, xảy ra tình trạng thừa công suất trên hệ thống, có thể gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hệ thống lưới điện quốc gia. Đặc biệt, trong 4 tháng cuối năm 2021, nhu cầu về điện tiếp tục sụt giảm do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo an toàn hệ thống, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung phân bổ công suất huy động nguồn tối đa phù hợp nên mới có việc tiết giảm, sa thải công suất phát điện…”.

Đối với các nhà đầu tư điện mặt trời đây lại là một cú sốc lớn bởi việc luân phiên cắt giảm của ngành Điện lực được cho là vẫn chưa công khai, minh bạch, dễ xảy ra lợi ích nhóm nếu để cắt giảm không đồng đều.

Trên thực tế, việc tiết giảm công suất phát điện của các dự án điện mặt trời có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài từ tháng 12/2019 đến nay đã gây thiệt hại nặng nề đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động sản xuất... làm cho sản lượng tiêu thụ điện năng sụt giảm.

Gia Lai được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển điện mặt trời.

Ông Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyễn Hiệu Gia Lai cho biết: Hầu hết các chủ đầu tư điện mặt trời đều phải vay vốn từ các ngân hàng với tỷ trọng chiếm 70 - 80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay 9,5 - 12%/năm. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các chủ đầu tư phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án lên đến 50% trong 4 tháng cuối năm 2021, điều này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho các chủ đầu tư. Trong trường hợp các ngân hàng đưa doanh nghiệp vào nợ xấu thì sẽ không còn cơ hội để vay vốn đầu tư vào các dự án khác dẫn đến nguy cơ phá sản cao.

“Công ty Điện lực Gia Lai không có sự bàn bạc với các khách hàng mà đơn phương thực hiện cắt giảm công suất phát lên lưới. Việc cắt giảm phải minh bạch rõ ràng, có sự tổng hợp số giờ cắt, số ngày cắt của tất cả khách hàng và công bố hàng tuần để chủ đầu tư theo dõi, giám sát…”, ông Nguyễn Văn Hiệu nói thêm.

Cùng chung tình cảnh với nhiều nhà đầu tư, đại diện Công ty TNHH MTV An An (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) cho rằng công trình điện mặt trời của công ty vay vốn ngân hàng 10 tỷ với công suất 1MW. “Tiền nợ gốc, doanh nghiệp phải trả hàng tháng 100 triệu đồng, tiền lãi khoảng 65 triệu đồng. Đây là số tiền bắt buộc phải có hàng tháng để trả cho ngân hàng. Việc cắt giảm điện mặt trời, có khi cắt giảm nguyên ngày, ước tính trung bình mỗi tháng doanh nghiệp thiệt hại trên dưới 100 triệu đồng. Nên hiện tại doanh nghiệp đang lo lắng như ngồi trên đống lửa”, đại diện Công ty TNHH MTV An An, than vãn.

Kiến nghị của nhà đầu tư

Các doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời ở Gia Lai cho rằng công tác dự báo, quy hoạch phát triển điện mặt trời hiện nay còn thiếu chính xác; hệ thống truyền tải, cơ sở hạ tầng phục vụ truyền tải của ngành điện chưa phát triển đồng bộ so với việc phát triển của điện mặt trời cũng như công tác điều hành phát điện giữa các nguồn phát điện mặt trời.

Các doanh nghiệp điện mặt trời ở Gia Lai tham gia ký đơn kiến nghị.

Thực tế, nếu nhìn đa chiều, thì bài toán về quy hoạch phát triển điện mặt trời không chỉ là nỗi lo của các nhà đầu tư khi "đổ tiền" ra làm, mà với các nhà quản lý còn là sự nan giải trong vận hành, điều độ hệ thống điện, ổn định trong cấp điện, làm sao để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng quốc gia khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng mạnh trong cơ cấu nguồn.

Hiện nay, về phía các nhà đầu tư điện mặt trời đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp điện mặt trời để đảm bảo doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khó khăn như hiện nay.

Cụ thể, các nhà đầu tư đã đề nghị được Đảng và Nhà nước xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp điện mặt trời để đảm bảo doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khó khăn. Đồng thời đảm bảo cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg được thực hiện nhất quán, đúng cam kết, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Đối với Bộ Công Thương, các nhà đầu tư đề nghị xem xét, tính toán chỉ đạo các cơ quan liên quan, EVN xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn năng lượng hiệu quả nhất, giảm tối đa sự lãng phí của doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời và lãng phí tài sản của xã hội. Trong trường hợp bất khả kháng, các dự án điện mặt trời buộc phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án để tạo sự đồng thuận giữa các bên, tránh khiếu kiện có tính hệ thống gây mất ổn định an ninh, xã hội thì Bộ Công Thương phối hợp với các ngành liên quan để thoả thuận bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp.

Hiện nay, hướng xử lý được các nhà đầu tư điện mặt trời ở Gia Lai đưa ra là kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng với các hợp đồng mua bán điện đã ký đúng bằng thời gian tiết giảm, sa thải công suất. Hoặc Bộ Công Thương đề xuất các ngành liên quan tăng giá mua điện mặt trời cho các dự án đúng bằng phần sản lượng tiết giảm trong một thời gian nhất định cũng như đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi tiền vay cho các chủ đầu tư điện mặt trời.

Các chủ đầu tư này cũng đề nghị với Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công Thương và EVN để xác định rõ ràng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời. Từ đó, có quy định cụ thể đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp điện mặt trời do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 01 và Thông tư số 03 của Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp cũng mong Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các ngân hàng thương mại cố tình không thực hiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời. Trường hợp buộc phải sa thải điện thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoanh nợ không tính lãi. Đối với EVN, các nhà đầu tư điện mặt trời cũng đề nghị xây dựng phương án tăng cường huy động sử dụng điện hiệu quả nhất; công khai, minh bạch thông tin tiết giảm, sa thải của các dự án.

Là dạng năng lượng “trời cho” và đang được xem như xu thế của thế giới với vai trò có thể thay thế một phần năng lượng từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo. Việc nguồn cung điện mặt trời dư nhiều lần so với nhu cầu phụ tải trong tình hình dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng cắt giảm, sa thải công suất đang gây lãng phí nguồn năng lượng sạch và lãng phí lớn nguồn lực. Vì vậy, đây vẫn còn là một bài toán cần lời giải hợp lý để xoa dịu tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư./.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top