Sau một số đợt phát hành có giá trị cao trong tháng 3 (thời điểm ngay sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành), hoạt động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trầm lắng trở lại sau đó.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/7/2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 68.503 tỷ đồng, với 11 đợt phát hành ra công chúng trị giá 9.276 tỷ đồng (chiếm 13,5% tổng giá trị phát hành) và 54 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 59.227 tỷ đồng (chiếm 86,5% tổng số).
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn khoảng 147.310 tỷ đồng; có tới 49% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 72.170 tỷ đồng.
Đến giữa tháng 7, giá trị chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 44.000 tỷ đồng. Đồng thời, có khoảng 18.000 tỷ đồng trái phiếu đã được bên phát hành đàm phán với trái chủ hoán đổi bằng tài sản khác, gia hạn, thay đổi điều kiện, điều khoản. Số còn lại vẫn tiếp tục đàm phán.
Theo chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, ông Nguyễn Bá Khương, trong bối cảnh thị trường bất động sảnvẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục tăng lên.
Chỉ tính riêng trong 2 tuần đầu tháng 7, có 4 tổ chức phát hành công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng giá trị chậm thanh toán 4.432 tỷ đồng; 4 tổ chức phát hành công bố phương án tái cơ cấu trái phiếu; trong đó 3 tổ chức công bố kéo dài kỳ hạn trái phiếu, gia hạn thời gian thanh toán lãi trái phiếu và 1 tổ chức công bố phương án hoán đổi một phần trái phiếu sang tài sản khác.
Đến ngày 26/6/2023, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
VNDIREC ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 159,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Khoảng hơn 43.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Ông Khương cho rằng, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong quý III/2023. Áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn đang gia tăng trong hai quý cuối năm nay, trong khi nhiều tổ chức phát hành vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền.
Việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất mà những tổ chức này có thể lựa chọn ở thời điểm này để có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền chi trả cho các khoản nợ trái phiếu của mình, ông Khương nhận định.
Trong năm 2023, VNDIRECT ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 223.400 tỷ đồng, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý III/2023 sẽ có khoảng hơn 75.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 14,9% so với quý II.
Nhóm bất động sản là có tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn đáo hạn trong quý III, đứng thứ 2 là nhóm tài chính - ngân hàng với tỷ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn./.