Theo đó, Thanh tra Chính phủ vừa ký văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai để thu thập thông tin, sau đó sẽ tiến hành thanh tra các nội dung như: Phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2010 - 2020; Việc giao đất, cho thuê đất, đơn giá cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại địa phương.
Đồng thời, thanh tra việc sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt là việc hợp thửa, tách thửa với diện tích tách trước hoặc sau hợp thửa từ 5.000m2 trở lên. Việc quản lý, sử dụng đất sau cổ phần hóa; cấp sổ đỏ, quản lý tài chính về đất đai
Liên quan đến vấn đề đất đai thì chính quyền tỉnh Gia Lai cũng đang kiểm kê, rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng. Bởi hiện nay xảy ra tình trạng “rừng trên giấy” làm khó các dự án triển khai xây dựng.
Thực tế có nhiều địa điểm, vị trí không còn rừng, là vùng đất các làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng trên giấy tờ lại ghi là đất rừng. Việc “rừng trên giấy” diễn ra nhiều nơi như ở huyện Chư Pưh, Chư Sê, Ia Pa… UBND tỉnh Gia Lai cho biết, các ngành chức năng đang phối hợp cùng đơn vị tư vấn rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng, làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 100/NQ-HĐND của HĐNĐ tỉnh.
Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh Gia Lai về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chánh văn phòng phụ trách UBND tỉnh Gia Lai, Nghị quyết số 100/NQ-HĐND có rất nhiều "sạn" và sai sót, cả do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì vậy, HĐND tỉnh đã cho phép khẩn trương rà soát, kiểm kê lại quy hoạch 3 loại rừng.
“Tỉnh Gia Lai sẽ rà soát lại thêm lần nữa, trên cơ sở khoa học, khách quan để tránh tình trạng “rừng trên giấy”. Ngành chức năng sẽ cùng đơn vị tư vấn đi khảo sát thực tế lại các vị trí hiện đã không còn rừng, từ đó điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho Nghị quyết số 100/NQ-HĐND đã ban hành năm 2017. Việc điều chỉnh này sẽ được HĐND tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định”, ông Nguyễn Văn Lộc, cho hay.
Liên quan đến Nghị quyết số 100/NQ-HĐND, hiện có một số dự án điện gió quy mô lớn với số vốn nghìn tỷ đồng đang "dính" vào phần đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, các dự án vẫn được chủ đầu tư triển khai thi công khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.